Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: Kỳ 2: 'Như chuyện thần tiên...'

 Đám cưới hoàng gia cuối cùng trong lịch sử Việt Nam /// TƯ LIỆU

Đám cưới hoàng gia cuối cùng trong lịch sử Việt Nam

Quân vương và tiểu thư miền Nam

Trưởng thành tại Paris (Pháp), Bảo Đại là ông hoàng tân thời. Việc tìm cho nhà vua trẻ một người vợ theo chuẩn mực phương Tây, ít ra là có một nền học vấn tương đồng, được ông bà Jean François Eugène Charles ¬– nguyên Khâm sứ Trung kỳ, gia đình giám hộ Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy trong thời gian du học ở Pháp, quan tâm đặc biệt.
Một chiều muộn mùa đông năm 1932, trời Đà Lạt se lạnh. Trong khuôn viên khách sạn xa hoa bậc nhất thành phố, lác đác những khóm hoa đêm dưới ánh đèn vàng mờ ảo bởi sương khói. Nội thất hoa mỹ của Langbian Palace ít nhiều gợi nhớ những bữa tiệc tối của giới quý tộc Paris. Hay nói cách khác, đó là một thế giới quý tộc Paris mà người Pháp cố tình tạo nên giữa núi rừng cao nguyên Đà Lạt.
Tại đại sảnh đường lung linh đèn nến và những nhạc khúc dặt dìu, Toàn quyền Pasquier giới thiệu với hoàng đế Việt Nam ái nữ của điền chủ Nguyễn Hữu Hào có tiếng ở miền Nam - cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan. Cô gái mới 18 tuổi, dáng mảnh khảnh, dung nhan toát ra vẻ đẹp sang cả, hiền từ. Cô là người Công giáo ngoan đạo, quê quán Gò Công nhưng trưởng thành ở Sài Gòn và Paris. Cha và ông ngoại của cô (Huyện Sỹ) đã từng góp của xây nhiều thánh đường cổ kính ở Sài Gòn - Gia Định. Gia đình cô có dinh thự lớn ở Đà Lạt. Marie Thérèse vừa mãn khóa ở Trường Couvent des Oiseaux ở Pháp, trở về Việt Nam.
Hoàng đế Bảo Đại viết trong cuốn Con rồng An Nam: “Sau lần gặp đầu tiên đó, chúng tôi thỉnh thoảng gặp lại nhau để tâm tình. Marie Thérèse rất thích thú nói về những ngày du học bên Pháp. Chúng tôi gặp gỡ trong tình yêu âm nhạc và các môn thể thao. Cô có vẻ đẹp yểu điệu của người miền Nam”.
Nam Phương hoàng hậu cũng trả lời trên báo chí sau đó rằng, hôm ấy, Thị trưởng Đà Lạt Darles mời ông Lê Phát An, cậu của bà, đến Langbian Palace dự tiệc chiêu đãi. Được biết buổi tiệc có mặt nhà vua, bà do dự không muốn đến; nhưng vợ chồng cậu nài nỉ một lúc thì cũng thuận theo.
Tại đại lễ đường, bà Charles đi cùng Nguyễn Hữu Thị Lan vào bái yết đức vua. Sau màn nghi thức bày tỏ lòng kính trọng với bậc quân vương, họ đã làm quen rất nhanh, và đức vua mời cô tiểu thư mang vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha chút Tây phương khiêu vũ theo một nhạc khúc tango.
“Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”, vua Bảo Đại viết trong hồi ký.

Tình yêu hay sự sắp xếp ?

Từ buổi gặp tiến đến cuộc hôn nhân là chưa đầy 2 năm. Những hẹn hò trong khoảng thời gian đó giữa một quân vương và cô tiểu thư miền Nam không thấy tài liệu nào nói tới. Trong hồi ký, vua Bảo Đại nói về sự kiện hôn nhân với nhiều tình tiết bất ngờ:
“Khi trở về Huế, tôi có kể lại cho mẫu thân tôi chuyện này và ý định của tôi. Bà không mấy hoan nghênh, khi biết cô theo đạo Công giáo và cũng Tây học như tôi. Bà muốn rằng tôi nên lấy được người vợ biết tôn cổ, biết đạo tam tòng tứ đức. Mặt khác, bà cũng rất quan tâm về vấn đề giáo dục con cái theo đạo Thiên chúa. Thế nhưng, đây không phải chỉ là vấn đề hoàn toàn tôn giáo, mà là một vấn đề quốc gia (...).
Ngày cưới là ngày 20 tháng 3 năm 1934. Đám cưới được cử hành trước triều đình và các đại diện của Pháp. Đó là một vấn đề mới mẻ, vì từ xưa đến nay chưa bao giờ như vậy. Tôi cũng có quyết định tấn phong ngay cho vợ tôi, tước hiệu là hoàng hậu, sau khi cưới, điều mà từ xưa, mẫu thân tôi chỉ được phong sau khi phụ hoàng đã băng hà.
Tôi tấn phong cho vợ tôi là Nam Phương hoàng hậu, có nghĩa là hương thơm của miền Nam, đồng thời cũng theo một sắc dụ, tôi cho phép hoàng hậu được mặc áo màu vàng da cam, vốn chỉ dành riêng cho hoàng đế.” (Trích: Con rồng An Nam)
Nhà nghiên cứu Daniel Grandclément bình luận trong Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam (Nguyễn Văn Sự dịch, NXB Phụ Nữ - 2006): “Không nói về tôn giáo tín ngưỡng, cặp giai nhân tài tử này thật đẹp đôi, có nhiều nét tương đồng. Cũng như Bảo Đại, cô cũng được ăn học lâu năm ở Pháp, tại một ngôi trường nội trú rất có nền nếp là Trường nữ tu Les Oiseaux ở Neuilly. Chuyện tình của họ đẹp đẽ như trong chuyện thần tiên”. Và ông cũng đã đặt ra câu hỏi: Ai đã sắp xếp việc này? Bản thân nhà vua hay Paris?
Có người nói rằng, cái định mệnh ấy, chẳng qua chỉ là một sự “thu xếp” của những người Pháp, giữa ông bà Charles, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier và song thân của chính Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan. Nhưng Daniel cũng nhận định trong cuốn sách nói trên: “Cuối cùng và trên hết, cặp uyên ương hài lòng thấy ước nguyện của họ đã đạt. Tình yêu của họ đối với nhau là có thực, chắc chắn quan trọng hơn những tính toán chính trị”.
(Trích: Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, NXB Trẻ, 2021)

Giày Đại Phát solution
Số người online:
37155
Số người truy cập:
9212697