Những ý kiến này đã làm nóng buổi thảo luận dự thảo về xử phạt hành chính trong xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản theo Nghị định 126 của Chính phủ do Bộ Xây dựng chủ trì ngày 5/9.
Nhiều thanh tra chuyên ngành xây dựng các tỉnh thành đề nghị tách ra hai nhóm hành vi phạm lỗi để điều chỉnh khung hình phạt hợp lý hơn, nhằm tăng tính răn đe bằng biện pháp chế tài cao hơn so với trước đây.
Thanh tra xây dựng quận 4, TP HCM đề xuất, đối với các dự án có quy mô lớn làm ẩu sẽ bị "trị" bằng cách phạt nặng, còn nhà ở riêng lẻ xây lậu, vi phạm quy định trong xây dựng sẽ bị phạt theo khung từ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Theo ông, nên phạt các lỗi nghiêm trọng trong xây dựng căn cứ vào quy mô, kết cấu của công trình chứ đừng phạt cứng nhắc đánh đồng. Bởi lẽ, theo ông, dân nghèo không có tiền, thiếu đất, xây nhà nhỏ, lại bị phạt vài chục triệu đồng là quá nặng nề. Trong khi đó, nhiều cao ốc xây dựng sai hoặc không phép chỉ phạt vài chục triệu đồng là thiếu tính răn đe.
Tương tự, Chánh thanh tra Xây dựng TP HCM bà Hồ Thị Kim Loan đề nghị phân chia theo cấp độ công trình sai phạm mà xử phạt. Theo bà, sai phép có nhiều loại, sai thiết kế bên trong hoặc xây dựng theo quy mô nhỏ hơn giấy phép, vẫn thuận quy hoạch thì không nên phạt. Trong khi đó, dự án chưa đủ điều kiện khởi công, không đúng công năng, nghiệm thu khống phải bị phạt thật nghiêm.
Bà Loan còn mạnh dạn kiến nghị Thanh tra Bộ Xây dựng xem xét tăng thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND phường vì đây là cấp chính quyền sát dân, nắm rõ địa bàn nhất. Chánh thanh tra Xây dựng TP HMC cũng cho rằng nên bỏ những mức phạt trùng lắp giữa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để có cách xử lý vi phạm nhất quán hơn.
Bức xúc về thủ tục rườm rà, phân quyền chưa hợp lý, Chánh thanh tra Xây dựng TP Cần Thơ Huỳnh Văn Thuận kể về một công trình được kiểm tra từ khi mới xây 4 tầng nhưng mãi đến khi xây tầng 14 cũng xử phạt chưa xong.
Đó là công trình Trung tâm thương mại Tây Nguyên Plaza tại quận Cái Răng TP Cần Thơ được cấp phép 18 tầng, cao nhất khu vực này. Khi đang thi công đến tầng thứ 4, Ban quản lý khu Nam Cần Thơ đến kiểm tra hồ sơ nhưng cứ bị khất lại nhiều lần. Vì không có thẩm quyền xử phạt và đình chỉ thi công, Ban quản lý khu Nam Cần Thơ báo cho Thanh tra xây dựng thì tòa nhà đã leo lên đến tầng thứ 8. Đến lúc này ngay cả Chánh Thanh tra cũng vượt thẩm quyền xử phạt vì sai phạm quá lớn, sự việc tiếp tục được chuyển lên UBND TP Cần Thơ thì tòa nhà đã xây đến tầng 14.
Ông Thuận giải bày: " Thanh tra chỉ được phạt đến mốc 10-20 triệu đồng trong khi vụ việc có thể phạt đến hơn 100 triệu nên đành chờ cấp cao hơn xử ly".
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng, công chức ngành Xây dựng để vụ việc đi đến mức vượt thẩm quyền mới báo lên trên là quản lý kém. "Ngay từ khi đóng cọc, dựng cừ tràm, đào hố móng Thanh tra xây dựng phải có mặt để nắm tình hình. Đợi đến tầng 4, rồi tầng 8 và lên đến lầu 14 mới tìm cách xử lý là quá muộn, sai sót nghiêm trọng", ông Yên nói.
Theo ông Yên, khi thi hành công vụ, công chức được làm những điều pháp luật quy định, miễn là không vượt thẩm quyền. Cán bộ thanh tra phát hiện có công trình sai phạm sẽ báo lên Chủ tịch UBND quận, huyện. Người đứng đầu địa phương sẽ căn cứ theo luật phạt đúng quy định. Nếu vượt thẩm quyền, chủ tịch quận huyện phải trình lên cấp cao hơn để được hướng dẫn xử lý nhanh.
Ông Yên nhấn mạnh rằng, cần bỏ suy nghĩ phạt rồi cho tồn tại vì làm như vậy không thể chấn chỉnh được trật tự xây dựng trong đô thị. "Nên nhớ rằng phạt nặng là để răn đe chứ không phải để thu tiền, mục đích chính của việc xử phạt là đảm bảo trật tự xây dựng đô thị", ông nhấn mạnh.
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho hay, sắp tới có thể Bộ sẽ nghiên cứu đến việc xử phạt theo quy mô công trình, tức căn cứ vào số m2. Xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế, sai quy hoạch được duyệt đều được gộp chung là hành vi vi phạm trật tự đô thị có thể áp dụng phạt ngay, không cần chờ ý kiến các cấp cao hơn. Dự kiến tháng 10 năm nay, Bộ Xây dựng sẽ trình chính phủ nghị định 126 để có mức phạt cao hơn, đủ sức răn đe.
Một vài mức phạt dự thảo Nghị định 126 quy định: Phạt 10-20 triệu đồng đối với chủ đầu tư thực hiện sai kết quả đấu thầu được duyệt. Chủ đầu tư chọn nhà thầu không đủ năng lực theo quy định phải đóng 30-40 triệu đồng. Lỗi chia nhỏ và chỉ định gói thầu bị buộc nộp 50-60 triệu đồng. Nghiệm thu khống, sai khối lượng bị phạt 70-80 triệu đồng. Không quản lý chất lượng, tổ chức giám sát thi công và thi công sai chuẩn sẽ phải đóng 80-100 triệu đồng. Phạt 100-150 triệu đồng đối với chủ đầu tư dàn xếp, mua bán thầu. Mức phạt cao nhất trong Nghị định 126 đề ra là 500 triệu đồng thay vì trước đây chỉ có 70 triệu đồng. |