Châm ngòi chuyên nghiệp

 
 

Một trong những chuyện hậu trường nóng bỏng nhất của sàn diễn thời trang Việt lâu nay là việc phân chia đẳng cấp, vị thứ của các người mẫu. Chuyện các người đẹp tranh giành, hiềm khích nhau chỉ vì vị trí xuất hiện trên sàn diễn trước - sau không còn lạ. Với các người mẫu ngoại thì khác.

 
Không “bệnh sao” cũng chẳng “chảnh”
 
Điểm nổi bật của những người mẫu nước ngoài làm việc tại VN là một thái độ làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp. Với họ, nghề người mẫu không đơn giản chỉ là mặc đồ đẹp và bước lên sàn thời trang. Adam Jona là một người mẫu Hungary, đã có quá trình làm người mẫu cho các nhãn hiệu nổi tiếng tại Mỹ. 
 
Anh đến VN để “thử” và tìm kiếm cơ hội cho mình tại thị trường châu Á. Anh chia sẻ: “Tìm hiểu lịch sử một nhãn hiệu thời trang là điều cần thiết. Không những thế, còn phải am hiểu văn hóa địa phương nơi mình làm việc, nếu bạn không muốn gặp những rắc rối do cách hành xử khác biệt.
 
Dĩ nhiên, phải biết rõ cả cá tính của nhà thiết kế mà bạn trình diễn trang phục cho họ và những thông điệp mà họ muốn gửi gắm qua các thiết kế”. Người mẫu Eduart Kazanov cho rằng: “Một người mẫu chuyên nghiệp không được phép phàn nàn về trang phục mình được giao mặc và phải hiểu rằng nhà thiết kế, đạo diễn thời trang, đạo diễn sáng tạo là người quyết định những điều đó”.
 
 
Bộ sưu tập với người mẫu ngoại của Ninomax
 
 
Người mẫu Thúy Hạnh nhận xét: “Những người mẫu nước ngoài không bao giờ ngại thử vai. Một ngày, họ có thể đi thử vai 5, 7 chương trình mà vẫn vui vẻ, kể cả nếu không được nhận làm việc. Trong khi đó, người mẫu VN hoàn toàn ngược lại. Họ luôn muốn gạt bỏ khâu thử vai và cho rằng mình có quyền như thế”.
 
Các nhà tổ chức luôn than phiền về tác phong làm việc “dây thun” của người mẫu Việt. Hẹn 10 giờ tập luyện nhưng đến 12 giờ các người đẹp mới đủng đỉnh xuất hiện với lý do “mới ngủ dậy”.  Người mẫu Nathan (hiện đang làm giám đốc sáng tạo tạp chí Thời trang F) nhận định: “Họ (người mẫu ngoại) luôn đúng giờ hẹn và đó là nguyên tắc làm việc của họ, điều khó tìm ở người mẫu VN”.
 
Tạo thế cạnh tranh
 
Cạnh tranh là điều có thật nếu người mẫu Việt cứ mãi cho mình cái quyền được đòi hỏi thì sẽ bị đào thải khi thị trường có đủ lực lượng người mẫu ngoại thay thế với thái độ làm việc nghiêm túc như vậy.
 
Ông Khắc Tiệp (Công ty Venus, nơi đang có 2 người mẫu ngoại đến từ Pháp và Tây Ban Nha làm việc) khẳng định: “Trong vài năm nữa, chắc chắn thị trường thời trang Việt sẽ thu hút nhiều người mẫu ngoại khi nhu cầu ngày càng tăng.
 
Nếu trước đây những chương trình biểu diễn không bao giờ đề cập vấn đề người mẫu Âu, Mỹ thì bây giờ những lời đề nghị đó bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, điều khiến một người kinh doanh như chúng tôi thấy hài lòng nhất là người mẫu ngoại luôn đáp ứng tốt về những yêu cầu của công việc.
 
 
Mẫu quảng cáo với mẫu nam ngoại của Ninomax
 
 
Họ tự lập và có thể đưa ra những quyết định riêng cho công việc của mình. Trong khi đó, với nhiều người mẫu Việt, kể cả việc đặt sô với họ cũng mất nhiều thời gian vì cứ phải hỏi ý kiến người này người khác”.
 
Nhu cầu về người mẫu ngoại là điều dễ hiểu vì đó là quy luật cung-cầu. Giám đốc Công ty Người mẫu Upfront Models nói: “Paris, Milan và New York đã yêu cầu người mẫu châu Á từ chúng tôi”.
 
Nhiều lò đào tạo người mẫu châu Á đã cho ra đời những người mẫu đáp ứng yêu cầu các sàn diễn nước ngoài. Cũng theo trào lưu này, ở VN có khá nhiều công ty,  từ Elite, Tsquared, PL, Người mẫu Việt đến Venus, đều đáp ứng nhu cầu về người mẫu ngoại và VN.
 
Họ sẽ tuyển chọn người mẫu Việt theo yêu cầu của sàn diễn ngoại và đưa người mẫu ngoại về VN. Tuy nhiên, cho đến nay, người mẫu châu Á vẫn chưa chinh phục được sàn diễn quốc tế bởi nhiều hạn chế về kỹ năng.
 
Vì vậy, cơ hội phát triển ở nước ngoài của người mẫu châu Á, trong đó có VN vẫn chưa cao. Trong khi đó, người mẫu phương Tây lại đổ về các nước châu Á. Cuộc cạnh tranh giữa người mẫu phương Tây với người mẫu bản địa là điều chắc chắn.

Người mẫu Việt mất điểm

Hầu hết nhà thiết kế đều có chung nhận định chương trình trình diễn thời trang chuyên nghiệp hiếm hoi có được hiện nay của thị trường thời trang Việt là Đẹp fashion show.
 
Sự chuyên nghiệp ấy thể hiện ở chỗ phong cách trang điểm, làm tóc cho người mẫu luôn tuân thủ theo ý đồ của nhà thiết kế.
 
Thế nhưng, cho đến lúc này, tính chuyên nghiệp vẫn chỉ là mong muốn khi các nhà tạo mẫu luôn ngán ngẩm việc các người mẫu Việt không tuân thủ ý tưởng sáng tạo của họ.
 
Mỗi người mẫu đều có một chuyên gia trang điểm riêng rồi tự ý làm thế nào để họ trở thành người nổi bật nhất trong đêm diễn.
 
“Nhưng sự nổi bật ấy luôn theo nghĩa xinh tươi như một hoa hậu mà chẳng ăn nhập đến trang phục diễn” - nhà thiết kế Trọng Nguyên nói.
Thùy Trang

Giày Đại Phát solution
Số người online:
12492
Số người truy cập:
9092139