Con cái là của trời cho

 

Hãy mang lại cho thế hệ măng non những gì tốt đẹp nhất

Người tìm kiếm

Trên chuyến xe vắng khách từ Đà Nẵng về Huế, tôi được anh Hoàng, chủ xe, 40 tuổi quê ở huyện Phú Lộc kể về hành trình “kiếm tìm” đứa con của vợ chồng anh. Lập gia đình cách đây 10 năm, anh có cuộc sống hạnh phúc với người vợ kém mình 8 tuổi. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ dần chịu nhiều áp lực từ người thân và làng xóm khi 2 năm sau ngày cưới vợ anh vẫn chưa có thai.

Anh Hoàng đọc được khát khao sinh con của vợ qua ánh mắt mỗi lần chị chơi cùng mấy cháu nhỏ và trong tiếng khóc nghẹn hằng đêm của chị. Để tránh áp lực, vợ chồng anh quyết định sang Lào làm ăn và âm thầm chạy chữa. Thêm 8 năm ròng thử vận may ở khắp nơi, anh quay về Huế. “Ngày mai đúng lịch hẹn lấy tinh trùng để trữ lạnh, lần này vợ chồng anh quyết định thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu không thành công anh chị sẽ chuyển sang nhờ mang thai hộ vì bà cô của anh cũng đã đồng ý”, anh Hoàng thể hiện quyết tâm.

Câu chuyện của vợ chồng anh Hoàng có lẽ cũng là nỗi niềm của nhiều cặp vợ chồng trẻ bị hiếm muộn, vô sinh. Họ mỏi mòn chữa trị để được lắng nghe tiếng khóc trẻ thơ dù tốn rất nhiều thời gian và công sức. Sự mệt mỏi, áp lực từ người thân và cộng đồng đôi lúc đánh gục họ, dẫn đến các cuộc chia tay nhưng vẫn có những đôi vợ chồng kiên trì với khát khao cháy bỏng là có con.

Theo số liệu từ Trung tâm Nội tiết sinh sản và vô sinh thuộc Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế trong năm 2017, đã tiến hành điều trị cho trung bình hơn 4.500 lượt bệnh nhân. Tuy vậy, trung tâm này chỉ là một trong các đơn vị ở Huế thực hiện chức năng điều trị vô sinh, hiếm muộn. Nó cũng đồng nghĩa với con số cao hơn nhiều các cặp vợ chồng đang nhờ đến sự can thiệp của y học để kiếm tìm con cái.

Kẻ chối từ

Chùa Đức Sơn (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) rộn ràng hơn bởi tiếng trêu đùa của các em nhỏ trong ngày hè. Hiện, chùa đang nuôi dạy trên 170 em đa phần là trẻ mồ côi hoặc cha mẹ mất do bệnh tật. Nhiều em bị bỏ ở vườn chùa khi mới sinh ra đời, có em lại được “nhặt” bên vệ đường. Hằng năm, vẫn có khoảng 7-10 trẻ bị bỏ rơi tiếp tục gia nhập vào mái ấm của chùa.

Mái ấm ở chùa Đức Sơn chỉ là một trong nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Làng trẻ em SOS Huế (đường Lê Ngô Cát, TP. Huế), Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi Sơn Ca (Kim Long, TP. Huế), Cô nhi viện Ưu Đàm (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang)… là những nơi che chở cho những mảnh đời trẻ em bất hạnh. Ở đó, tuy các em thiếu tình cảm của những người sinh thành nhưng số phận các em vẫn còn may mắn.

Năm 1992 nghĩa trang thai nhi Ngọc Hồ (xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà) được hình thành, làm nơi an nghỉ cho các bào thai bị vứt bỏ và đến nay con số đã hơn 5 vạn. Trung bình, một ngày có khoảng từ 13 đến 15 thai nhi được chôn cất, ngày cao điểm hơn 20 thai nhi. Vì “quá tải” nên nhiều phần mộ là nơi an nghỉ của 30 – 40 em, thậm chí cả 100 em. “Đường về cõi tịnh” là một nghĩa trang thai nhi khác trên đường Võ Văn Kiệt, TP. Huế vừa xây mới nhưng nhiều mộ phần cũng đã có chủ. Con số có thể tiếp nhận hơn 1.000 thai nhi của nghĩa trang này chỉ “đáp ứng” phần nào thực tế nạo phá thai hiện nay tại Thừa Thiên Huế.

Theo số liệu từ Khoa Sức khỏe sinh sản của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong năm 2017 đã “xử lý” 3.692 trường hợp phá thai, trong đó có 124 ca là trẻ vị thành niên. Đây là con số của chỉ riêng trung tâm, không kể đến các cơ sở được phép và cả không được phép khác trên địa bàn tỉnh. Tất nhiên, các ca nạo phá thai đến đây có thể từ các tỉnh khác nhưng nhìn rộng ra Việt Nam mỗi năm có khoảng 2,5 – 3 vạn ca phá thai được báo cáo chính thức. Còn trong thực tế theo tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam xếp thứ ba trên thế giới và dẫn đầu châu Á về tỷ lệ phá thai với 1,52 triệu ca năm 2017.

Vì mang thai trong tâm thế chưa kịp chuẩn bị, những ông bố bà mẹ “đành” bỏ rơi đứa con của mình. Trường hợp may mắn, các em sinh ra và trở thành trẻ mồ côi, nuôi dưỡng bởi xã hội và những tấm lòng hảo tâm như ở chùa Đức Sơn hay làng trẻ SOS...

Hằng năm, cứ đến Ngày Dân số thế giới vào tháng bảy, người ta lại nhắc nhiều đến chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản và phát đi những thông điệp về giáo dục ý thức phòng tránh thai cho trẻ vị thành niên, nhưng câu chuyện ấy vẫn chưa có điểm dừng khi các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi ngày càng đông đúc và nghĩa trang thai nhi nhanh chóng được lấp đầy.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
21630
Số người truy cập:
9190797