Hơn 50 tranh Bùi Xuân Phái lần đầu được triển lãm

 Trong buổi giới thiệu triển lãm Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái (24/6-4/7) sáng 22/6, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn - người tổ chức - cho biết sự kiện trưng bày 60 tranh sơn dầu, bột màu. 90% số tác phẩm lần đầu được trưng bày trước công chúng. Ông ấp ủ ý tưởng thực hiện năm 2020 nhân 100 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái, song phải hoãn vì dịch.

Một tác phẩm Bùi Xuân Phái được công bố trong triển lãm. Ảnh: Lý Đợi

Trần Hậu Tuấn sưu tập tranh nhiều danh họa từ thập niên 1980 và dành đam mê lớn cho các tác phẩm của Bùi Xuân Phái. Với ông, tranh Bùi Xuân Phái vượt qua những diễn giải về ngôn từ, chỉ có thể cảm nhận bằng tâm thức. Năm ngoái, khi TP HCM bùng phát vì dịch bệnh, nhiều đêm ông chỉ ngồi trong phòng và ngắm các bức vẽ. "Khi xem các tranh trên tường và bàn - vì nhiều bức khổ nhỏ phải bày ra bàn, tôi như thoát ly khỏi thực tại để đến với cái đẹp. Chúng tiếp thêm sinh lực cho tôi vượt qua đại dịch. Tôi học được nhiều thứ từ tranh lẫn cuộc đời lao động nghệ thuật của ông", ông Tuấn nói.

Các tác phẩm được trưng bày xoay quanh chủ đề quen thuộc của Bùi Xuân Phái, như "Phố Phái" - phổ cổ Hà Nội, "Chèo Phái" - hậu trường sân khấu chèo, minh họa thơ Hồ Xuân Hương, nông thôn Bắc bộ... Nhà sưu tập tâm đắc mảng phố phường Hà Nội trong loạt tranh. Nhiều người nhắc tới tranh Bùi Xuân Phái thường kể về những thân cây trụi lá, cột đèn cô độc, các đường viền nặng trĩu nỗi buồn. Trần Hậu Tuấn lại ấn tượng những khoảnh khắc hửng nắng trong tranh, với gam màu vàng, đỏ, cam, xanh lơ điểm xuyết trên nền xanh xám quen thuộc. Ông Tuấn đánh giá: "Tranh Bùi Xuân Phái không chỉ có mái ngói thâm nâu, rêu phong cổ kính mà còn màu ngói đỏ lộng lẫy, bầy trẻ thơ dắt tay nhau trong màu áo tươi sáng...".

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn bên một tác phẩm của Bùi Xuân Phái. Ảnh: Mai Nhật

Sự kiện còn triển lãm nhiều tác phẩm được Bùi Xuân Phái vẽ cuối đời. Bức Tự họa cuối cùng được thực hiện năm 1988 - vài tháng trước khi danh họa mất, có dòng đề từ của ông: "Bây giờ chỉ cần nhất là sức khỏe và không có bệnh tật gì". Bức vẽ người vợ đang ngủ ông chưa kịp hoàn thành. Nhiều cuốn sổ tay ghi lại các triết lý hội họa của Bùi Xuân Phái như: "Vẽ tranh đừng vội hài lòng sớm, càng vẽ càng tìm thấy những cái hay mới hơn hẳn những cái hay cũ, nhưng cũng nhiều khi thất bại", "Giữ cho tâm hồn trong trẻo, đẹp đẽ, tươi trẻ, đó là cách gần gũi nhất với nghệ thuật"... Triển lãm cũng dành một góc giới thiệu nhiều khoảnh khắc chân dung Bùi Xuân Phái, hay các dịp hội ngộ của ông và bạn hữu như nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Nguyễn Sáng...

Nhiều đồng nghiệp, khán giả háo hức tham quan triển lãm trước ngày khai mạc. Dù đã quen thuộc nét vẽ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Lê Đại Chúc cho biết chưa bao giờ hết kinh ngạc. Họa sĩ nói: "Tranh ông rất giản dị vì chủ yếu vẽ phố, chèo, nhưng người xem có thể thấy được sự hồn nhiên, chân thành. Nhờ sự chân thành, tác phẩm mới có sức sống lâu bền với công chúng". Thời trẻ, Lê Đại Chúc từng mời Bùi Xuân Phái từ Hà Nội vào TP HCM ở nhà ông ba tháng, quan sát cách danh họa vẽ và học tập.

Bức chân dung tự họa cuối cùng của Bùi Xuân Phái. Ảnh: Mai Nhật

Nhà phê bình Nguyễn Quân tâm đắc bút pháp ở tranh Bùi Xuân Phái. Theo ông, ở nhiều mảng tranh ít được chú ý hơn "Phố Phái", như mảng sinh hoạt nông thôn, danh họa vẫn tạo được chuẩn mực để thế hệ sau noi theo. Nguyễn Quân cho biết: "Nhiều người ca ngợi Bùi Xuân Phái là họa sĩ đậm chất dân tộc nhất. Với tôi, ông là họa sĩ 'Tây' nhất, chỉ vẽ 100% bằng chất liệu, họa pháp châu Âu, với bút pháp đậm chất École de Paris (trường phái ở Paris, Pháp nửa đầu thế kỷ 20)".

Nhân triển lãm, Trần Hậu Tuấn ra mắt Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi (Nhà xuất bản Trẻ), gồm 12 bài viết của ông cùng ảnh chụp loạt tranh trong bộ sưu tập. Cuốn thứ hai Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim, gồm 25 bài đánh giá của 14 nhà nghiên cứu, sưu tập tranh, văn nghệ sĩ... về danh họa.

Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941-1945, cùng thời các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Họa sĩ mất ngày 24/6/1988 tại Hà Nội. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cố họa sĩ nổi tiếng với các tác phẩm vẽ phố cổ Hà Nội, ghi lại sự chuyển biến xã hội tại thủ đô trong thế kỷ 20. Tranh của ông sử dụng chất liệu đa dạng vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo và dùng sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì... Sinh thời, họa sĩ chỉ có một triển lãm cá nhân vào năm 1984. Sau khi ông qua đời, gia đình và giới nghệ thuật làm triển lãm tranh Bùi Xuân Phái khoảng 15 lần.

Mai Nhật


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16369
Số người truy cập:
9240619