Một “di tích của lòng dân”

 

Ngôi đàn - miếu nghĩa trũng An Hòa do dân làng xây dựng vừa khánh thành - Ảnh: Th.Lộc

Số tiền hơn 40 triệu đồng xây dựng ngôi đàn - miếu này được người dân hoàn toàn tự nguyện đóng góp khi làng phát động. Không chỉ tiền mặt, nhiều người dân còn tham gia xây dựng không công.

Cụ Nguyễn Đăng Ngân, 86 tuổi, ở giáp Trung, người chủ xướng việc vận động quyên góp, cho biết ngôi đàn - miếu được dân làng dựng nên nhằm thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn kính đối với các bậc anh hùng nghĩa sĩ đã bỏ mạng tại đây như Thái Phiên, Trần Cao Vân; vừa làm nơi cúng tế cho những âm hồn oan khuất bị xử chém nơi đây giờ không nơi nương tựa, với quan niệm của dân gian “nghĩa tử là nghĩa tận”...

Thật đúng như cách ví của một nhà nghiên cứu: đây chẳng khác nào một di tích của lòng dân, thể hiện tính nhân văn rất sâu sắc của người Việt, hoàn toàn xứng đáng là nơi diễn ra các bài học giáo dục công dân cho thế hệ trẻ.

Lần lại lịch sử, Cống Chém là nơi xử hình phạm nhân của triều đình phong kiến ngày xưa. Đến giai đoạn thuộc Pháp, nơi đây tiếp tục trở thành pháp trường của chính quyền thực dân nửa phong kiến.

Có rất nhiều bậc sĩ phu thuộc phong trào yêu nước chống Pháp do cụ Phan Bội Châu khởi xướng đầu thế kỷ 20 và những giai đoạn sau này đã bỏ mạng tại đây. Đặc biệt là hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân, đã bị xử hình và chôn cất cùng một hố vào năm 1916 (hài cốt hai chí sĩ này đã được bí mật đưa đi cải táng tại khu vực chùa Từ Hiếu vào năm 1925).

Ngày nay, ngoài địa danh Cống Chém được đặt cho cây cầu trên quốc lộ 1A, khu vực này còn có cồn Mả Thí - là nơi chôn cất những người bị xử chém không có thân nhân nhận về, và một bụi tre lớn tương truyền là nơi bêu đầu người bị chém để thị uy những người qua lại trên con đường cái quan xưa.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan, chỉ xét riêng là nơi tử nạn của những nghĩa sĩ yêu nước nói trên, nơi đây hoàn toàn xứng đáng là một di tích lịch sử cấp quốc gia. Nếu không nhìn nhận như vậy, hệ thống di tích lịch sử Huế sẽ mất đi phần ý nghĩa quan trọng.

Ở góc nhìn khác, Cống Chém là thành phần vốn gắn liền với hệ thống di tích của triều Nguyễn tại Huế. Nếu để “ngoài vòng di tích” như hiện nay cũng coi như tước bỏ một mảng giá trị tinh thần quan trọng, làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của hệ thống di tích...

Việc xây dựng ngôi đàn - miếu nghĩa trũng này của người dân rất đáng trân trọng. Nhưng thiết nghĩ, với một di tích sống trong lòng dân như thế, có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa không ở ngoài cuộc mà cần xúc tiến nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ đề nghị công nhận địa điểm Cống Chém là di tích lịch sử của Huế.

THÁI LỘC


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8159
Số người truy cập:
8924839