Từ hơn 60 năm trước, đám cưới độc nhất vô nhị ngay trong hầm De Castries ngày 22.5.1954 của cặp đôi Cao Văn Khánh (1917 - 1980) và “tiểu thư” Nguyễn Thị Ngọc Toản (cô sinh viên y khoa đi phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ) đã thành sự kiện “hot” với cả truyền thông quốc tế. Trong cuốn sách dày 800 trang, sự kiện này chỉ là một “nốt nhạc” vui tươi trong dàn đại hợp xướng kỳ vĩ.
Bên cạnh những trang sách miêu tả khá cụ thể nhiều chiến dịch lớn nhất, ác liệt nhất trong hơn 30 năm chiến tranh với vô vàn hy sinh và không ít chi tiết có lẽ lần đầu được công bố, góp phần làm sáng tỏ thêm những “vùng mờ” trong lịch sử, cuốn hồi ký còn có nhiều chi tiết độc đáo. Ngay sau chiến thắng lớn đầu tiên ở biên giới (1950), đại tá Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó 308 - đơn vị chủ công của chiến dịch - được giao nhiệm vụ ở lại chỉ huy việc thu dọn chiến trường, trao trả tù binh. Ông đã có sáng kiến tổ chức “đêm lửa trại kỳ lạ nhất trong đời”: “... Ngồi vòng trong xung quanh đám lửa là hơn 800 thương binh của ba cánh quân thất trận (Le Page, Charton, De la Boom) và cả các đại đội Vệ quốc đoàn và một ban nhạc. Vòng ngoài là dân công, tải thương, nhiều địa phương... Người chiến thắng hát bài ca cách mạng. Kẻ thất trận hát giọng hát của quê hương mình ở Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ý, Đức... ”.
Cuộc đời Cao Văn Khánh qua 40 chương sách đầy những điều tưởng như nghịch lý. Một trí thức lý lịch “phức tạp” như Cao Văn Khánh (hai người anh là viên chức cấp bộ trưởng bên kia chiến tuyến, phu nhân là con gái đại quan triều Nguyễn...) mà được cử làm Khu trưởng Khu 5 - địa bàn ác liệt nhất thời đầu chống Pháp lúc mới 28 tuổi, chưa phải đảng viên. Từ đó cho đến chiến dịch mùa xuân 1975, ông đều được giao những cương vị trọng yếu, nhưng ông cũng phải vượt qua những “nỗi đau” ngay trong hào quang chiến thắng mà chỉ mình ông biết.
Hồi ký của một con người nhưng gợi nghĩ đến cả một thế hệ, khiến chúng ta hiểu thêm về đất nước những năm tháng gian lao...