Covid-19 có thể liên quan tình trạng dậy thì sớm

 Công trình trên được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Nội tiết Nhi khoa Châu Âu, ngày 17/9.

Các nhà nghiên cứu cho biết số trẻ em dậy thì sớm trung bình tại một trung tâm y tế trong giai đoạn 2015 đến 2019 khá ổn định, khoảng 10 trường hợp mỗi năm. Con số này tăng gấp đôi, lên 23 trẻ vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 30 trường hợp vào năm 2021, khi Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Nhóm chuyên gia Đức không phải những người duy nhất nhận thấy số ca dậy thì sớm tăng gấp đôi. Tiến sĩ Karen Klein, Bệnh viện Nhi đồng Rady và Đại học California, San Diego, Mỹ, cho biết: "Những năm trước Covid-19, chúng tôi tiếp nhận 28 trẻ em điều trị chứng dậy thì sớm. Trong năm Covid-19, chúng tôi tiếp nhận 64 em".

Theo tiến sĩ Klein, nguyên nhân của dậy thì sớm có thể do căng thẳng, tình trạng tăng cân do không tập thể dục trong thời gian giãn cách. Nhiều trẻ em nữ được chẩn đoán dậy thì sớm bị xáo trộn giấc ngủ, ngủ muộn hơn so với thời gian trước đại dịch. Số khác bị viêm xoang - tình trạng thường xảy ra khi mắc Covid-19.

Kết quả tương tự cũng được báo cáo tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Dậy thì sớm là tình trạng hiếm gặp, ảnh hưởng khoảng 5.000 đến 10.000 trẻ em trong thời kỳ trước đại dịch. Tỷ lệ dậy thì sớm là một bé trai trên 10 bé gái. Lý do đằng sau sự chênh lệch giới tính hiện chưa rõ ràng.

Nhiều trẻ em dậy thì sớm trong hai năm Covid-19 lây lan. Ảnh: Freepik

Dậy thì sớm thường khiến trẻ nhẹ cân, thấp bé ở tuổi trưởng thành, bất kể giới tính. Tình trạng này cũng có thể gây ra bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư. Dậy thì sớm có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn rối loạn lo âu ở nam giới và trầm cảm ở nữ giới.

"Trước đây, tôi điều trị cho một hoặc hai bệnh nhân dậy thì sớm mỗi tháng. Nhưng trong giai đoạn này (đầu đại dịch, trước khi nghiên cứu được công bố), tôi phải điều trị cho ba bệnh nhân một tuần", Sezer Acar, bác sĩ tại Bệnh viện Nghiên cứu và Giáo dục Trẻ em Behçet Uz ở Izmir, cho biết.

Thực tế, ngay cả khi không có Covid-19, độ tuổi dậy thì toàn thế giới đã giảm khoảng ba tháng sau mỗi thập kỷ, kể từ năm 1977. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để làm chậm tốc độ dậy thì, song hình thức điều trị này chỉ được khuyến khích cho những trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý.

Thục Linh (Theo New Science)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
18979
Số người truy cập:
9128749