Ba chuyện tình, ba thời đại trong 'Three Times'

 Mối tình đầu tiên được Hầu Hiếu Hiền kể lại trong Three times là mối tình trong trẻo và ấm áp nhất. Đặt trong bối cảnh Đài Loan những năm 1960 của thế kỷ trước, chuyện tình của hai con người chìm ngập trong hơi thở phương Tây. Đó là giai đoạn văn hóa phương Tây du nhập vào Đài Loan từ bài hát nổi tiếng của thời kỳ (Rain and Tears) đến trang phục, trò giải trí (billard)…

Câu chuyện trong thời một là mối tình trong trẻo, ấm áp diễn ra vào năm 1966. Ảnh: First Distributors.

Thời kỳ này, ở phương Tây đang bùng nổ cuộc cách mạng tình dục, nhằm giải phóng con người (đặc biệt là phụ nữ) khỏi những cưỡng chế xã hội và những rào cản về đạo đức, khỏi những khái niệm như tiết hạnh, trinh tiết. Vậy mà, đạo diễn lại kể cho chúng ta nghe một chuyện tình, dẫu nằm trong luồng ảnh hưởng văn hóa Tây phương, vẫn giữ được vẻ tinh tế, e ấp của một xứ sở phương Đông.

Chàng trai trầm lặng, sâu lắng và kiệm lời có một vẻ mặt u buồn đến tội nghiệp. Khán giả không có nhiều thông tin về nhân vật này, ngoại trừ chuyện anh hay quanh quẩn ở quán billard và sắp đi lính. Đi xa, nhưng không có ai để chia sẻ, để níu giữ, anh đưa thư cho Haroko - nhân viên quán billard - mong được viết thư cho cô từ chiến trường. Haroko chuyển chỗ làm, và bức thư trong hộc tủ ngỡ bị bỏ quên. Và May xuất hiện, như một cứu cánh. May nhạy cảm và tinh tế, khi đọc thư của chàng trai đã thấu hiểu tâm hồn và cảm mến anh.

Rồi May, cũng như Haroko, như những “cô gái billard” khác, lang thang đi hết tiệm này đến tiệm khác kiếm việc. Cuộc tình ngỡ như thoảng qua, ai ngờ, lại mãnh liệt và dữ dội như những con sóng ngầm. Chàng lính trở về, dành hết cả hai ngày phép để đi tìm cô gái anh yêu. Trải qua một cuộc hành trình dài vất vả, May và chàng lính đã găp lại nhau trong niềm hạnh phúc nghẹn ngào. Cuộc hội ngộ chóng vánh của họ luôn bị cản giữa bởi những người lạ, lại bị “ném” giữa chốn công cộng. Hai người gặp nhau, không nói được câu nào trọn vẹn, những yêu thương, nhung nhớ bật ra thành những câu nói vô nghĩa, nhưng chính sự rạng rỡ trong nụ cười và vẻ bối rối, vụng ngượng của hai nhân vật đã “tố cáo” tình yêu của họ.

Khác với quan niệm và lối sống phương Tây những năm này, mối tình của hai nhân vật trong trẻo, thanh khiết và đầy kiềm chế nhưng cũng rất mãnh liệt.. Hai người yêu nhau nồng nàn nhưng không thể hiện ra bên ngoài. Không ai trong họ dám vi phạm nhau, động chạm nhau. Họ giấu mình đi, giấu những va chạm xác thịt mà chú trọng đời sống tinh thần, tình yêu và những điều thiêng liêng. Nét Á Đông, sự “cản trở” của nơi công cộng, bởi thế, không phải là rào cản, mà là chất xúc tác cho tình yêu. Tình dục giữa hai con người dường như chỉ có thể đến sau hôn nhân. Chuyện tình này không hề có một “cảnh nóng” nào, một cái hôn cũng không, nhưng chỉ với một cái nắm tay, họ đã làm xúc động khán giả bởi tinh thần trọn vẹn của một tình yêu trong trẻo, giữ gìn và tôn trọng nhau.

Mối tình tuyệt đẹp ấy được biểu hiện bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh điêu luyện. Bối cảnh chủ yếu của phần này là những phòng billard đèn vàng được quay ngược sáng, ít khi cận cảnh nhưng lại vô cùng gợi cảm. Ánh sáng được dùng với tone xanh, tương phản mạnh, không chiếu sáng mọi vật mà có vẻ che giấu, kín đáo. Cách ăn mặc, trang điểm của May không bộc lộ hết đường cong cơ thể, không hở ra những vùng da thịt nhạy cảm, nhưng cách đánh sáng tạo cảm giác lãng mạn, đẹp mơ mộng.

Máy quay dùng ống kính góc hẹp, dường như được buông lơi, trôi trên khuôn hình, tạo nên cú máy dài không cắt cảnh. Động tác máy dịu dàng đi theo chuyển động, lia, không cắt vụn cảnh mà tập trung vào các cú máy dài để mô tả cảm xúc. Cách quay này tạo cho khán giả những rung động nhẹ nhàng, để họ bị hút sâu vào thế giới của hai người.

Clip nhạc phim
'Smoke Gets in Your Eyes'
'Rain and Tears'

Cách kể chuyện trong phần này cũng độc đáo, bởi đạo diễn không kể theo tự sự sinh hoạt mà chú trọng mạch cảm xúc. Hiện thực sinh hoạt bị giấu đi (khiến khán giả không bị phân tán), đặc biệt là cảnh chàng trai đi tìm May. Cả một trường đoạn không thấy âm thanh thực của cuộc hành trình, chỉ có cảm giác máy quay đang “nấp” sau kính ô tô. Những cột mốc báo thời gian và địa điểm trôi dần qua mắt khán giả đã kể rất vắn tắt nhưng đầy đủ về hành trình vất vả, dai dẳng đến với tình yêu.

Thời hai là câu chuyện về tình yêu và số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ những năm đầu thập niên 1910. Ảnh: First Distributors.

Mối tình thứ hai, mối tình của những năm đầu thế kỷ, u buồn và trầm lắng nhất trong ba mối tình. Câu chuyện được kể và cả cách kể chuyện trong phần thứ hai của Three Times đã thể hiện sự điêu luyện và tinh tế trong cách làm phim của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền.

Chàng trai là người hoạt động xã hội, chủ trương giải phóng phụ nữ, nhưng tình yêu của anh và người ca kỹ lại không vượt khỏi chế ước xã hội. Anh theo đuổi những điều to tát, luôn tỏ vẻ cao thượng nhưng lại không thể mang tới hạnh phúc cho người mình yêu. Anh sống bằng lý tính, bằng sự kiêu hãnh của một người đàn ông thời phong kiến phụ quyền. Với anh, tình yêu không thiêng liêng mà có thể bị hy sinh bởi lý tưởng.

Người phụ nữ của anh, chịu ảnh hưởng của văn hóa thời đại: cam chịu và hy sinh cho lý tưởng của đàn ông. Cô yêu anh bằng những công việc thường ngày: mặc áo, chải đầu, lấy nước rửa mặt. Người đàn bà ấy chăm chút, yêu thương, chiều chuộng, coi trọng sự nghiệp của người tình và cam chịu số phận.

Tinh thần của phần này trong Three Times là tinh thần của thời kỳ đấu tranh cho tự do, phản ánh chính trị, đấu tranh để giải phóng đất nước - phản đối chế độ đa thê, giải phóng phụ nữ… đồng thời cũng là tinh thần của bi kịch thời đại: con người vùng vẫy nhưng chưa thể vượt thoát khỏi sự hà khắc của thời kỳ phong kiến. Lý tưởng chàng trai theo đuổi không cho phép anh giải phóng người ca kỹ. Câu chuyện thứ hai của Three Times là một bi kịch giữa sự lựa chọn khát vọng và cuộc sống thực tế, nơi sự cao thượng của người đàn bà đã chắp cánh cho khát vọng của người đàn ông. Đau đớn, nhưng tràn đầy lý tưởng.

Câu chuyện buồn này được kể chủ yếu bằng nội cảnh, một thứ nội cảnh bị bó hẹp và không thay đổi không gian, tạo cảm giác con người sống trong đó bị cầm tù, bị giam lỏng và mục ruỗng dần. Nội cảnh bức bối ấy thể hiện số phận bị giam hãm của con người, như một sự mỉa mai với dòng chú ở đầu đoạn phim: “Thời kỳ cho tự do”. Màu sắc được dùng trong câu chuyện này là tone nóng với hai màu mạnh nhất: vàng và đỏ, không hề có một màu mát nào lọt vào khuôn hình, như thể đốt cháy khát vọng, đòi hỏi phải được giải phóng ngay.

Hình thức phim cố tình làm cổ (phim câm) cũng mang đến ấn tượng về vẻ cổ xưa, xa xôi, hòa kết với nội dung câu chuyện. Sự câm lặng làm tăng thêm ấn tượng về sự lặng lẽ. Trong các cuộc đối thoại, hai nhân vật đều quay về cùng một hướng hoặc quay nhìn nhau. Máy chủ yếu đặt tĩnh, đôi khi lia nhưng không theo sự di chuyển diễn viên mà đi theo không gian tạo một tiết tấu cực chậm, cảm giác nén, chịu đựng, sự bùng nổ ẩn vào bên trong.

Diễn xuất của diễn viên, tương ứng với câu chuyện, cũng hết sức kiềm chế. Đạo diễn không sử dụng một cận cảnh nào, che giấu cảm xúc nhân vật đến kiệt cùng.

Ngay cả khi tuyệt vọng, đau khổ nhất, cô gái khóc, nhưng cũng không có một cảnh cận nào được dùng, ta chỉ thấy cô gái đưa tay quệt nước mắt, và cảnh sau, trong bữa tiệc, trong lúc mọi người nói năng rôm rả thì cô ngồi hát. Giọng hát nghẹn ngào, nửa như kìm nén, nửa như buông xả, vừa như đang khóc, vừa như kiềm lại, nhưng tuyệt nhiên không có giọt nước mắt nào.

Câu chuyện tình yêu trong thời ba mang tính thời đại cao. Ảnh: First Distributors.

Mối tình thứ ba trong Three Times là mối tình thời đương đại như một đối cực, một sự tương phản với hai mối tình trước. Tự do và dễ dãi, hai nhân vật nam nữ của mối tình này không gặp một ngăn trở gì để tới với nhau. Dẫu vậy, tình yêu của họ khô cằn và kiệt quệ về cảm xúc. Sau một cuộc làm tình, họ vẫn lạnh tanh, hững hờ như thể không có chuyện gì xảy ra.

Mối tình của thời thứ ba còn có thêm một nhân tố mới rất… đương đại: tình yêu đồng tính. Hầu Hiếu Hiền đã phả vào bộ phim của mình những vấn đề trầm kha của xã hội mới, khi sự giải phóng, buông xả, tự do hoàn toàn của thời đương đại, với sự trợ giúp đắc lực của các phương tiện giao tiếp lại khiến con người mất đi sự trân trọng lẫn nhau. Họ sống bừa bộn, thừa thãi, bế tắc về mặt tinh thần. Ai cũng dằn vặt về hạnh phúc của mình, gây đau khổ cho người khác và cho chính mình, nhưng không ngừng lại cuộc sống đó. Họ không cần hy sinh cho ai, không cần lý tưởng, chỉ quẩn quanh trong cuộc sống phóng túng và bừa bãi. Khoa học kỹ thuật không giúp ích gì cho con người, nhấn chìm nhân vật vào những mối quan hệ ảo và lối sống bế tắc. Đó là bi kịch của sự tiến hóa ngược, mặt trái của xã hội hiện đại và tự do.

Đạo diễn sử dụng tương phản ánh sáng, hình ảnh động nhiều, đông đúc, nhộn nhạo để thể hiện một câu chuyện cũng ồn ào và vội vã. Bối cảnh cuộc sống trải ra trong vũ trường, đường phố ngồn ngộn người, phương tiện giao thông, quán xá thể hiện sự phát triển đến chóng mặt của thành phố: một chốn xô bồ và hối hả nhưng lại nhàm tẻ và bất ổn. Trong vũ trường, nơi xô bồ nhất, cũng không tránh khỏi sự nhàm chán và buồn tẻ.

Cảnh cô gái hát và anh chàng “say sưa” chụp ảnh được diễn tả bằng một nhịp điệu đều đều như bộ gõ, ngay đến ánh sáng hắt vào nhân vật cũng đều và lặp đi lặp lại: nhịp điệu của sự chết chóc. Đó là một nhịp điệu nhưng không có nhịp điệu, nhịp điệu trong ồn ào, trơ lì cảm xúc, nơi con người quan hệ tình dục, làm việc, nói chuyện như một cái máy “sống”.

Tiết tấu của câu chuyện thứ ba rất nhanh, gấp gáp và vội vã. Tiết tấu này kết hợp với ánh sáng tone xanh đen, lạnh, và các make up nhân vật như xác chết làm bật lên một ám ảnh về sự sôi động giả tạm của thời hiện đại, nơi những chuyển động chỉ để khỏa lấp sự trống rỗng của tâm hồn và nỗi cô đơn tột độ.

Đời sống của thời hiện đại, cũng như cấu trúc vòng tròn của câu chuyện (bắt đầu và kết thúc bằng cảnh chạy xe tốc độ cao), hối hả nhưng bế tắc. Những giá trị văn hóa tinh thần của những thời đại trước: thời người ta hy sinh vì nhau, thời chỉ một cái nhìn đã đủ làm ấm lòng… đã trôi đi theo thời gian.

 

 
    •   
    • Tổng số: 17 lượt
    •  
 
Với ba câu chuyện ở ba thời đại, ba tâm thế khác nhau,Three Times đã khắc họa tinh thần thời đại, lối sống của con người ở từng giai đoạn phát triển của xã hội. Sự khác biệt văn hóa và thời đại được Hầu Hiếu Hiền khai thác rất tinh tế, phản ánh một phần lịch sử Đài Loan, và quan trọng hơn cả là phản ánh tinh thần thời đại bằng những suy nghĩ và tâm hồn con người.

 

Trailer 'Three Times'


* Thông tin phim:

Three Times (Ba thời)

- Năm sản xuất: 2005
- Đạo diễn: Hầu Hiếu Hiền
- Biên kịch: Hầu Hiếu Hiền, Chu T'ien Wen
- Hãng phát hành: First Distributors
- Thể loại: Tình cảm
- Thời lượng: 120 phút
- Diễn viên: Thư Kỳ, Trương Chấn
Three Times là một tác phẩm nổi tiếng của điện ảnh Đài Loan từng được lựa chọn vào danh sách tranh giải Cành cọ vàng của LHP Cannes (Pháp) vào năm 2005. Phim kể về ba câu chuyện tình yêu ở ba thời kỳ khác nhau: 1911, 1966 và 2005 dưới góc nhìn của tác giả. Three Times còn giành ba giải Kim Mã vào năm 2005 cho Phim Đài Loan hay nhất, Nữ diễn viên xuất sắc (Thư Kỳ) và Nhà làm phim Đài Loan xuất sắc.

Trang Trần


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1588
Số người truy cập:
4761761