Đề cử Vở diễn sân khấu Giải Mai Vàng 2010: Những sắc màu ấn tượng

 

Sân khấu cải lương và kịch nói năm 2010 hiếm tác phẩm hay, đó là nhận định chung của giới chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn có những vở diễn tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng và những vở diễn đề cử tranh Giải Mai Vàng năm nay được bạn đọc ghi nhận như những sắc màu nổi bật trong bức tranh sân khấu năm 2010.

 
Câu thơ yên ngựa - Làm sang cải lương
 
Nhà báo Hoàng Kim (Báo Thanh Niên) nhận định: “Đạo diễn Vũ Minh đã đem hơi thở hiện đại vào vở cải lương Câu thơ yên ngựa (kịch bản Hoàng Yến, Ngọc Văn, Thanh Tòng, Thanh Bạch), với tiết tấu nhanh và lối trang trí sân khấu cách điệu, gọn nhẹ, chứ không tả thực như xưa.
 
Không gian đẹp, đường dây sân khấu chặt chẽ, tâm lý nhân vật đầy đặn, chất cải lương đậm hơn chất hồ quảng nên chinh phục cả những người yêu cải lương khó tính. Đạo diễn Vũ Minh và ê kíp thực hiện vở diễn này đã góp phần làm sang trọng thêm cho sân khấu cải lương”.
 
NSƯT Lệ Thủy nhận xét: “Tôi đến xem Thanh Bạch, Bạch Lê diễn và quả thật hơn 20 năm rồi tôi mới tìm lại được không khí sôi động của cải lương tuồng cổ với thương hiệu Minh Tơ. Các nghệ sĩ đã diễn xuất thần, vũ đạo kết hợp rất nhuần nhuyễn”.
 
Một cuộc đời bị đánh cắp - Đầy tính nghệ thuật
 
NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét: “Đây là tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của nước Nhật, đã được dựng thành kịch ở nhiều nơi trên thế giới. Tại TPHCM, Một cuộc đời bị đánh cắp đã được sân khấu 5B ra mắt công chúng vào những năm 1980 với dàn diễn viên được xem như thế hệ nghệ sĩ vàng gồm: Minh Trang, Thành Lộc, Việt Anh, Tường Vân...
 
Sau hơn 20 năm, sân khấu IDECAF dàn dựng lại với quyết tâm muốn khẳng định lần nữa: Chính kịch nếu được thể hiện một cách nghiêm túc, mang tính nghệ thuật vẫn có sức hấp dẫn riêng.
 
Các vai: bà chủ Xi Du (Hoàng Trinh), Kay (Lê Khánh), Xin Ta Rô (NSƯT Thành Lộc), Ây Di (Lương Thế Thành)... là những vai diễn có diễn xuất chuẩn. Lê Khánh đã có cơ hội nhận được một vai diễn mà nhiều diễn viên trẻ mong muốn.
 
 
NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Lê Khánh trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp

 
Về mặt tạo hình, đạo diễn Trần Minh Ngọc đã cho diễn viên Lê Khánh nhiều đoạn cao trào và điểm nhấn sâu lắng, thuyết phục được người xem. Về phương diện cảm xúc, Lê Khánh và Lương Thế Thành đã có nhiều nỗ lực khi đi vào số phận thăng trầm với nhiều ngóc ngách tâm lý éo le và quả là một thách thức đối với cả hai diễn viên trẻ này nhưng họ đã vượt qua.
 
NSƯT Thành Lộc vào vai người chồng họa sĩ giàu tình cảm của Kay. Diễn xuất của Thành Lộc ngày càng điêu luyện cùng với nghệ sĩ Hữu Châu (vai ông cậu) đã tạo bệ phóng vững chắc cho các nghệ sĩ trẻ. Âm nhạc và ánh sáng đã hỗ trợ đắc lực cho diễn viên trong vở diễn này, cho thấy sự đầu tư rất công phu của đạo diễn đối với tác phẩm”.
 
Nhà báo Dương Thị Liên Chi (Báo Sân khấu TPHCM) nhận định: “Từ suất diễn đầu tiên cho tới nay, Một cuộc đời bị đánh cắp của đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc luôn cháy vé. Vì sao? So với bản dựng trước đây thì vở diễn hôm nay có chiều sâu hơn, cảm động hơn. Mỗi khán giả đều có thể nhìn thấy một hay nhiều khía cạnh, nhiều chủ đề khác nhau mà vở diễn đề cập nhưng bao quát chính là cái nhìn cuộc đời thật đẹp và nhân ái”.
 
Oan gia - Dấu ấn đạo diễn trẻ
 
NSƯT Ca Lê Hồng cho biết: “Tôi xem kịch trong năm 2010 nhiều nhưng vở diễn ấn tượng nhất, vừa kết hợp được sự nghiêm túc trong việc làm nghệ thuật vừa đáp ứng được tính giải trí, phải nói đến vở Oan gia. Kịch bản do tác giả Xuân Trang viết mà theo tôi biết đã thai nghén hơn 2 năm mới hoàn thành.
 
NSƯT Hồng Vân đã mạnh dạn giao cho Xuân Trang và Diệp Tiên – hai đạo diễn trẻ - dàn dựng vở kịch này. Tôi ấn tượng nhất ba lớp diễn: Khi người con gái của đại ca Ba chuyển dạ sinh đứa con quái thai; cảnh núi lở đá lăn và cảnh cuối cháy rừng. Cấu trúc vở nhờ ba điểm nhấn này đã cho thấy đạo diễn có tay nghề dù là vở đầu tay. Về diễn xuất, vở diễn này có được sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các tình huống kịch bi xen hài, nhẹ nhàng, căng thẳng, lúc gây sự tò mò cho người xem, lúc buộc khán giả suy ngẫm”.
 
Trái ngược với ý kiến của NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu phân tích: “Vở bị vụn vặt khi sa đà vào những yếu tố chọc cười không cần thiết.
 
Riêng phần âm nhạc cải lương, bối cảnh vở vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ trước nhưng diễn viên Minh Nhí lại ca bài Đoản khúc lam giang của nhạc sĩ - NSƯT Văn Giỏi chỉ mới sáng tác thập niên 1980 thì không đúng ngữ cảnh và không gian kịch. Vì thập niên 1950, các gánh hát cải lương chưa có bài bản này”.
 
Ông ngoại, bà nội  - Náo kịch không cường điệu
 
NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: “Náo kịch là ưu thế của Kịch Nụ cười mới khi có bộ ba Hoài Linh, Chí Tài, Thanh Thủy biểu diễn. Hầu hết các vở trên sân khấu này đều bám vào trò diễn của nghệ sĩ hơn là kịch bản hài, do đó đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu đã tạo nhiều mảng miếng thú vị, cuốn hút khán giả và khai thác gần như tối đa công năng diễn xuất của bộ ba này trong vở Ông ngoại, bà nội (kịch bản Vương Huyền Cơ).
 
Cấu trúc vở kịch nhẹ nhàng, những nút thắt mở tâm lý khiến người xem cười nhưng suy nghĩ. Đạo diễn đã dành những khoảng lặng thật đẹp để người xem lắp dự đoán của mình vào kịch, đó là cách dựng độc đáo khiến khán giả không bị chán. Tôi cho rằng vở diễn này đã tạo được yếu tố gây cười thoát ra ngoài sự ngẫu hứng của diễn viên hài ngôi sao mà đi theo chủ đề, gắn kết được tính tư tưởng khiến khán giả có thể đồng cảm”.
 
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Diễn xuất không nghiêng về phía chiều theo thị hiếu tiếng cười mà có sự đồng bộ, tiết chế để đi vào chủ đề kịch. Đây chính là cốt lõi để các nghệ sĩ hài tung hứng thoải mái nhưng không lạc đường, cường điệu”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Giày Đại Phát solution
Số người online:
29336
Số người truy cập:
8824057