Dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở nhiều địa phương khi thời tiết diễn biến phức tạp. Những sai lầm trong việc chăm sóc, điều trị có thể làm bệnh nặng hơn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hạ sốt đúng cách
Trẻ mắc bệnh thường sốt cao đột ngột 39-40 độ C trong khoảng 2-7 ngày, mệt mỏi, đau sau hốc mắt, đau đầu dữ dội... Tâm lý sốt ruột có thể khiến phụ huynh tự ý sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau; uống quá liều và dồn dập. Phụ huynh nên cho con uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể chọn loại thuốc có vị cam dễ uống để bé hợp tác hơn. Cha mẹ cần đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng, nếu chưa rõ nên hỏi lại bác sĩ để tránh trẻ uống nhầm thuốc, sai liều.
Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao khó hạ, nhất là những ngày đầu. Ngay cả khi uống thuốc hạ sốt do bác sĩ kê đơn, có thể 30-45 phút sau, trẻ sốt cao trở lại. Phụ huynh không tự ý tăng liều hoặc vừa uống vừa đặt hậu môn dẫn đến quá liều. Sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa... Trẻ bị sốt cao cần được đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Nếu bé sốt cao trên 40 độ C có thể xử trí bằng cách lau mát cho con. Mẹ cho nước lạnh và nước nóng vào trong thau, nước nóng bằng 1/2 lượng nước lạnh. Mẹ nhúng khuỷu tay vào đo nhiệt độ thau nước, cảm giác ấm giống như nước tắm em bé.
Tiến hành lau mát bằng cách nhúng 5 khăn vào thau nước và vắt hơi ráo, đặt 2 khăn ở hõm nách, 2 khăn ở bẹn và một khăn lau khắp người. Lưu ý không đắp lên trán vì ít có tác dụng hạ sốt, không đắp lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi, thay khăn mỗi 2-3 phút. Đo nhiệt độ của bé mỗi 15 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C.
Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Phụ huynh không nên xem thuốc kháng sinh có thể chữa được nhiều loại bệnh, kể cả sốt xuất huyết. Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết, trừ một số trường hợp thực sự cần thiết. Bác sĩ có thể chỉ kê đơn kháng sinh nếu như trẻ sốt xuất huyết và mắc thêm bệnh nhiễm trùng khác (viêm amidan, viêm phế quản...) ở mức độ nặng.
Lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chủ yếu gây nhờn thuốc, kháng thuốc, làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ và lãng phí tiền bạc. Nếu trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn sau này có thể phải dùng loại kháng sinh có tác dụng mạnh hơn, chi phí đắt hơn. Nguy hiểm hơn, trẻ có cơ địa dị ứng với kháng sinh có thể vừa sốt xuất huyết, vừa dị ứng thuốc (tiêu chảy, phát ban, sốc...) khiến việc chữa trị phức tạp.
Một số trường hợp, bệnh diễn tiến nhanh và nặng nhưng cha mẹ vẫn chần chừ, đợi uống hết thuốc xem con có khỏi bệnh không mới đi khám. Chậm trễ có thể khiến trẻ gặp biến chứng, đánh mất cơ hội điều trị kịp thời.
Không tự ý truyền dịch
Trẻ sốt xuất huyết thường bị mất nước, khô da, khô môi, mệt mỏi. Phụ huynh không nên tự ý truyền nước tại nhà với dược sĩ hoặc đưa con đến phòng khám tư nhân thiếu chuyên môn, chưa được cấp phép thực hiện nghiệp vụ này, thiếu trang thiết bị cấp cứu. Truyền dịch có thể dẫn đến sốc phản vệ, phù nề, suy hô hấp, nguy hại đến tính mạng. Thực tế đã có trường hợp trẻ sốt xuất huyết tử vong bởi nguyên nhân này.
Một bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh nên nếu truyền dịch dễ bị sốc. Bệnh nhân chỉ truyền dịch khi được bác sĩ chỉ định và theo dõi sát. Tốc độ truyền cũng được tính toán rất cẩn thận, nhất là với trẻ nhỏ. Cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện, các cơ sở y tế lớn để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Trẻ sốt cao cần bù nước bằng đường uống như nước sôi để nguội, nước trái cây (dừa, cam, chanh), nước cháo loãng pha muối. Nếu uống nước oresol cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì, dùng đúng cách và nên có sự tư vấn từ bác sĩ. Trẻ nên ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ. Ăn uống đủ chất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết góp phần giúp trẻ nhanh hồi phục.
Kim Uyên