Xe ủi đất trên bán đảo Sơn Trà để làm công trình chữa cháy

 Những ngày qua, mạng xã hội phản ánh có tình trạng đào bới trên rừng Sơn Trà, Đà Nẵng (đoạn nằm giữa trạm phát sóng và trạm rada nằm trên đỉnh núi). Nhiều người cho biết máy xúc, xe đầu kéo được huy động thi công, cày xới đất đá.

Sáng 7/8, có mặt tại khu vực người dân phản ánh, phóng viên ghi nhận có hai bãi đất đã được sản ủi. Trong đó, phía taluy dương san ủi theo chiều dài mặt đường khoảng 20 m, rộng gần 10 m và có cắm biển công trình phòng cháy, chữa cháy do Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư.

Phía đối diện san lấp ít hơn và từ vị trí này có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát thành phố. Một số cây nhỏ nằm ở bìa rừng đã được chặt bỏ. Không có thiết bị thi công và công nhân tại hiện trường. Hai cán bộ kiểm lâm ở đây cho hay, với các diện tích được phát quang, san ủi, một bên sẽ làm hạng mục bể nước, bên còn lại làm bãi đỗ cho xe cứu hoả.

Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng thông tin, công trình trên đã được thành phố phê duyệt từ năm 2017, "nay có dự toán nên đơn vị tiến hành thi công nhằm tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng".

Theo ông Ban, hiện thành phố đang làm thí điểm một vị trí trên rừng Sơn Trà. Đây là công trình thuỷ lâm đầu tiên của Việt Nam. Cụ thể, trong mùa mưa, công trình này sẽ giữ nước lại cho mùa khô, nhằm giữ ẩm và có nước chữa cháy rừng. "Hạng mục này rất quan trọng, còn được gọi là công trình phòng hộ rừng đầu nguồn", ông Ban nói.

Khu đất đối diện sẽ làm bãi đậu đỗ cho xe chữa cháy. Ảnh: Nguyễn Đông.

Diện tích đất dự kiến làm bãi đậu đỗ cho xe chữa cháy. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo ông Ban, biện pháp thi công (đưa máy xúc lên rừng theo đường nhựa để đào bới đất) đã được cơ quan chức năng kiểm duyệt kỹ lưỡng vì "đụng đến cây rừng đâu phải dễ". Bên cạnh đó, công trình do ngành nông nghiệp làm chứ không phải giao cho doanh nghiệp.

Ông Hoàng Thanh Hoà - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp cho biế thêm, tại bán đảo Sơn Trà sẽ xây dựng bốn công trình với các hạng mục liên quan, gồm bể chứa nước, tuyến đường ống dẫn nước từ các suối và khu vực cho xe chữa cháy đậu đỗ, tiếp nước khi cần thiết. Để có mặt bằng, đơn vị thi công chủ yếu phát cây bụi.

"Toàn bộ công trình đều làm nổi trên đất, không có đào bới, hoàn toàn không ảnh hưởng đến gì đến Sơn Trà", ông Hòa khẳng định và cho biết công trình sẽ hoàn thành sau hai tháng khởi công. Tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng.

Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.400 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.

Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm từ khoảng 5.600 xuống chỉ còn 1.600. Sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng). Bán đảo này vừa trải qua đợt thanh tra toàn bộ các dự án, tuy nhiên thời gian công bố kết luận đang bị trễ hẹn.

 

Nguyễn Đông


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1146
Số người truy cập:
9033105