Ảo vọng của “công nghệ tạo sao”

Thế nhưng, xem ra công nghệ “hô... biến” (tức là chuyển một người vô danh thành ngôi sao) được đem từ xứ người về xứ ta đã không gặt hái được thành công. Chính Đài truyền hình Việt Nam cũng có không ít chương trình tìm kiếm tài năng, từ người dẫn chương trình đến siêu mẫu, diễn viên và ca sĩ, nhưng càng về sau càng đuối sức, sao mới mọc chưa chi đã mờ. Vì vậy, sau những thất vọng, nhiều người cũng nhận ra ảo vọng của “công nghệ tạo sao” trên truyền hình.

Thi nở rộ, sao mờ dần

 

Từ trái sang: Ngô Thanh Vân (trong Bước nhảy hoàn vũ), Phương Vy (Vietnam Idol) và Đoan Trang (Bước nhảy hoàn vũ)

 

Năm 2006, khi chương trình Vietnam Idol (phiên bản của American Idol) được phát sóng, công chúng đã tỏ ra nôn nao và phấn khích. Phương Vy lên ngôi thần tượng, sau đó về đầu quân tại Music Face của nhạc sĩ Đức Trí. Đến mùa Idol thứ hai, người ta đã ít biết và ít nhớ tên quán quân Quốc Thiên.

Sang mùa thứ ba (năm nay), chưa biết ai lên ngôi nhưng trong bối cảnh hàng loạt cuộc thi ca nhạc đang diễn ra trên khắp các đài truyền hình và sự khan hiếm thí sinh tài năng dự thi, có lẽ các ban tổ chức khó lòng giới thiệu được những ngôi sao sáng.

Cùng với sự nở rộ của các chương trình là hiện tượng các thí sinh đăng quang khó khẳng định tài năng của họ sau khi đã nhận giải thưởng ở những cuộc thi âm nhạc hoặc thi diễn viên. Càng về sau, những thí sinh đoạt giải càng hiếm cơ hội bứt phá và vì thế, công chúng không tránh khỏi cảm giác “sao mờ dần”.

Những tên tuổi đoạt được giải Tiếng ca học đường, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Diễn viên điện ảnh triển vọng trong những cuộc thi sau rõ ràng kém sáng so với bậc đàn anh đàn chị. Những Khởi My, Mạnh Ninh, Lê Thái Sơn (giải nhất Tiếng ca học đường trong ba năm 2007, 2008 và 2009) đều chưa thành “sao”, dù đã phải nỗ lực vượt qua cả ngàn thí sinh khác.

Tương tự, Võ Hạ Trâm, Trần Thị Thu Hường, Nguyễn Đức Quang, Đoàn Thanh Sơn, Nguyễn Phú Luân (đoạt các giải thưởng Ngôi sao tiếng hát truyền hình các năm 2007, 2009) vẫn còn xa lạ với đông đảo công chúng yêu nhạc sau khi đoạt giải.

Trong lĩnh vực phim ảnh, thời gian gần đây công chúng không còn nhớ nổi tên người đoạt giải của các cuộc thi Diễn viên điện ảnh triển vọng hay Ngôi sao điện ảnh ngày mai nữa, mà chỉ nhớ đến những thông tin lùm xùm quanh các giải thưởng này.

Một trong những phiên bản cuộc thi giải trí của nước ngoài thành công nhất ở Việt Nam chính là Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the Stars) nhưng xem ra, đó cũng đơn giản là một show giải trí, tìm được người thắng cuộc rồi… thôi! Không có gương mặt nào mới về khiêu vũ được phát hiện và phát triển.

Thật ra, những chương trình như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ không phải là cuộc thi và cũng không có nhiệm vụ lăng-xê bất cứ ai thành ngôi sao. Đó là chỉ là những chương trình truyền hình thực tế, tương tự một phim dài tập có thể thay đổi nội dung bất kỳ lúc nào để nhằm thỏa mãn thị hiếu khán giả. Show truyền hình chấm dứt khi tìm ra người thắng cuộc, còn người ấy có thể thành “sao” nếu có hợp đồng ghi âm hoặc không thành công vì lý do nào khác thì đó đã là chuyện nằm ngoài phạm vi của chương trình.

Phải chăng vì tư duy “hớt ngọn”?

 

Phương Trinh - ngôi sao Tiếng hát truyền hình 2006

 

Không phải khán giả lẫn thí sinh nào cũng đủ khả năng nhận thấy bản chất của Vietnam Idol chỉ là một chương trình truyền hình giải trí vì những quảng cáo lẫn thông báo của chương trình đều khẳng định mục đích tìm kiếm nhân tài trong các lĩnh vực giải trí. Việc mua các phiên bản những chương trình “công nghệ tạo sao” của nước ngoài về Việt Nam chỉ để phục vụ mục tiêu “hớt ngọn” là chính: thu hút thí sinh dự thi, phát sóng trên truyền hình, thu hút sự chú ý của khán giả, mang về quảng cáo, tức là tiền cho nhà đầu tư.

Việc thí sinh sau khi đoạt giải đi đâu, làm gì với giải thưởng thuộc về quyền của chính thí sinh đó. Chỉ có Phương Vy sau Vietnam Idol đầu tiên được Music Faces ký hợp đồng và giúp đỡ trên con đường ca hát, còn các quán quân của những cuộc thi tuyển ca sĩ, diễn viên điện ảnh đều phải tự thân vận động tìm “đất dụng võ”.

Nhạc sĩ trẻ Ni Nguyễn - người có khá nhiều ca khúc được các ca sĩ ngôi sao chọn hát chia sẻ: “Chúng ta không có những người giỏi và được đào tạo bài bản từ nền công nghiệp giải trí của nước ngoài, nơi tạo ra và vận hành những cỗ máy lăng-xê ngôi sao thành công. Mua format chương trình về làm thì cũng làm được, nhưng chỉ làm giống bề ngoài. Vấn đề là phải sử dụng người tài thế nào”.

Đạo diễn Nguyễn Quý Khang thẳng thắn hơn: “Tôi cho rằng Việt Nam thực sự không có công nghệ tạo sao, tất cả đều do ấn tượng của hoạt động PR. Những chương trình mua của nước ngoài về được cố gắng làm cho giống, nhưng tôi thấy chỉ na ná.

Thứ nhất là mình không có những con người đào tạo bài bản, chẳng hạn trong lĩnh vực dẫn chương trình thì đã có mấy gương mặt thể hiện khả năng dẫn dắt trôi chảy, tự nhiên, rồi ban tổ chức, ban giám khảo không phải là những chuyên gia thực thụ đã qua trường lớp chính quy, chưa nói trình độ của các nhà sản xuất còn yếu kém, thí sinh dù xuất thân từ các trường đào tạo nhưng không có nhiều tài năng thực sự... Thứ hai, mình không có nhiều kinh phí, toàn làm theo kiểu tăng xin giảm mua - tích cực mượn. Chương trình làm chưa tới thì làm sao mà không gây thất vọng, làm sao mà tạo ra ngôi sao được?”.

Riêng đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng nếu không chú trọng đến yếu tố đào tạo và phát triển những hạt mầm tài năng vừa tìm được qua các cuộc thi, mà chỉ chăm chăm tổ chức thi thố theo tư duy “hớt ngọn” thì còn lâu chúng ta mới chạm đến một nền công nghệ giải trí đích thực.

Vấn đề là cần phải đảm bảo được sự đồng bộ: thí sinh có trình độ tốt, ban giám khảo có trình độ thẩm định tốt, rồi ban tổ chức biết tổ chức tốt, có phương pháp sử dụng và đào tạo những thí sinh đoạt giải, đưa họ vào hoạt động trong lĩnh vực giải trí đúng với sở trường của họ. Muốn làm được như thế thì cần phải có cả quá trình lâu dài và trước hết phải đổi mới tư duy.

Theo MINH THẮNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1125
Số người truy cập:
4760976