Những ngày cuối năm, hai bên đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân) rực vàng màu nhang. Những người thợ tất bật rải nhang phơi dưới nắng, luôn tay gom nhang khô để chia thành từng bó lớn.
Du khách chụp ảnh ở khu phơi nhang rực rỡ sắc màu. Những ngày cuối năm, không khí tại đây tất bật, nhộn nhịp hơn vì đơn hàng làm ra bao nhiêu đều giao hết cho khách. Ảnh: Huỳnh Nhi
Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy, 45 tuổi, thành viên tổ hợp tác làm nhang ở xã Lê Minh Xuân đã gắn bó với công việc này hơn 20 năm. Năm nay giá nguyên liệu tăng và khan hiếm hơn, cộng với thời gian nghỉ dịch nên công việc dồn vào cuối năm. "Trước 6h mình dậy, làm tới 17h nghỉ, còn bây giờ cày ngày cày đêm, 3h dậy làm tới 20h. Vì 4 tháng dịch mình nghỉ nên không có sản phẩm, bây giờ làm bao nhiêu là giao hết bấy nhiêu", chị Thúy nói.
18 năm trước, cơ sở sản xuất nhang của chị Thúy đã chuyển sang làm nhang bằng máy móc thay vì se tay theo kiểu truyền thống. Trung bình, mỗi nhân công có thể làm 50-60 thiên nhang/ngày (mỗi thiên là 1.000 cây).
Du khách đến thăm làng nhang sẽ được xem quá trình làm ra một cây nhang thành phẩm, từ khâu trộn bột, thêm hương liệu như trầm hương, bột tràm, bột quế... cho đến các công đoạn sấy, phơi nhang và đóng gói. Có thể mua nhang về dùng trong gia đình với giá sỉ, từ 25.000 đến 40.000 đồng/thiên, tầm 1-1,2 kg nhang.
Người dân phơi nhang ven các tuyến đường ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ảnh: Huỳnh Nhi
Chị Thúy cho biết, trước khi có hợp tác xã làm nhang, du khách chỉ đến theo nhóm nhỏ, đi lẻ từng người, xem cảnh phơi nhang ven đường. Còn hiện có chỗ dừng chân cho khách tham quan, nhiều người đến làng nhang Lê Minh Xuân hơn, thậm chí các đơn vị mở tour du lịch.
"Hồi xưa dân ở đây đa số trồng mía hay đi làm cỏ. Từ khi có nghề nhang, được xã ủng hộ máy móc, nguyên liệu... người dân thoát được nghèo. Tôi cũng mong có nhiều khách đến tham quan để giới thiệu cho mọi người biết làng nghề truyền thống tại TP HCM", chị Thúy bày tỏ.
Làng nhang Lê Minh Xuân nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30 km, ở huyện Bình Chánh. Làng nhang trải dài từ hướng chùa Thanh Tâm (chùa Phật cô đơn) đến Khu di tích Láng le Bàu Cò, với hơn 350 hộ gia đình, cơ sở làm nhang.
Quyển "Làng nghề thủ công truyền thống tại TP HCM" có nhắc trước năm 1975, trung tâm sản xuất nhang của thành phố tập trung ở quận 6, nơi có đông người Hoa sinh sống với nghề làm nhang truyền thống. Dần dà thành phố phát triển, cộng đồng làm nhang dần chuyển ra xa đến các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai ở huyện Bình Chánh.
Thợ làm nhang nhận 200.000-300.000 đồng tiền công mỗi ngày. Ảnh: Huỳnh Nhi
Ngoài làng nhang Lê Minh Xuân, du khách đến Bình Chánh có thể kết hợp tham quan Khu di tích Láng le Bàu Cò, viếng Thanh Tâm tự (chùa Phật cô đơn), đạp xe trong những khu rừng mát dịu, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức món đồng quê.
Huỳnh Nhi