Bữa tiệc âm nhạc khép lại Festival Huế

 20h chương trình nghệ thuật gala Chào Huế mới bắt đầu song hơn 19h, cồn Dã Viên và công viên đường Bùi Thị Xuân đã chật kín người dân và du khách. Cồn Dã Viên - sân khấu đêm gala - nằm giữa sông Hương, để sang khán giả phải đi cầu phao. Nhiều ngày trước, hàng chục bộ đội của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã thiết lập cầu nối với công viên Bùi Thị Xuân phục vụ sự kiện.

Người dân rồng rắn chờ kiểm soát an ninh vào khu vực gala. Ảnh: Võ Thạnh

Đêm gala không bán vé nên lượng người đổ về xem đông. Khu vực vỉa hè, các con hẻm trên đường Bùi Thị Xuân trở thành những bãi giữ xe bất đắc dĩ. Khi chương trình bắt đầu, họ ngồi bệt xuống đất để thuận tiện theo dõi. Trước đó, đêm khai màn tuần lễ Festival Huế ở quảng trường Ngọ Môn có giá 300.000 đồng một vé.

Chương trình sôi động, nhiều màu sắc, kết hợp cả truyền thống và hiện đại. Sự kiện mở màn bằng tiết mục múa Trống cơm của nhóm Unity Crew. Phần múa Diễm xưa của nhóm Lyricist đem đến một cách thể hiện mới về nhạc Trịnh Công Sơn. Tiết mục Lời muốn ngỏ của đoàn nghệ thuật Việt Bắc giúp người dân và du khách hiểu hơn về vùng đất, con người ở chiến khu xưa.

Nhóm nhạc Da LAB đem lại nhiều cảm xúc nhất cho khán giả. Những bài hát của nhóm khuấy động sân khấu, hàng nghìn người cùng bật đèn pin, hòa mình vào giai điệu. Sau hai giờ, đêm gala kết thúc bằng màn bắn pháo hoa rực sáng sông Hương như lời chào, lời cảm ơn của người Huế đến các đoàn nghệ thuật.

Tiết mục múa Trống cơm của nhóm Unity Crew mở đầu cho đêm gala Chào Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Diễn ra từ ngày 25-30/6, tuần lễ Festival Huế 2022 với chuỗi tám chương trình chính, 34 buổi biểu diễn nghệ thuật và hơn 30 hoạt động hưởng ứng tại 11 sân khấu, điểm diễn. Nhiều chương trình, lễ hội chính thu hút hàng chục nghìn người. Sáu ngày đêm cả thành phố Huế náo nức trong bầu không khí lễ hội. Người dân và du khách có dịp thưởng thức sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu văn hóa, nghệ thuật của Huế, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết sự kiện thành công khi đưa các sân khấu tới gần người dân hơn. "Festival đem lại cho Thừa Thiên Huế một diện mạo mới, sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam", ông cho biết. Trong suốt tuần lễ, quần thể Di tích Cố đô Huế đón 1.464 khách quốc tế, 38.840 khách nội địa với doanh thu đạt gần 6 tỷ đồng. Từ ngày 23 đến 30/6, tổng số du khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 180.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 155 tỷ đồng.

Người dân ngồi bệt xuống đất theo dõi đêm gala. Ảnh: Võ Thạnh

Bên cạnh những mặt tích cực, ông Đạt cũng cho rằng sự kiện có quy mô lớn, đối tượng tham gia rộng, thời gian dài lại diễn ra trong không gian mở nên việc quản lý chưa chặt chẽ. Như chương trình nhạc Trịnh Công Sơn, một số người dân có vé lại không được vào khu vực sân khấu, chương trình quảng diễn mặt nạ tuồng tổ chức công phu, hoành tráng song vắng bóng khán giả do diễn ra không đúng thời điểm.

"Qua lần này, chúng tôi thấy còn một số khiếm khuyết cần khắc phục sao cho phù hợp khán giả và khả năng tổ chức. Festival diễn ra bốn mùa cũng là lợi thế để chúng tôi sớm lên kế hoạch cho các chương trình sắp tới tốt hơn", ông Đạt nói.

Võ Thạnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
15830
Số người truy cập:
9239813