Gian lận trong thi cử ngày xưa: Xóa bỏ 'Sinh đồ ba quan'

 Quang cảnh trường thi 
năm 1895 /// Ảnh: Tranh trích trong tập Technique du peuple Annamite của Henri Oger - 1909

Khoa cử VN từ đời nhà Đinh, nhà Lê trở về trước rất khó khảo cứu, ngay cả trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) cũng chỉ viết: “Khoa cử bấy giờ còn thiếu, triều đình dùng người không câu nệ, không theo phép tắc cụ thể nào, sự cân nhắc còn rộng rãi, mà thực ra nội quy thi cử cũng chưa được tường. Điều này cũng dễ hiểu vì bắt đầu xây dựng, sự thể cũng phải như vậy”. Phải đợi đến năm 1010 với sự ra đời của triều Lý, từ quốc hiệu Đại Cồ Việt đổi thành Đại Việt, chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, việc khoa cử chọn nhân tài mới bắt đầu được chú ý đến. Dù vậy, khoa cử chưa định lệ rõ ràng.
Trải qua các triều đại, khoa cử ngày càng hoàn thiện, chỉn chu hơn, nhưng phải đến đời vua Lê Thái Tông (1433 - 1442) mới quy định 3 năm mở một khoa, phải thi qua 4 trường khác nhau (hoặc gọi là 4 kỳ). Nhà bác học Phan Huy Chú cho biết: “Phép ấy truyền thành quy mãi mãi”; và “về sau phép thi càng trở thành nghiêm ngặt”.
Một trong những sự kiện quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến nền nếp của khoa cử, là việc vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ban hành bộ luật Hồng Đức - gồm 6 quyển, 722 điều. Đến nay, đây vẫn được xem là bộ luật hoàn chỉnh nhất thời phong kiến ở nước ta - trong đó, có quy định rõ ràng, rành mạch về vấn đề liên quan đến giáo dục. Phan Huy Chú có nhận xét xác đáng: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp”.
Có đức hạnh mới được đi thi
Để không bỏ sót nhân tài, khi có chiếu chỉ của nhà vua, các làng xã lập bản thống kê những người có học để nộp lên cho huyện, dù người đó chưa đến 18 tuổi. Huyện rà soát danh sách rồi nộp lên cho cơ quan phụ trách giáo dục là hai ty Thừa, Hiến. Số thí sinh dự thi Hương quá đông nên bước đầu có cách loại bớt như thi sát hạch là môn ám tả - thí sinh nghe đọc rồi viết lại đúng mặt chữ hoặc phải viết một đoạn trong Tứ thư hoặc Ngũ kinh mà họ đã nhớ thuộc lòng. Ai làm được thì mới được tiếp tục thi. Cũng giống như sau này thi Hội, các thí sinh phải lần lượt thi 4 kỳ, đậu kỳ trước mới được thi kỳ sau.
Thế nhưng không phải ai có học cũng được đi thi, chẳng hạn, vua Lê Thánh Tông quy định cụ thể: Các quan địa phương phải đảm bảo thí sinh là người có đức hạnh thì mới được khai báo vào sổ ứng thí. Những kẻ bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa; những nhà làm nghề hát xướng cùng là nghịch đảng ngụy quan và người có tiếng xấu thì bản thân và con cháu dẫu có học vấn cũng không được vào thi…
Khi đi thi, thí sinh làm văn phải hồn hậu, đầy đủ, nếu ý nghĩa nông nổi và bài viết giống nhau thì bị đánh hỏng. Thí sinh đem theo tài liệu; “cóp pi” bài người khác; không viết được chữ nào hoặc làm bài mà xóa nhiều quá thì bị đuổi khỏi trường thi. Kẻ nào bạo gan thi thay người khác bị trị tội, suốt đời không được đi thi.
“Tiền thông kinh”
Theo năm tháng, dù quy định nghiêm ngặt, nhưng rồi do nhiều lý do, việc tuyển lựa “đầu vào” cũng xảy ra những việc gian dối. Cụ thể, Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Năm 1750, cho mọi người nộp tiền vào thi Hương. Trước đây, khi mới trung hưng, mỗi người đi thi nộp 5 tiền gọi là “tiền thông kinh”, để chi tiền ăn cho hiệu quan ở huyện. Từ thời Thái Bảo thi hành phép điệu, phí tổn về tiền thi đều lấy ở tiền công, “tiền thông kinh” này cũng nộp nhưng để chi phí vào việc làm trường và sắm đồ dùng cho quan trường”.
Trong thời điểm này, có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra như Hoàng Công Chất, Quận He Nguyễn Hữu Cầu, Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương… Chiến tranh liên miên, kho ngân quỹ của nhà nước ngày càng kiệt quệ. “Đến bấy giờ, Thự phủ Đỗ Thế Giai cho rằng dụng binh tiêu phí nhiều, tiền tài nhà nước thiếu thốn, cho mỗi người nộp tiền
3 quan, không phải khảo hạch, đều được vào thi, cũng gọi là “tiền thông kinh”. Vì thế, người làm ruộng, người đi buôn cho chí người hàng thịt, người bán vặt cũng đều làm đơn nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay, thay nhau làm bậy, không còn biết phép thi là gì”.
Sự việc tồi tệ này diễn ra vào lúc Minh Vương Trịnh Doanh đem quân đi đánh dẹp Nguyễn Doanh Phương. Lúc thắng trở về, nghe xôn xao trong dư luận sự việc nhố nhăng này, ông giận quá bắt các cống sĩ phải thi lại hết. Kết quả là hơn phân nửa rớt như sung rụng. Các quan viên đề điệu, giám thí, giám khảo đều bị giáng và bãi chức. Từ đó, trong dân gian mới có câu mỉa mai “Sinh đồ ba quan” là vậy. Sau này, dưới đời vua Quang Trung, thay mặt nhà vua viết chiếu về việc lập nhà học, danh sĩ lỗi lạc Ngô Thì Nhậm cũng chống lại việc nộp tiền để được đi thi Hương và ấn định: “Sinh đồ ba quan nhất thiết bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu dịch”.
Việc chấn chỉnh trong khoa cử, thời nào cũng có. Chẳng hạn, năm 1664, vua Lê Huyền Tông cũng đã từng cho thi khảo hạch lại các sinh đồ. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn cho biết: “Lúc ấy, số người dự thi bị đánh hỏng đến quá nửa”.

Giày Đại Phát solution
Số người online:
21261
Số người truy cập:
9190304