Sự kiện nhằm góp phần bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể truyền thống, trong đó có nghệ thuật bài chòi vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát biểu tại buổi lễ, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan. nhấn mạnh, sự kiện này là dịp để các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; để các nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật rút kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp nâng cao hoạt động trong sáng tác và biểu diễn. Gần 500 trăm nghệ sĩ, diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật tuồng, bài chòi, dân ca kịch hoạt động theo mô hình công lập và xã hội hóa trong toàn quốc đem đến Liên hoan 15 vở diễn mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống. Mỗi vở diễn có độ dài từ 80 đến 120 phút. Một số loại hình dân ca gần gũi với đời sống đương đại cũng được công diễn. Các đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản xứ Nghệ, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng, Nhà hát Nghệ thuật Khánh Hòa, Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và hát hố Quảng Nam, Quảng Ngãi mang đến nhiều vở diễn được đầu tư, chuẩn bị tốt như “Những người mẹ”, “Lê Công kỳ án”, “Trảm Trịnh Ân”, “Rực lửa hoàng cung”, “Ký ức lửa”, “Núi rừng năm ấy”… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng, khẳng định, Liên hoan được tổ chức tại Quảng Ngãi là cơ hội tốt để các cấp, ngành và giới văn nghệ sĩ quan tâm nhiều hơn đến việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, trong đó có tuồng, bài chòi, dân ca kịch. Trong khuôn khổ Liên hoan, sẽ diễn ra một buổi biểu diễn đặc biệt phục vụ đồng bào và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, với các tiết mục ca Huế, dân ca Nghệ Tĩnh, bài chòi, tuồng… Liên hoan diễn ra từ ngày 20 đến 28-10-2018. Sưu tầm. |