Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ký ức văn nghệ sĩ

 Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022) diễn ra trong tháng 11. Với đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức một thời, ông Sáu Dân (tên gọi thân mật của cố Thủ tướng) là nhà lãnh đạo nổi tiếng có tầm nhìn, tư duy cởi mở, góp công giúp bộ mặt văn hóa đất nước thay đổi.

Nhà thơ Nguyễn Duy (ngồi, phía trái) bên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngồi) và Trịnh Công Sơn (đứng, bên phải) cùng hát Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn sáng tác) bên sông Sài Gòn năm 1999. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những năm đầu thập niên 1980, nhà thơ Nguyễn Duy viết bài Đánh thức tiềm lực - một trong những tác phẩm gây sóng gió trong sự nghiệp của ông. Khi ấy, Nguyễn Duy từ chiến trường trở về, chứng kiến nền kinh tế quốc gia "tụt dốc theo chiều rơi thẳng đứng" (chữ của nhà thơ Tố Hữu). Mỗi ngày, ông ám ảnh với cảnh "đất nước của ba miền cày ruộng, chưa đủ no cho đều khắp ba miền".

Hoàn thành tác phẩm, ông không dám công bố bởi nghe tin một số bạn cùng thời bị bắt vì "thơ có vấn đề". Lần đầu ông đọc tác phẩm hoàn chỉnh là trong cuộc họp mặt thân tình với ông Võ Văn Kiệt - khi đó đang làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM.

Nguyễn Duy nhớ lại khi ông dứt câu thơ cuối, khán phòng im lặng. Một hồi sau, Thủ tướng chậm rãi nói: "Nặng lắm. Nhưng chịu được". Nhà thơ thở phào. Sau lần đó, ông mạnh dạn phổ biến bài thơ ở nhiều nơi. Đến năm 1986, nhờ nghị quyết Đổi Mới của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần VI của Đảng, tác phẩm lần đầu được in nguyên văn trên báo Tuổi trẻ. Một năm sau, Đánh thức tiềm lực xuất hiện trong tập Mẹ và em của Nguyễn Duy.

"Chính nhờ những người dám 'xé rào cơ chế', chịu nghe những gì khác đi, thậm chí là ngược lại công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình như ông Sáu Dân, chúng ta mới có được một con đường đổi mới với những ngày dễ thở hơn như hôm nay", nhà thơ Nguyễn Duy nói.

Một giai đoạn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đỡ đầu cho ngành xuất bản TP HCM. Năm 1975, TP HCM chỉ có hai đơn vị là Tổng hợp và Văn nghệ, không có cơ sở xuất bản sách thiếu nhi. Ông Cửu Thọ (sau đó là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Trẻ) cùng các cộng sự làm đơn xin thành lập, gửi ra Trung ương hai năm nhưng không thấy phản hồi. Ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy TP HCM) đã đích thân ra Trung ương can thiệp. Năm 1981, Nhà xuất bản Măng Non (tên do ông Sáu Dân đặt) ra đời.

Những ngày đầu, trụ sở của Nhà xuất bản được đặt ở số 53 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Khi ấy, Thủ tướng trao tặng chiếc xe Renault ông đang dùng để góp vào tài sản còn khiêm tốn của đơn vị. 5 năm sau, Nhà xuất bản Măng non đổi tên thành Trẻ, đến nay trở thành một trong những thương hiệu xuất bản lớn nhất cả nước. Một lần trò chuyện cùng Thủ tướng, bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - nói các thế hệ lãnh đạo của Nhà xuất bản luôn xem ông như ân nhân. Nghe vậy, ông khoát tay, lắc đầu cười đôn hậu.

Từng được gặp, làm việc trực tiếp với Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - nói Thủ tướng nhiều lần giúp giải quyết khó khăn để xây dựng Bảo tàng.

Năm 1994, khi nghe báo cáo về việc bảo tàng ít hiện vật do thiếu kinh phí nghiên cứu, sưu tầm, Thủ tướng lập tức giao cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xử lý. Nhờ vậy, các cán bộ được đi thực tế từ Bắc vào Nam, sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, hình ảnh của 54 dân tộc. "Việc Thủ tướng sát sao vào việc xây dựng bảo tàng, cho thấy được tầm nhìn, tâm huyết của ông với việc bảo tồn, phát triển di sản, văn hóa - quan trọng không kém kinh tế hay giáo dục", ông Huy nói.

Ông Võ Văn Kiệt còn quan tâm đến những tài năng nghệ thuật trưởng thành trong chế độ cũ, mà Trịnh Công Sơn là đại diện tiêu biểu. Sau năm 1975, một giai đoạn, nhạc sĩ về quê nhà tại Thừa Thiên - Huế tạm lánh vì bị một số người bài xích. Khoảng năm 1978, ông trở lại TP HCM, được Nguyễn Quang Sáng kết nối với ông Sáu Dân. Có mối giao cảm đặc biệt với nhạc Trịnh, ông Võ Văn Kiệt giới thiệu nhạc sĩ với Hội liên hiệp văn học nghệ thuật TP HCM, nhận ông vào biên chế chính thức. Từ đó, Trịnh Công Sơn được tạo điều kiện hòa nhập với đời sống nghệ sĩ, lấy lại niềm cảm hứng sáng tác.

"Dù là lãnh đạo, ông rất cởi mở với chúng tôi. Ngày ấy, vô tình mà ba chúng tôi - Nguyễn Duy (Bắc), Trịnh Công Sơn (Trung), Nguyễn Quang Sáng (Nam) - là ba nghệ sĩ thân thiết nhất với ông Sáu Dân. Có thể mỗi người có cảm nhận riêng về những đóng góp của ông, còn với tôi, ông là một người bạn lớn", Nguyễn Duy nói.

Nhiều ca khúc nhạc Trịnh nổi tiếng sau này được gợi cảm hứng nhờ Thủ tướng. Nhớ mùa thu Hà Nội là một sáng tác như thế, theo ông Nguyễn Địch - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng của ông Võ Văn Kiệt thời kỳ 1982-1985. Tháng 8/1985, nhạc sĩ lần đầu ra Hà Nội trên chuyên cơ của ông Sáu Dân. Chuyến bay hôm đó, ông gợi ý nhạc sĩ sáng tác một ca khúc về thủ đô vì "Hà Nội bây giờ là của cả nước, cũng là của Sơn". Sau khi lang thang khắp phố phường, Trịnh Công Sơn phác thảo những nốt nhạc đầu tiên: "Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ...". Khi Trịnh Công Sơn vừa ngưng đàn guitar, ông Võ Văn Kiệt ôm chầm, vỗ vai nhạc sĩ và khen ngợi: "Thật tuyệt vời".

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (trái). Ảnh: Gia đình cung cấp

Những năm sau 1975, nhiều tuồng tích cải lương bị kiểm soát nội dung gắt gao, một số vở kinh điển bị cấm trình diễn. Theo nghệ sĩ Lê Thiện - nguyên Phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, một lần, bà dựng vở Tuyệt tình ca (còn có tên Ông cò quận 9), có nghệ sĩ Hồng Nga tham gia. Vở vướng kiểm duyệt vì một tình tiết liên quan đến chế độ cũ. Bà đang bế tắc, không biết phải làm sao thì hay tin ông Võ Văn Kiệt từ Hà Nội vào TP HCM. Ông đề nghị được xem vở đó và nhiều lần mỉm cười hài lòng khi các nghệ sĩ biểu diễn. "Nhờ đó, chúng tôi dễ thở hơn mỗi lần công diễn vở này. Ông chính là ân nhân của đông đảo nghệ sĩ thời đó", bà nói.

Cố Thủ tướng quan tâm sâu sát nơi ăn, chốn ở của văn nghệ sĩ. Từng nhiều dịp tiếp xúc ông, bà Lê Thiện cho biết mỗi lần gặp nghệ sĩ, ông đối đãi họ bằng cả tấm lòng. Trong các chuyến công tác, ông thường hỏi thăm bà và các diễn viên có được ăn uống đầy đủ, dặn cấp dưới lo cho đời sống nghệ sĩ trong đoàn, giúp họ giữ sức khỏe để biểu diễn phục vụ quần chúng. Có lần, Nhà hát Trần Hữu Trang mới thành lập, ông cùng đoàn thanh niên xung kích - trong đó có bà - đi xuồng về những nơi hẻo lánh ở miền Tây để biểu diễn văn nghệ, xem đó là cách đền ơn đáp nghĩa người dân.

Khoảng năm 1996, khi đến thăm nghệ sĩ Phùng Há - đại diện Ban ái hữu nghệ sĩ, ông hỏi thăm bà cần gì và được bà nêu nguyện vọng muốn xây một khu nhà ổn định cho các diễn viên già yếu, không nơi nương tựa. Nhờ sự chỉ đạo của ông, bà được tạo điều kiện để cùng các nhà hảo tâm gây quỹ, góp tiền xây viện dưỡng lão trên một khu đất bỏ hoang.

Năm 1998, Viện dưỡng lão nghệ sĩ (đường Âu Dương Lân, quận 8) ra đời trong sự hân hoan của đông đảo giới sân khấu Sài Gòn, trở thành nơi cưu mang hơn 20 tên tuổi gạo cội một thời như Ngọc Đáng, Thiên Kim, Diệu Hiền...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân, Chín Hòa), sinh ngày 23/11/1922 trong gia đình nông dân, ở làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, nay là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi và hoạt động cách mạng đến ngày thống nhất đất nước. Năm 1976, ông làm Chủ tịch UBND TP HCM, sau đó giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM. Tháng 2/1987, ông làm Phó chủ tịch Thường trực, sau đó là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. 5 năm sau, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 1992-1997. Từ 1997 đến 2001, ông làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX. Ông qua đời ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.

Mai Nhật


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16614
Số người truy cập:
4779376