Xiếc thú, nhìn từ sự cố chết người

Trước đó, tháng 4-2010, một con voi xiếc trong Ðoàn xiếc tư nhân Sao Mai (Hải Dương) cũng đã có hành động tương tự với bé trai 13 tuổi ở Ðồng Nai.

Một lần nữa việc nuôi dưỡng, thuần hóa thú dữ như thế nào để có thể giữ an toàn tính mạng cho những người xung quanh khi đưa chúng đi biểu diễn cần được đặt ra.

Thiếu an toàn cho nghệ sĩ và khán giả

Rào chắn sơ sài, bảo vệ vắng mặt trong khi các cháu học sinh tập trung quá đông để xem và cho voi ăn là những lý do chủ quan đầu tiên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên. Tuy nhiên, ngay trong những buổi biểu diễn tại Hà Nội, có ngựa phi ầm ầm, có voi, khỉ, gấu... biểu diễn và khoảng cách từ khu vực sân khấu đến khán giả rất gần nhưng không hề có phương tiện gì để ngăn cách giữa khán giả và bầy thú.

NSND Tâm Chính - nguyên giám đốc Liên đoàn Xiếc VN trong suốt 17 năm (1986-2003) - cho biết chuyện đau lòng như vụ việc vừa rồi chưa khi nào xảy ra ở liên đoàn xiếc. Theo bà Tâm Chính, trước đây, để đảm bảo an toàn cho khán giả, tất cả những buổi biểu diễn xiếc thú đều có rào chắn cẩn thận và trước mỗi buổi biểu diễn các con thú đều được tắm rửa sạch sẽ và xịt nước hoa. Những con vật có khả năng gây nguy hiểm cho người như gấu và chó đều được đeo rọ mõm, thậm chí gấu còn được đeo găng tay cao su.

"Nhưng bây giờ có vẻ như những quy định ấy không được áp dụng. Sự cố vừa qua thật vô cùng đau lòng cho ngành xiếc VN. Ðây là sự thiếu trách nhiệm của nhóm bảo vệ đối với không chỉ khán giả mà với cả người làm nghề", bà Chính nói.

Xiếc thú, nhìn từ sự cố chết người, Tin tức trong ngày, xiec thu, voi giam chet nguoi, voi xiec, nu sinh, voi giet nguoi, doan xiec viet nam, bao, tin hot, tin hay

Tiết mục voi diễn xiếc của Đoàn Xiếc TP.HCM

Nói về sự thiếu an toàn cho chính người biểu diễn, NSƯT Tạ Duy Nhẫn - trưởng đoàn xiếc thú Liên đoàn Xiếc VN - cho rằng nếu đeo găng tay da cho gấu thì nó không thể biểu diễn những động tác khó. Bởi vậy phụ thuộc rất nhiều vào việc huấn luyện của diễn viên làm nghề. Nghề xiếc có nhiều rủi ro nên nó có sự hấp dẫn riêng.

Cơ chế "tự quản"

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có một số đơn vị nghệ thuật có biểu diễn xiếc thú, đó là Liên đoàn Xiếc VN, Ðoàn Xiếc TP.HCM, một đoàn xiếc tư nhân ở Hải Dương. Ngoài ra, cũng có một số gánh xiếc rong có xiếc khỉ và xiếc chó. NSƯT Tạ Duy Nhẫn cho rằng đến nay, số thú tham gia biểu diễn xiếc ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam có số lượng lớn nhất, lên tới gần 70 con thú các loại.

Trong đó, chỉ có voi (năm con) và gấu (10 con) là những loài động vật phải đăng ký với Cục Kiểm lâm để được chăm sóc và nuôi nhốt. Trên cả nước hiện có bao nhiêu voi, bao nhiêu gấu, ngựa, chó, khỉ, tinh tinh... diễn xiếc, ngay ông Nhẫn cũng chỉ ước chừng hàng trăm. Mạnh ai nấy nuôi, mạnh ai nấy diễn nên việc chăm nuôi khai thác thế nào sẽ thuộc toàn quyền chủ sở hữu những con vật đó.

Ðiều đó đồng nghĩa với việc chăm sóc, bảo vệ động vật tùy thuộc hoàn toàn vào ý thức của chủ sở hữu mà không hề có cơ quan nào kiểm soát. Việc tận thu, đánh đập và vắt kiệt sức lao động những con thú đáng thương này - nếu có - cũng không được bất kể đơn vị nào quan tâm và cảnh báo kịp thời.

Voi Na tiếp tục biểu diễn

Ông Ðàng Năng Long, thuộc thế hệ thứ tư nuôi voi nhà ở Tây nguyên, hiện đang ở Thái Lan, khá bất ngờ về thông tin voi Na quật chết người, đặc biệt những thông tin trên báo cho rằng voi Na có thể bị xử tử. Ông trao đổi: "Theo phong tục của nhiều dân tộc Tây nguyên, khi một con voi đực bị phạm lỗi nó sẽ bị xử tử nhưng nếu là voi cái sẽ được ân xá và tha tội chết.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây số lượng voi nhà đang giảm đáng kể nên trước đây, con voi Khăm Vạt cũng phạm tội tương tự đã được tha bổng, huống hồ Na lại là một con voi cái. Nếu có chuyện đó xảy ra, tôi sẽ tìm mọi cách để xin cho voi Na. Tôi biết ở tuổi của Na (khoảng 30-40 tuổi) thì dễ có những diễn biến tâm lý bất thường".

Theo ông Long, bất kể con voi nào bị sống tách biệt khỏi bầy đàn và mất cân bằng giới (toàn voi cái hoặc toàn voi đực sống trong một đàn) đều dẫn đến việc voi bị stress. Bởi vậy, ngoài việc lo cho đủ bữa ăn, cần phải để những con voi vui chơi và được tiếp xúc với bầy đàn của mình.

Về số phận của voi Na, trao đổi với chúng tôi chiều 18-10, NSƯT Phạm Văn Xuyên - phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN - cho biết: "Hiện Na đang ở Hà Nội và tiếp tục được biểu diễn vì lỗi không thuộc về nó. Còn việc đáng tiếc xảy ra tại Lào Cai, công an đang làm việc và vẫn chưa có kết luận cuối cùng".

Hoàng Điệp

Ông Lê Minh Tánh (đội trưởng đội quản lý động vật công viên văn hóa Đầm Sen): Bảo đảm an toàn cho khán giả

Đầm Sen đã tổ chức biểu diễn xiếc thú khoảng từ năm 1996 đến nay và rất được khán giả nhí yêu thích. Ngày thường khoảng 2-3 suất, ngày lễ tăng lên 4-5 suất với khá nhiều con vật như gấu, đười ươi, khỉ, dê, trăn, voi...

Với mọi con thú, chúng tôi đều áp dụng phương pháp không chỉ chăm sóc chu đáo mà còn theo dõi cả về tâm lý. Có những con thú đến mùa động dục rất khó chịu, vì vậy đừng bắt chúng biểu diễn, thậm chí khi di chuyển từ môi trường này đến môi trường khác cũng dễ tác động đến tâm lý của chúng.

Để bảo đảm an toàn cho khán giả, sân khấu biểu diễn của chúng tôi luôn có hàng rào cách ly xung quanh và có bảo vệ đứng gần đó nhắc nhở khán giả, trẻ em không đến gần.

Chúng tôi hiện có bốn con voi, luân phiên biểu diễn mỗi lần khoảng hai con. Khi không biểu diễn chúng tôi có khu vực riêng khá rộng cho voi thoải mái đi lại, tuyệt đối không xích chân voi vì như thế sẽ làm chúng tù túng và rất dễ bị stress.

Voi được nuôi trong chuồng có hàng rào kín và hạn chế khán giả mua mía đút cho voi ăn, nếu có thì phải có bảo vệ giám sát.

NSƯT Ngọc Ánh (phó Đoàn Xiếc TP.HCM): Voi xiếc sẽ vào Sở thú

Hiện Đoàn Xiếc TP.HCM có nuôi giữ một con voi bên hông rạp bạt biểu diễn. Voi được cột dây vào cọc sắt chôn sâu trát bêtông, có cổng sắt cao quá thân voi và xa tầm với người xem bên ngoài, được khóa cẩn thận.

Tuy nhiên chú voi hiện khá già (đã hoạt động biểu diễn tại đoàn từ mười mấy năm nay) nên đã có quyết định đưa chú về Thảo cầm viên TP.HCM. Lý do là vì đoàn không có điều kiện sân bãi nên chú voi cũng hiếm được dắt dạo chơi, bị nhốt mãi sẽ cuồng chân và voi càng già càng dễ giở chứng nên đưa vào sở thú để có điều kiện nuôi giữ tốt và bảo đảm hơn.

Cũng vì điều kiện nuôi giữ khó khăn, nên hiện nay đoàn chỉ còn nuôi chó, nếu chương trình nào cần xiếc các loại thú như gấu, khỉ, tinh tinh... đoàn sẽ hợp đồng thuê với công viên văn hóa Đầm Sen.

Linh Đoan ghi


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11718
Số người truy cập:
9259091