Cây ngải đắng của thi ca Xô viết

 

 

 

Olga Berggoltz (1910-1975) đã được bạn đọc Việt Nam yêu văn học Nga, yêu thơ Nga biết đến từ lâu qua những bản dịch thơ say đắm cảm xúc của Bằng Việt, như Bài thơ cuộc đời, Mùa hè rớt, Kể chuyện mười năm trước hay Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng: Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ/ Sắc nắng êm ru, màu trời không chói/ Mùa hè rớt cho những người yếu đuối/ Cứ ngỡ ngàng như sắp mới vào xuân; Thiếu cẩn trọng chăng hay chỉ đáng mỉm cười/ Thôi hãy kiên tâm mọi điều phải đợi/ Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi... Bao người đã ngân nga, đã thuộc nằm lòng, đã sống với những câu thơ Nga trong vần điệu Việt của Bằng Việt.

Có lẽ trong nền thơ Xô viết trước đây, Olga Berggoltz không hẳn là gương mặt thơ nổi trội, nhưng khi đến Việt Nam bà đã trở thành một nhà thơ được truyền tụng và yêu mến.

Vẻ đẹp tâm hồn, nỗi buồn cuộc sống, sự cô đơn thân phận của người phụ nữ Nga, của người đàn bà làm thơ, của một con người dám sống và biết sống cho mình và cho những điều mình quý trọng đã làm nên gương mặt Olga Berggoltz trong lòng độc giả Việt Nam, dẫu thơ bà chưa được dịch nhiều, chưa được in thành tập.

Giờ đây, thơ Olga Berggoltz lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Việt qua một tập sách riêng với đầy đủ chân dung, tiểu sử và thơ qua những chặng đường số phận của bà. Người đồng hành của Olga Berggoltz trên đất Việt là dịch giả Thụy Anh - người đã được thơ bà quyến rũ, dẫn dắt đến với cuộc đời bà để sẻ chia cuộc sống, đồng cảm tâm hồn, khát khao tình yêu.

Thụy Anh học ở Nga, nắm vững tiếng Nga, làm thơ và dịch thơ, nhưng trên hết và trước hết chị đến với Olga Berggoltz bằng sự đồng điệu. Olga Berggoltz của tôi, như vậy, là của Thụy Anh, khi chị đã dày công đọc các sách của Olga và về Olga để viết nên một bài tiểu luận đầy đủ, sâu sắc về nhà thơ “cây ngải đắng của nền thơ ca Xô viết”, khi chị đã nhập thân hòa mình vào từng tiếng thơ Olga, lắng nghe và cảm nhận từng mạch đập tâm hồn của nhà thơ để đem lại những bài dịch tinh tế.

Những bài thơ như những trang đời lật ra cho người đọc thấy một nhà thơ chấp nhận số phận mình cùng số phận đất nước, nhân dân, kiêu hãnh trong cô đơn, không khuất phục khổ đau, giữ vững phẩm giá làm người.

Dịch giả không chỉ cố gắng truyền đạt tinh thần của bài thơ, chị còn giúp người đọc biết hoàn cảnh bài thơ ra đời để cùng thấu hiểu hơn tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ.

Cuốn sách trình bày đẹp, nên thơ, vừa là tập thơ dịch, vừa là một nghiên cứu về tác giả - có thể nói vậy, xứng đáng là món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm 100 năm sinh Olga Berggoltz mà dịch giả Thụy Anh mang tặng người đọc Việt Nam hôm nay.

PHẠM XUÂN NGUYÊN


Giày Đại Phát solution
Số người online:
71812
Số người truy cập:
8694819