Diễn tiến mới của vụ kiện Megastar:

 

 

Với lợi thế trang thiết bị hiện đại bậc nhất và nguồn phim nhập phong phú nên các suất chiếu của cụm rạp Megastar luôn đông khán giả, nhất là các phim 3D - Ảnh: Gia Tiến

 

Đại diện Megastar gồm ông Brian Hall (chủ tịch hội đồng quản trị), ông Lim Eng Hee (tổng giám đốc) và bà Phan Thị Lệ (phó chủ tịch hội đồng quản trị) đã dành phần lớn thời gian để nói về hoạt động phát hành, sản xuất phim trên thế giới, hiện trạng điện ảnh VN qua cái nhìn của Megastar.

Và khoảng 1/3 thời gian còn lại, ông Brian Hall đưa ra các phản biện về những cáo buộc mà phía các doanh nghiệp đứng đơn khiếu nại đưa ra. Đại diện cao nhất của Megastar khẳng định họ không đồng ý với bất kỳ cáo buộc nào trong đơn khiếu nại khiến Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương ra quyết định điều tra chính thức với Megastar (Tuổi Trẻ ngày 28-6-2010).

Đề xuất Công ty CP Thiên Ngân không được khiếu kiện

Về cáo buộc Megastar đang nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường trong thị trường liên quan (nắm 30% thị phần trong thị trường phát hành phim nhựa nhập khẩu), đại diện Megastar cho rằng bên khiếu kiện đã xác định sai thị trường liên quan và đã không chứng minh được thị phần của Megastar để quy kết họ thống lĩnh thị trường.

Về cáo buộc giá thuê phim bất hợp lý khi Megastar áp dụng chính sách giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem là 25.000 đồng với phim chiếu vòng đầu từ giữa năm 2009, Megastar cho rằng căn cứ vào chứng từ thanh toán, phí thuê phim mà các rạp phải trả cho Megastar không thay đổi trong suốt thời gian chiếu một phim.

Ông Brian Hall cũng cho biết bên khiếu nại trong bản giải trình bổ sung gửi Cục Quản lý cạnh tranh đã đính chính và khẳng định họ không cáo buộc Megastar áp đặt giá vé tối thiểu cho khán giả, các rạp có toàn quyền quyết định giá vé theo chính sách kinh doanh của họ.

Về cáo buộc mua hàng kèm, Megastar khẳng định không có bất kỳ nghĩa vụ bán kèm nào được ghi nhận trong các hợp đồng giữa Megastar và các rạp phim khác.

Phía Megastar cũng cho biết trong bản giải trình ngày 6-11 gửi Cục Quản lý cạnh tranh, họ đã đề xuất tuyên bố Công ty CP phim Thiên Ngân không đủ điều kiện là bên khiếu nại vì không có bằng chứng Galaxy có liên quan hay bị ảnh hưởng gì bởi các hành vi do bên khiếu nại cáo buộc.

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

PV Tuổi Trẻ đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến việc phát hành phim của Megastar ở VN. Với câu hỏi về việc yêu cầu phải ký hai hợp đồng cùng lúc cho phim Transformers: Revenge of the fallen (Người máy biến hình: Bại binh phục hận)  Ice age 3 (Kỷ băng hà 3), ông Brian Hall cho rằng đây là hai phim hay và đều có doanh thu rất cao. Quan điểm của Megastar là không bao giờ bán phim kèm phim.

Sự thỏa thuận phân phối hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Và việc đưa cùng lúc hai phim lớn như Transformers: Revenge of the fallen  Ice age 3 chính là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội phát hành hai phim lớn với đảm bảo doanh thu cao. Còn việc các doanh nghiệp khởi kiện nói rằng họ đã bị ép, Megastar đã tìm hiểu và thấy đó là sơ suất của một nhân viên giữ chức vụ không quan trọng trong Megastar khi đàm phán miệng gây ra hiểu lầm trên.

Về cáo buộc Megastar đưa ra các điều kiện về phòng chiếu và suất chiếu cho các phim Megastar phát hành sẽ ảnh hưởng đến các phim của nhà phân phối khác cũng như điện ảnh nội địa. Cụ thể như trường hợp phim Bẫy rồng vì phát hành cùng thời điểm phim Avatar công chiếu nên chỉ được Megastar dành cho một phòng chiếu ở mỗi cụm rạp cũng như trì hoãn việc ký hợp đồng phát hành.

Ông Brian Hall cho rằng họ đã khuyến cáo nhà sản xuất Bẫy rồng trước đó sáu tháng là thời điểm chọn phát hành của Bẫy rồng sẽ trùng với phim bom tấn đến từ Hollywood, lại là lần đầu tiên phim 3D được chiếu ở VN. Tuy nhiên sự lựa chọn phim thuộc về khán giả, Megastar cho rằng họ đã chiếu Bẫy rồng lâu nhất so với các rạp khác trong cả nước.

Nhưng câu hỏi về việc trì hoãn ký hợp đồng phát hành và chỉ có một rạp nhỏ dành cho Bẫy rồng ở mỗi cụm rạp của Megastar thì ông Brian Hall không trả lời.

Megastar có thể sẽ thay đổi chính sách

Về ý kiến cho rằng có phải vì rạp Tháng Tám (Hà Nội) cùng trục đường với cụm rạp Megastar mà Megastar không cho họ được nhận phim phát hành vòng đầu dù lãnh đạo rạp đã chấp nhận mức giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem mà Megastar đưa ra, ông Brian Hall bác bỏ ý kiến trên.

Bà Phan Thị Lệ cung cấp thêm thông tin: sự kiện này đã được đưa ra trong cuộc họp kín giữa sáu doanh nghiệp đứng đơn kiện và Megastar tại Cục Điện ảnh hồi tháng 6, không hiểu có ai thông tin ra bên ngoài mà báo chí lại biết để hỏi(!?).

PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Tại sao kinh doanh xuất nhập khẩu và chiếu phim - là loại hình kinh doanh nhóm A, theo cam kết gia nhập WTO, tỉ lệ vốn sở hữu nước ngoài trong một doanh nghiệp chỉ được tối đa 51%, ở nhóm A chỉ là 49%, còn Megastar có đến 90% vốn từ nước ngoài đầu tư? Liệu Megastar có phải là một ngoại lệ đặc biệt? Và vai trò của đối tác VN ở đâu trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh, nhất là trong những trường hợp cần hỗ trợ các nhà sản xuất phim VN?”.

Bà Lệ không trả lời về vai trò của đối tác VN trong chiến lược kinh doanh, chỉ giải thích “đây là nguyên nhân Megastar đã chờ đợi gần hai năm mới được kinh doanh ở VN và việc chấp nhận này đã được Thủ tướng phê duyệt sau khi tham khảo ý kiến của tám bộ liên quan”.

Câu hỏi của PV Tuổi Trẻ về việc có hay không Megastar đang nắm thị phần 30% để bị cáo buộc là thống lĩnh thị trường cũng không nhận được câu trả lời chính xác từ Megastar. Thay vào đó, ông Brian Hall cho rằng họ cũng không thể biết thị phần của các công ty khác ra sao để so sánh.

Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của phóng viên một tờ báo khác, ông lại khẳng định qua những con số cụ thể: “Doanh thu chiếu phim năm 2008 của Megastar đã tăng gấp đôi so với 2007 và doanh thu của tất cả công ty khác cũng tăng gấp đôi - dù họ không đầu tư rạp mà chỉ hưởng lợi nhuận từ việc chiếu phim do Megastar nhập về”(!?).

PV báo Pháp Luật TP.HCM hỏi Megastar có thay đổi chính sách của mình sau vụ kiện này hay không, ông Brian Hall cho rằng có thể sẽ thay đổi, không phải là hôm nay và phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải phụ thuộc vào vụ kiện.

 

Chúng tôi không khiếu nại về hành vi áp đặt giá vé tối thiểu

Xung quanh những phản biện của Megastar, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp khiếu kiện gửi đến ý kiến này. Tuổi Trẻ trích đăng:

Tập thể các doanh nghiệp khiếu nại là những đơn vị bị áp dụng chính sách giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem (MPC) nên hoàn toàn có đủ tư cách khiếu nại về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh (thể hiện thông qua việc Cục Quản lý cạnh tranh chấp nhận đơn khiếu nại và ra quyết định điều tra sơ bộ và quyết định điều tra chính thức).

Thêm nữa, tập thể các doanh nghiệp khiếu nại còn khiếu nại về các hành vi khác như buộc mua kèm, bị áp đặt điều kiện ký kết hợp đồng (chỉ định phòng chiếu và suất chiếu một cách quá đáng)... mà chúng tôi là đối tượng bị áp dụng trực tiếp.

Nội dung khiếu nại: về việc áp đặt giá bán vé tối thiểu, các doanh nghiệp khiếu nại Megastar về ba hành vi sau: áp đặt giá thuê phim bất hợp lý thông qua việc áp dụng chính sách MPC, buộc doanh nghiệp thuê phim phải thuê kèm các phim khác nhau và áp đặt điều kiện chiếu phim (suất chiếu và phòng chiếu) bất hợp lý.

Chúng tôi chưa bao giờ khiếu nại Megastar về hành vi áp đặt giá bán vé tối thiểu nên không thể có vấn đề đính chính như trong cuộc họp báo ngày 9-11 Megastar đã nêu. Đây chỉ là cách hiểu chủ quan và có phần không chính xác của Megastar nhưng lại luôn được lặp đi lặp lại trong các phát ngôn của Megastar...

Trong phạm vi vụ việc vẫn đang được Cục Quản lý cạnh tranh điều tra xử lý chính thức, chúng tôi sẽ không có ý kiến gì về việc Megastar tự ý kết luận rằng mình không vi phạm pháp luật cạnh tranh cũng như phủ nhận các sự kiện và chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của Megastar vốn đã được Cục Quản lý cạnh tranh chấp nhận và thụ lý giải quyết chính thức theo quy định pháp luật.

Về việc phát triển thị trường và quyền lợi của khán giả, chúng tôi hoan nghênh Megastar khi đưa ra quan điểm rằng “khán giả chính là người cuối cùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trên thị trường”.

Trên thực tế, đây chính là mục đích mà tập thể các doanh nghiệp khiếu nại hướng đến.

Tập thể các doanh nghiệp tham gia khiếu kiện

Tiến trình vụ khiếu kiện tập thể với Megastar

* Ngày 29-3-2010, sáu doanh nghiệp phát hành và chiếu phim gồm Công ty CP điện ảnh truyền thông Sài Gòn (cụm rạp Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Vinh Quang), Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai (cụm rạp Thanh Bình, Sông Phố), Công ty CP phim Thiên Ngân (cụm rạp Galaxy), Công ty Điện ảnh 212, Công ty cổ phần Sài Gòn điện ảnh (Cinebox Hòa Bình) và Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng Tám) gửi đơn khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh cáo buộc Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

* Ngày 18-6, Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định số 67 về việc điều tra chính thức vụ kiện cạnh tranh và hai đơn vị Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội đã bị loại ra khỏi tập thể doanh nghiệp đứng đơn khiếu kiện.

* Ngày 25-6, tại Cục Điện ảnh đã có cuộc gặp trao đổi về hoạt động phân phối và chiếu phim tại VN giữa lãnh đạo Cục Điện ảnh, đại diện Ban Tuyên giáo, Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Cục Quản lý cạnh tranh cùng đại diện các doanh nghiệp liên quan đến vụ kiện.

* Dự kiến kết luận của việc điều tra chính thức sẽ được Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra vào ngày 18-12 nếu như không gia hạn điều tra.

 

CÁT KHUÊ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2100
Số người truy cập:
8724099