Đạo diễn 'Đường kiến' giải thích nghi vấn đạo ý tưởng

Phim Đường kiến (đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa, tác giả kịch bản Đỗ Văn Hoàng) lấy bối cảnh chiến trường miền Nam Việt Nam mùa khô năm 1967. Sau một trận đánh ác liệt, chỉ còn một lính Mỹ sống sót. Bị thương và đói, anh nhìn thấy một đàn kiến bò thành hàng và mang trên lưng chúng những mẩu cơm. Người lính Mỹ nhặt những mẩu cơm đó và lần theo đường kiến để tìm nguồn thức ăn thì trông thấy một người lính Việt Nam đã hy sinh, bên cạnh là một nắm cơm.

Được quay vào tháng 12/2010, Đường kiến là một bài tập làm phim ngắn của đạo diễn khi đang học năm thứ 3 Đại học Sân khấu Điện ảnh. Tháng 3/2011, phim tham dự giải Cánh Diều Vàng và đoạt giải Cánh Diều Bạc (giải cao nhất ở hạng mục Phim ngắn).

Còn truyện ngắn Đường kiến của tác giả Kinh Dương Vương (tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh), ra đời trước năm 1975. Tác phẩm kể về một người lính của chính quyền Sài Gòn cũ, sau một trận đánh, anh tỉnh dậy bên xác đồng đội. Bị đói, người lính này bò theo đường đi của kiến để lần tìm đến nguồn thức ăn mà những con vật này đang cõng theo bên mình.

Đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa. Ảnh: QN.
Đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa. Ảnh: QN.

Đánh giá về sự tương đồng giữa phim và truyện, độc giả Nam Quan (ở Mỹ) cho rằng: "Phim giống 99% với truyện". Còn một bạn đọc ký tên Việt Văn nhận xét: "dường như đạo diễn đã vô tình sử dụng truyện của nhà văn Kinh Dương Vương mà không để lại phụ chú về tác giả thật của kịch bản mình sử dụng". Độc giả cungho cho rằng, bộ phim đã đoạt giải điện ảnh rất quan trọng tại Việt Nam thì phải rõ ràng về mặt bản quyền.

Trao đổi với nhà văn Kinh Dương Vương, ông cho biết, sau khi đọc nội dung và xem trailer, ông thấy “truyện phim rất sát với nội dung truyện Đường kiến của tôi, chỉ đổi người lính của chính quyền Sài Gòn cũ thành lính Mỹ”.

Trước những phản ứng này, đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa và êkíp làm phim thừa nhận, họ có tham khảo ý tưởng của truyện và đã ghi rõ điều này trong phần giới thiệu bộ phim. Tuy nhiên, do không liên lạc được với nhà văn Kinh Dương Vương (nhà văn hiện sống ở Mỹ) nên anh và tác giả kịch bản không thể xin phép tác quyền trước khi chuyển thể truyện.

Đạo diễn cho biết, nhờ sự cung cấp của độc giả VnExpress.net, anh đã liên lạc được với nhà văn và có cuộc trao đổi qua thư điện tử để nói rõ sự việc. "Bạn Đỗ Văn Hoàng là người viết kịch bản phim ngắn Đường kiến, bạn có nói với cháu là có tham khảo một phần ý tưởng trong một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương. Cháu và Hoàng đã nhiều lần tìm cách liên lạc với bác nhưng vì bác không ở Việt Nam, và mối quan hệ của chúng cháu rất ít nên không biết phải liên lạc với bác như thế nào. Chính vì thế mà cháu có nói với Hoàng, khi làm phim, phần mở đầu giới thiệu của phim sẽ đề một lời đề tựa là "Phim ngắn Đường Kiến - Dựa theo ý tưởng của truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương", điều này cũng là để thể hiện sự tôn trọng tác giả, tôn trọng ý tưởng của bác", Thiều Hà Quang Nghĩa viết trong thư gửi nhà văn.

Cả đạo diễn và biên kịch thừa nhận họ yêu thích truyện ngắn của Kinh Dương Vương, đặc biệt là chi tiết người lính bò theo đàn kiến trong
Một cảnh trong phim Đường kiến. Ảnh: Tạ Hà Hải.

Đáp lại, nhà văn Kinh Dương Vương (70 tuổi), cũng có thái độ bao dung ngay từ khi được độc giả thông báo sự việc. Trả lời VnExpress hôm 21/3, ông không gọi đây là một vụ “đạo phim” hay “đạo ý tưởng” mà là “chuyển thể truyện ngắn thành phim”. Ông muốn sự việc được giải quyết hợp tình, hợp lý và nói thêm: “Tôi cũng thấy vui vì tác phẩm văn chương của tôi viết trong thời chiến được những người ở thế hệ hậu chiến thưởng thức và lấy làm phim”.

Theo đạo diễn, đây là một phim ngắn bài tập của sinh viên nên không nhằm mục đích thương mại. “Điều may mắn là phim đã đoạt giải Cánh Diều Bạc trong hạng mục Phim ngắn của giải Cánh Diều Vàng do Hội Điện ảnh việt Nam trao tặng. Số tiền thưởng cho giải này là 7 triệu đồng (khoảng hơn 300 USD)”. Trong thư gửi nhà văn Kinh Dương Vương, đạo diễn cũng ngỏ ý, anh sẽ chia sẻ một phần tiền thưởng cho ông theo đúng luật sở hữu bản quyền.

Nhà văn Kinh Dương Vương còn có bút danh Họa sĩ Rừng và Dung Nham. Ngoài viết văn, ông còn vẽ tranh và đã có một số triển lãm mỹ thuật. Ảnh: phapluattt.
Nhà văn Kinh Dương Vương còn có bút danh Họa sĩ Rừng và Dung Nham. Ngoài viết văn, ông còn vẽ tranh và đã có một số triển lãm mỹ thuật. Ảnh: phapluattp.

Tuy nhiên, nhà văn quê gốc Phú Thọ từ chối khoản tiền thưởng mà đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đề nghị. Ông đùa vui với đạo diễn: “Vài hôm nữa tôi về Việt Nam, khoảng 27/3, có khi ra Hà Nội, gặp nhau uống lon bia nóng là vui rồi”.

Pham Mi Ly


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1779
Số người truy cập:
8975680