Bánh Huế: Nghệ thuật của sự khéo léo

 

Bánh Huế: Nghệ thuật của sự khéo léo

TTH - Ngon và lành, tinh tế và độc đáo, mỗi chiếc bánh được làm ra từ bàn tay phụ nữ Huế là cả nghệ thuật của sự khéo léo. Người xem hẳn cảm nhận được điều ấy khi tham quan phòng trưng bày “Hương sắc bánh Huế” tại Bảo tàng Văn hóa Huế.

Ngon từ... mắt

Hôm khai mạc phòng trưng bày chuyên đề “Hương sắc bánh Huế” là lần đầu tiên, tôi được ăn bánh lá vải. Bánh được làm từ bột lọc dáo mịn trộn với dừa sợi, bên trong có nhân bánh làm từ tôm tươi chấy nhuyễn. Cắn miếng bánh có vị giòn của dừa, thơm dai của tôm, cảm nhận vị ngọt, mặn quấn quyện, tôi chợt liên tưởng đến món chè bột lọc bọc thịt quay, cũng là một sự kết hợp độc đáo của ẩm thực Huế. Nghệ nhân Mai Thị Trà kể, bánh lá vải gắn với hình ảnh các mẹ, các chị ở Huế vào giữa thế kỷ XX, được làm vào các dịp cúng kỵ hay lễ, tết. Tên gọi của bánh xuất phát từ hình ảnh chiếc bánh khi mở ra có in hình sóng vải. Để có hương vị đặc trưng, bánh phải được gói bằng lá dong và gói theo kiểu cuốn nếp gấp hoặc cuộn tròn sao cho hình dáng giống như lá vải. Tiếc là ngày nay, bánh lá vải không còn được phổ biến.

Bà Hồ Thị Kiều (bìa trái) giới thiệu bánh bông cây

Nằm một góc khiêm nhường trong không gian trưng bày, mâm bánh đúc xanh gợi cho tôi về tuổi thơ gian khó. Thuở ấy, mỗi khi bà nội đi chợ về, kiểu gì trong giỏ cũng có miếng bánh đúc xanh - là thức quà quê được chị em tôi mong chờ. Nó có vị bùi bùi, giòn giòn của bánh, hòa quyện với vị ngọt thơm của mật, vốn là món quà mang đậm hương vị quê hương mà chỉ duy nhất Huế có. Mệ Nguyễn Thị Gái (phường An Đông, TP. Huế) - người mang đến phòng trưng bày món bánh đúc xanh cho hay, bánh đúc xanh được tạo màu từ lá cây bồng bồng ăn kèm với mật mía. Ngày nay, nếu bánh đúc trắng vẫn phổ biến thì bánh đúc xanh ít người làm, chỉ còn mệ ngày ngày vẫn bán bánh đúc xanh ở chợ An Cựu như cách để níu giữ nghề.

Bắt mắt từ hình dáng đến màu sắc, món bánh bắt (còn gọi là bánh bông cây) của bà Hồ Thị Kiều ở làng cổ Phước Tích thu hút ánh nhìn của nhiều người. Bánh bắt trước đây được xem là món bánh “quý tộc” với các loại hình dáng trái cây, hoa lá cành, bánh sâm hoài, bánh bài... Tương truyền, bánh bắt khởi nguồn từ dòng họ Trần Hưng ở làng Văn Xá (thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà), quê hương của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, mẹ vua Minh Mạng. Vì cảm kích ơn trên của triều đình trong việc tạo dựng nhà thờ cho dòng họ, hàng năm vào các dịp lễ tết, người trong dòng họ làm 2 cỗ xe bánh đưa vào nội cung, dâng lên cho vua. Bà Kiều kể: “Nghề làm bánh là nghề gia truyền của gia đình, được duy trì từ thời bà cố đến thời của tui, độc đáo nhất là bánh bông cây. Bánh được làm từ đậu xanh kết hợp với bột nếp để tạo độ dẻo. Lúc xưa, ông bà của tui đi nấu ăn trong cung, khi làm mâm bánh tiến vua thì loại bánh này được trang trí bên trên”.

Hội tụ bánh Huế

Có lẽ hiếm khi được tìm hiểu, thưởng thức nhiều loại bánh Huế như vậy trong cùng một không gian nên phòng trưng bày chuyên đề “Hương sắc bánh Huế” thu hút đông đảo người xem. Còn nhớ trong buổi khai mạc, không gian trưng bày chật kín người, từ các nghệ nhân, nhà nghiên cứu đến các mẹ, các chị và cả những em nhỏ. Những hình ảnh quen thuộc, như: cối xay bột, bếp củi, giá phơi bánh tráng...; những chiếc bánh đủ sắc màu, những khay bột, đậu... được trưng bày trong không gian này trở nên thi vị, tinh tế.

Bánh lá vải - loại bánh không còn phổ biến trong đời sống hiện nay

Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế cho rằng, Huế là xứ sở của nhiều loại bánh ngon. Mỗi loại bánh đều có nguồn gốc và câu chuyện khác nhau, mỗi giá trị văn hóa khác nhau. Bà Hoa Tranh cho biết: “Mong muốn giới thiệu nét độc đáo riêng có trong văn hóa ẩm thực Huế vốn được nhiều người quan tâm, Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức trưng bày “Hương sắc bánh Huế”, giới thiệu ẩm thực bánh Huế trong dân gian hoặc có thể đã thất truyền. Ngoài thưởng thức hương vị những chiếc bánh thành phẩm, khách tham quan còn được biết thêm nguồn gốc, tên gọi, nguyên liệu, cách chế biến... của các loại bánh”. 

Không gian trưng bày thể hiện được đặc trưng của các loại bánh Huế với cách trưng bày chi tiết, tinh tế từ nguyên liệu, dụng cụ đến quy trình chế biến... 24 loại bánh được làm từ 4 loại nguyên liệu: bột nếp, bột gạo, bột lọc, các loại đậu và bột bình tinh làm mãn nhãn tất cả những ai là “tín đồ” của ẩm thực.

Mỗi loại bánh có một cách chế biến riêng, công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến cách chế biến, tỉ mỉ từ khâu phối hợp gia vị đến khâu làm nước chấm. Gói bánh là cả một nghệ thuật của người phụ nữ Huế. Chiếc bánh làm ra không chỉ ngon mà còn phải đẹp về hình thức. Thành phẩm luôn nhỏ gọn, thanh mảnh, ăn để thưởng thức, để nhớ...

Đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng của các loại bánh Huế, chỉ biết rằng, Huế là nơi nổi tiếng với nhiều loại bánh ngon và đã trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách. GS. TS. Thái Kim Lan chia sẻ: “Bánh Huế là “bộ môn” đặc biệt của xứ Huế, không nơi nào sánh được. Từ xưa đến giờ, các bà nội trợ Huế đã nhuần nhuyễn trong công, hạnh, cố gắng sáng kiến cũng như hòa hợp, học hỏi thêm những nơi khác để tạo thành những chiếc bánh thơm ngon. Khi đãi khách, bánh Huế đã chinh phục được khẩu vị của người khách phương xa bằng hương vị cũng như vẻ đẹp nghệ thuật từ sự khéo léo của người phụ nữ. Đây là điểm rất dễ thương và đáng ghi nhớ trở thành nét tiêu biểu của đời sống văn hóa Huế”.

Trưng bày chuyên đề “Hương sắc bánh Huế” diễn ra từ ngày 22/6 đến 22/8 tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Trong thời gian diễn ra trưng bày, Bảo tàng Văn hóa Huế sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm với bánh Huế, như: thi làm bánh, hướng dẫn làm bánh, thưởng thức bánh. Dự kiến, Bảo tàng Văn hóa Huế sẽ tổ chức góc trưng bày cố định về bánh Huế trong không gian của bảo tàng trong thời gian tới.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
21379
Số người truy cập:
9190467