Tại Đăk Lăk, Vườn Quốc gia Yok Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đang là nơi tiên phong thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi tại Việt Nam. Ông Vũ Đức Giỏi, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ của Vườn quốc gia, chia sẻ về mô hình này, những thay đổi khi đặt phúc lợi của voi lên hàng đầu khi làm du lịch.
Tham gia tour, du khách sẽ tìm voi trong rừng, thấy chúng tự do kiếm ăn. Ảnh: Vườn Quốc gia Yok Đôn
Vườn Quốc gia Yok Đôn từng có dịch vụ cho du khách cưỡi voi, tuy nhiên từ năm 2014, vườn đã mở tour học làm quản tượng, dần thay thế việc cưỡi voi và bước đầu được ủng hộ. Đến năm 2018, Vườn phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á, chuyển đổi mô hình du lịch từ cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi: Đưa voi thả về rừng, cho voi ăn uống, đi lại, sinh hoạt trong không gian hoang dã, chấm dứt việc cưỡi voi tại Vườn Quốc gia.
Du khách có nhu cầu sẽ được sắp xếp đi tour giới hạn số lượng người, đến tận nơi trong rừng để ngắm voi, tìm hiểu kiến thức về voi, tiểu sử của chúng và vì sao chúng sống ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Bạn thậm chí có thể thấy dấu vết của đàn voi rừng hoang dã, dấu chân voi, dấu vết tìm thức ăn... Hướng dẫn viên cũng kể về câu chuyện huấn luyện và chăm sóc voi lâu đời của đồng bào Tây Nguyên trong vùng. Trong lúc đi rừng, bạn sẽ tìm hiểu về hệ động thực vật của Vườn Quốc gia Yok Đôn, xem những loại cây thuốc người địa phương thường sử dụng và thưởng thức bữa trưa theo kiểu dã ngoại...
Ông Giỏi chia sẻ: "Điều này xuất phát từ câu chuyện tôi từng chào mời du khách cưỡi voi, nhưng họ không tham gia và bảo rất thương động vật. Rồi tôi có chương trình học làm quản tượng, khách đi cùng nài voi vào rừng, tìm voi, mang voi ra sông tắm và cho ăn... điều này làm du khách rất thích. Từ đó tôi nghĩ là có thể thay đổi, thương động vật hơn và không làm chúng khổ, còn du khách không nhất thiết phải được cưỡi voi thì mới vui".
Voi tham gia du lịch thân thiện được tự do đi lại, ăn uống, di chuyển mà không có sự ràng buộc của con người, không sử dụng xích để tự do kiếm ăn trong rừng. Đêm đến, vườn chưa có khu thả voi tập trung nên dùng xích 30-40 m, voi vẫn di chuyển, nằm ngủ được, đảm bảo sức khỏe và không ra ngoài phá hoa màu người dân.
Ban đầu, nài voi ở Yok Đôn lo lắng, nếu không xích chân voi, để voi tự do đi lại thì khi chúng chạy đi mất, họ không biết bắt voi lại bằng cách nào. Sau này, họ làm quen, gần gũi, đi bên cạnh voi, bẻ măng, thức ăn ngon đút cho chúng, gọi tên từng con. Dần dần, việc thả voi không cần dây xích trở nên hiển nhiên, nài voi cũng tự tin hơn, gọi tên thì voi sẽ quay lại, cho ăn thì voi sẽ tới. Mất khoảng 3 tháng để những chú voi thay đổi thói quen sinh hoạt, quen với cách sống mới. Còn người nài voi thì học cách chăm sóc, quản lý, chăn thả voi không xích chân.
"Ngày xưa voi bị xích chân rất tội, voi bên chúng tôi làm việc ít nhưng voi bên các trung tâm du lịch đi chở khách suốt ngày, không được thả đi ăn. Buổi tối xích hai chân voi ngắn lại thì nó rất mệt mỏi, không bao giờ được nằm xuống để ngủ, phải đứng dựa vào gốc cây", ông Giỏi cho biết.
Vị này nói thêm: "Voi được sống tự do như bây giờ sẽ khỏe mạnh và tuổi thọ tăng dần. Chúng sẽ có tập tính bầy đàn trong tự nhiên như vốn có. Voi mẹ đẻ voi con, ra voi cháu, chúng cứ sống bảo vệ nhau. Bây giờ tôi có 8 con voi, tách thành hai bầy. Chúng được chơi với nhau, có bạn trong cuộc sống, được giao tiếp, lấy vòi vuốt ve nhau thân thiện rất vui".
Nhiều người cho biết không đồng tình với du lịch cưỡi voi tại Đăk Lăk, tuy nhiên loại hình du lịch này vẫn còn tồn tại, không thể cấm do là kế sinh nhai của cả một gia đình lớn, nài voi. Từ tháng 12/2021, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi. Để thực hiện được mô hình vẫn cần nguồn hỗ trợ, chính sách lâu dài, việc ký kết chỉ mới là bước đầu.
Theo ông Giỏi, cần sự đồng lòng quyết tâm chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi, thực hiện đúng quy định và đồng bộ thì mô hình du lịch này sẽ phát triển.
Du lịch cưỡi voi sẽ trở thành ký ức. Ảnh: Vườn Quốc gia Yok Đôn
"Cần phải hỗ trợ cho các hộ gia đình có voi, các nài voi... có thể căn cứ mức thu nhập của gia đình và mức thu nhập khi làm du lịch, một ngày họ làm được bao nhiêu tiền, dựa vào đó để hỗ trợ ban đầu. Sau đó lấy khoảng thu nhập từ du lịch thân thiện với voi chi trả cho họ thì mô hình du lịch này sẽ bền vững, dài lâu", ông Giỏi nói. Hiện mô hình du lịch này đa số thu hút khách nước ngoài, hy vọng nhiều khách Việt sẽ biết đến hơn, tham gia mô hình du lịch sinh thái, nhân văn với voi, làm điều tốt cho chúng và cũng để bảo tồn voi Tây Nguyên.
Huỳnh Nhi