Nếp nhà.

Bách bộ đôi chút là có thể ghé chỗ này, chỗ kia với nguyên cả một trời ký ức. Hoặc có thể vài trăm bước là qua cổng Thượng Tứ, kéo ghế ở quán bánh khoái Lạc Thiện, nhâm nhi chiếc bánh giòn rụm, những cọng cải nhỏ xanh mướt và dằm mấy quả ớt xanh liu xiu mà thơm nồng vào chén nước mắm thơm líu lưỡi trong ráng chiều muộn. Có lần anh còn cất công đi tìm, đặt hàng và dặn dò đủ thứ cần thiết chỉ để sáng hôm sau, mời bạn bè và nguyên cả dàn nhân viên khách sạn ăn bún gánh khi mệ bán bún với một bên triêng gióng bốc khói tong tả đi vào cổng. Bạn bè ngạc nhiên, xuýt xoa vì ngon, vì lạ, còn anh thì được một bữa “quá đã” với tất cả những dư vị nguyên xưa.

Trong bữa cơm chiều, giữa bao người với không ít món ngon xứ người, tôi nghe anh tiếc rẻ vì đã không kịp dặn để đãi những người bạn đến từ Huế một bữa bún cá ngừ. Cái tiếc đến nỗi làm tôi mường tượng mùi nước mắm, tiêu, mùi của mấy lát mỡ heo xắt nhỏ và mùi ớt nồng lên từ nồi cá. Biết là nỗi nhớ quê đã lặn hết vào hương vị ngày thường chả mấy khi có dịp “dựng” lại.

“Mà chài ơi – tiếng của người xa quê đã lâu cộng hưởng với âm sắc của vùng đất mà anh đang sống nghe ngồ ngộ - ở quê có nhiều thứ đến giờ vẫn chậm thay đổi quá. Là con trưởng, mỗi lần về, anh em bà con hay than khổ, nuôi con ăn học không đủ. Hỏi sao có đất đó mà không trồng cây, nuôi gà nuôi heo đi thì được nghe câu thiệt thà “dạ, đất nớ là của ôn mà”. Trời đất ơi, mình đứng dậy liền, ra vườn vạch địa giới liền, nói liền: đó, của tui nhưng giờ mấy anh em cứ làm đi nghe. Giờ nơi đó đã xanh rau xanh vườn rồi...”.

Anh kể mà giọng nghe thương, là không hiểu nổi dân Huế mình nghe. Anh kể về nhà, treo cái áo lên móc đầu giường tranh thủ chợp mắt chút. Một lúc nghe bước chân rón rén và một giọng nhè nhẹ “Dạ thưa, ôn cho con mang áo đi giặt". Đi giặt mà tụi hắn cũng xin vậy đó. Anh kể, đến bữa kỵ, xong lễ cúng thấy toàn đàn ông ngồi mâm trên nhà, tuyệt nhiên không thấy bóng một phụ nữ nào ngoại trừ lúc xếp dọn. Nhìn xuống mới thấy các mệ, các chị, các em và các cháu đang ngồi vẩn vơ ở nhà dưới. Hỏi thì lại được thưa là dạ trên nớ là phần của mấy ôn, khi mô xong dọn xuống tụi con sẽ dùng sau. Anh nói, mình giấu xót xa bằng cách nói lớn; dẹp hết, sắp thêm bàn lên trên này, dọn hết lên rồi cùng ăn, không là tui đi ngay, đi luôn. May mà bữa đó, mọi người không muốn mình đi và cũng từ bữa đó đến những lần kỵ giỗ sau này, nhà mình ở quê không còn cảnh ấy nữa, dù cánh phụ nữ vẫn ý tứ và khép nép khi chọn bàn, chọn chỗ...

Những điều mà đồng nghiệp kể, nghe bửng lửng vậy thôi mà có chút gì dâng lên nhè nhẹ. Tôi cứ nghĩ đó cũng là nếp nhà, là gia phong và câu chuyện của đồng nghiệp có lẽ cũng là phần đang được gìn giữ nơi quê nhà thuần hậu. Thế nên, tôi tin được anh đề nghị thay đổi và đã thay đổi, đó cũng chỉ là sự thay đổi tích cực để mọi người yêu thương nhau hơn.

Thực ra thì tôi biết, anh đã gửi gắm vào mấy câu chuyện nhỏ ấy của mình bao nhiêu là thương yêu...


Giày Đại Phát solution
Số người online:
21541
Số người truy cập:
9190678