Hôm 19/10, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ trước thông tin nhóm nhạc thiếu niên The East Light bị ông chủ đánh đập, đe dọa. Trước phong trào ký tên của hơn 150.000 người, giới chức nước này đã vào cuộc điều tra sự việc. Tương tự, hồi tháng 2, hơn 200 nghìn người dân Hàn cùng ký tên để khiến cơ quan chức năng nước này điều tra lại vụ án diễn viên Jang Ja Yun tự tử hơn 10 năm trước. Truyền thông Hàn gọi đây là "quyền năng của người hâm mộ".
Sáu thành viên nhóm The East Light chịu ngược đãi suốt nhiều năm. Thân thể các thiếu niên có nhiều vết thương, thậm chí họ phải điều trị tâm lý. |
Văn hóa giải trí Hàn phát triển mạnh từ giữa thập niên 1990, khi cuộc khủng hoảng kinh tế, tiền tệ ảnh hưởng toàn châu Á. Các ngành công nghiệp đóng băng, chính phủ Hàn phải vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến 57 tỷ USD. Tổng thống Hàn khi đó - ông Kim Dae Jung - quyết định xây dựng nền giải trí, tạo tầm ảnh hưởng trên thế giới nhằm thu hút nhà đầu tư. Đến nay, "làn sóng Hallyu" lan tỏa khắp nơi, từ Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam... đến nước Mỹ, châu Âu, châu Phi.
Tờ The Guardian của Anh đánh giá Hàn Quốc có nền công nghiệp giải trí phát triển bậc nhất châu Á. Đứng sau thành công này là người hâm mộ, theo đánh giá của truyền thông nước này. Fan được xem là thế lực ngầm, khuynh đảo showbiz suốt hai thập kỷ qua.
Fan Hàn có thể quyết định thành bại của một nghệ sĩ, một công ty và ảnh hưởng đến nền công nghiệp giải trí. Daum đánh giá: "Fan tạo cho nghệ sĩ một thế giới riêng, tôn sùng họ như một tín ngưỡng".
Cộng đồng fan nước này được tổ chức có hệ thống và hoạt động chuyên nghiệp. Các fanclub, fandom, fansite... được lập nhằm ủng hộ thần tượng phát huy tài năng và đam mê nghệ thuật. Ngay từ thời Internet và mạng xã hội nước này chưa phát triển, cách người hâm mộ tập hợp để ủng hộ nghệ sĩ đã được truyền thông Hàn ca ngợi. Theo đó, một nhóm nhỏ lẻ rải tờ rơi, dán thông điệp trên tường, nơi công cộng hay thông qua sóng radio kêu gọi những khán giả có chung sở thích thành lập fanclub. Sau khi gặp gỡ, họ bầu ra trưởng nhóm, rồi từ đó lên kế hoạch hoạt động công khai.
Với các fanbase, fandom và fanclub tại Hàn, người đứng đầu (còn gọi là trưởng nhóm, trưởng fan) có quyền và được tôn trọng không kém nghệ sĩ. Họ được phép tiếp xúc trực tiếp với thần tượng, đại diện fan gửi lời yêu thương đến nghệ sĩ. Họ điều phối mọi hoạt động sao cho đôi bên trở nên gần gũi. Trưởng nhóm nào có năng lực sẽ khiến fan trở thành gia đình thứ hai và hậu phương vững chắc của sao.
"Các thành viên khác chắc chắn không muốn làm mất lòng người đứng đầu vì sợ bị loại bỏ khỏi fanclub. Nghệ sĩ cũng cố gắng giữ mối quan hệ tốt với trưởng fan để củng cố địa vị trong làng giải trí. Bởi được lòng khán giả là có cả thiên đường", một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc chia sẻ trên Naver.
Thập niên 1990, mỗi ngày trước cổng các công ty giải trí, đài truyền hình và nhà riêng nghệ sĩ luôn chật ních người hâm mộ. Họ xếp từng hàng dài, cầm banner, biểu ngữ và hình ảnh để cổ vũ. Trên diễn đàn Naver, Daum, nhiều fan cho biết không quên được những lần tranh cướp vé, đội mưa gió xem thần tượng biểu diễn hay lang thang khắp các phim trường chỉ để tận mắt thấy nghệ sĩ yêu thích.
Các sân khấu K-pop từ thập niên 1990 đến nay luôn thu hút hàng chục nghìn fan. |
Khi Internet, mạng xã hội nở rộ, người hâm mộ có nhiều cách giúp thần tượng nổi tiếng hơn. Theo Naver, mỗi lần các nghệ sĩ ra MV mới trên Youtube hay các trang mạng, hàng triệu fan dành cả ngày lẫn đêm "cày view", giúp họ tăng lượt xem bằng cách mở video trên nhiều thiết bị (điện thoại, máy tính, ipad...), rồi kêu gọi bạn bè, người thân cùng xem.
Sự thành công của nhóm nhạc BTS là minh chứng cho sức mạnh và quyền năng của fan. Hai năm liên tiếp 2017 và 2018, BTS nhận giải Top Social Artist (Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) tại Billboard Music Awards. Đồng thời, họ được tạp chí Time xếp vào danh sách 25 nhân vật ảnh hưởng nhất Internet.
Năm thành viên của H.O.T - nhóm nhạc thần tượng đời đầu Hàn Quốc. Vụ "H.O.T tan rã năm 2001" được xếp thứ 5 trong danh sách sự kiện gây sốc nhất lịch sử showbiz Hàn. |
"Chính người hâm mộ đã giúp bảy chàng trai nông thôn ra 'biển' lớn, trở thành nhóm nhạc toàn cầu và lập nên những kỷ lục chưa từng có của nghệ sĩ Hàn tại làng nhạc thế giới" - đây là ý kiến được đồng tình nhiều nhất trên các diễn đàn tại Hàn. MV Idol của nhóm ra mắt hôm 24/8 gây chấn động khi đạt đến hơn 55 triệu lượt xem sau 24 giờ, vượt qua kỷ lục 43,2 triệu lượt xem của MV Look what you made me do (Taylor Swift, phát hành năm 2017).
Năm ngoái, việc fan chi bộn tiền mừng sinh nhật lần thứ 23 của thành viên nhóm BTS - ca sĩ V (Kim Tae Hyung) - cũng khiến nhiều nghệ sĩ Hollywood bất ngờ. Fanclub của nhóm thuê phi cơ riêng chở thông điệp chúc mừng sinh nhật trên bầu trời Los Angeles, Mỹ. Trong khi ấy, Fansite Baidu của V tại Trung Quốc bỏ tiền mua quảng cáo trên các màn hình lớn tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) suốt một tuần. Cứ 30 phút một lần, 11 bảng đèn ở tòa nhà Thomson Reuters và màn hình lớn tại tòa nhà NASDAQ chạy hình ảnh V và lời chúc sinh nhật anh. Fan nói quyết định tiến hành chiến dịch quảng bá lớn vì muốn giúp ca sĩ Hàn "Đẹp trai nhất thế giới" gây chú ý tại thị trường quốc tế.
Bên cạnh "cày view", người hâm mộ còn giúp nghệ sĩ lan tỏa tên tuổi bằng cách quyên góp gạo, tiền bạc, hiện vật... gửi đến các tổ chức từ thiện hay những hoàn cảnh khó khăn dưới danh nghĩa của thần tượng. Để đáp lại kỳ vọng của khán giả, nghệ sĩ Hàn luôn đề cao việc phải giữ gìn hình ảnh đẹp. Hầu hết nghệ sĩ Hàn ở các lĩnh vực giải trí đều trui rèn, học tập các kỹ năng từ rất sớm. Họ không chỉ khép mình vào kỷ luật đào tạo nghiêm khắc mà còn cẩn thận trong đời sống riêng tư.
11 màn hình lớn tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) đều hiện quảng cáo mừng sinh nhật V hôm 30/12/2017. |
Trong bài phân tích trên CNN hồi tháng 9, phóng viên James Griffiths nhận định các công ty giải trí, "bầu sô" Hàn Quốc luôn nỗ lực kiểm soát bê bối đời tư như uống rượu, sử dụng chất kích thích, hoặc thậm chí hẹn hò... để tránh làm mất lòng fan.
Thanh Cao
Nguồn: VNEXPRESS