Thoát nghèo đối với nhiều người sáng mắt đã là chuyện chẳng dễ dàng, vậy mà bằng bản lĩnh và nghị lực phi thường, những người khiếm thị đã làm được bằng chính sức lao động của mình.
Gà trống nuôi con
Đang lọ mọ chuẩn bị lọp, nơm đi bắt cá, nghe tiếng xe máy dừng trước nhà, anh Nguyễn Văn Hai (35 tuổi, ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú – An Giang) biết ngay có khách lạ, liền lần bước ra đón. Trong câu chuyện cởi mở, anh kể cho chúng tôi nghe nỗi bất hạnh cuộc đời mình.
Khi Hai mới 2 tuổi, một cơn bạo bệnh ập đến khiến đôi mắt cậu mờ dần. Không có tiền chạy chữa, cha mẹ Hai đành nuốt nước mắt nhìn con trai tập làm quen với cuộc sống không có ánh sáng.
Để thích nghi, Hai sớm tập tành, rèn luyện kỹ năng “thám thính” mọi vật xung quanh rồi ghi nhớ trong đầu. Dần dần, Hai hòa nhập được với cuộc sống như một người sáng mắt. Càng lớn, Hai càng tháo vát, siêng năng làm việc, giúp cha mẹ làm lúa, nhổ cỏ, thăm đồng, mò cua, bắt cá...
Năm 1995, Hai cưới một cô gái nghèo. Lúc ra riêng, cha mẹ Hai cho 7 công đất để vợ chồng anh canh tác. Hai năm sau, gia đình họ có thêm hai đứa trẻ, cuộc sống tuy nghèo khó nhưng rộn rã niềm vui.
Vậy mà chẳng được bao lâu, một lần qua ăn đám giỗ nhà hàng xóm, vợ anh đã bỏ đi biền biệt. “Tôi tưởng cô ta nhớ cha mẹ về thăm vài hôm nhưng chờ mãi vẫn không thấy trở lại.
Ông Chau Nươl vận chuyển nước ngọt đi bán trong các phum, sóc
Một thời gian sau, cô ta gọi điện thoại về, nói đang ở TPHCM và có chốn nương thân rồi, xong cúp máy. Tôi đành sống cảnh gà trống nuôi con đến giờ” - anh Hai ngậm ngùi. Hai đứa trẻ cũng quen dần với những đêm thiếu vắng vòng tay yêu thương của mẹ. Trong cảnh tăm tối mù lòa, Hai vừa làm cha vừa làm mẹ.
Một tay anh làm hết mọi việc, từ bếp núc đến ruộng đồng. Sáng nào, Hai cũng chuẩn bị đồ nghề đi mò cua, bắt cá cho đỡ tốn tiền chợ, rồi ra đồng thăm ruộng. “Tôi cũng biết xịt thuốc, rải phân, xạ lúa, be bờ, nhổ cỏ... nhưng sức khỏe yếu nên hạn chế làm” - anh bộc bạch.
Nhờ vất vả làm lụng và tiết kiệm, gia đình Hai đã không còn túng thiếu. Song, hạnh phúc lớn nhất của anh là hai con trai chăm ngoan và học giỏi. “Thằng Lúa đã lên lớp 9, thằng Bạc cũng vào lớp 6 rồi” - anh khoe.
Kỳ tích dựng nhà
Chứng bệnh ban đen đã lấy đi ánh sáng đôi mắt của ông Chau Nươl (50 tuổi, ở xã An Cư, huyện Tịnh Biên - An Giang) khi ông mới 9 tuổi. Vì thế, Nươl không thể đến trường, lớn lên cũng không học được nghề gì để mưu sinh. Tuy nhiên, Nươl không nề hà gian khó, ai thuê mướn gì cũng làm.
Thấy anh mù giỏi giang, chịu thương chịu khó, Nèang Chuột, cô gái cùng phum đã đứng tuổi, đem lòng yêu mến và lấy làm chồng. Lập gia đình ở tuổi 26, Chau Nươl vẫn nghèo xơ xác, chỉ có thể dựng được căn nhà vách lá tơi tả dưới chân núi Phú Cường. Một năm sau, Nèang Chuột sinh con đầu lòng, gia đình lại càng túng bấn. Vậy mà vợ Nươl cứ liên tiếp sinh con, gánh nặng mưu sinh cứ nặng oằn trên đôi vai người chồng mù.
Anh Nguyễn Văn Hai chuẩn bị lọp, nơm đi bắt cá
Ông Nươl nhớ lại: “Khi mỗi đứa con sinh ra, tôi phải tìm thêm một nghề mới để kiếm sống”. Hết lên rừng đào gốc cây đem về hầm than, ông lại chở nước ngọt vô các phum, sóc xa để bán. Có thời gian, ông còn mua bán gạo lẻ.
Khi việc mua bán ế ẩm, ông chuyển sang làm thuê, như: gánh khoai mì, vác lúa, chặt củi... Công việc mua gốc cây rừng về hầm thành than đem bán gắn bó với ông Nươl lâu nhất, cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Nói về người đàn ông mù lòa lam lũ này, bà con sống ở xã An Cư đều tỏ lòng cảm phục. “Chưa có nghề nào cực bằng nghề đốt than. Ở xứ núi này, chưa có mấy người sáng mắt làm nghề này và làm giỏi như Chau Nươl. Ông ấy tự hỏi mua gốc cây rừng, rồi cầm gậy lần dò đến nơi đào chở về nhà, móc lò đốt than. Có than, ông ấy lại tự mình chất lên xe, đẩy xuống tận thị trấn Nhà Bàn cách xa nhà gần 20 km để bán” – một người dân An Cư thán phục.
Tài nghệ của ông Chau Nươl thì nhiều nhưng chuyện ông tự tay dựng nhà cho mình được người dân An Cư xem như kỳ tích đối với một người không thấy ánh sáng. Bà Lê Thị Khoắn, một người ngụ ở chân núi Phú Cường, tấm tắc: “Bảy năm trước, nhà Chau Nươl xập xệ, xiêu vẹo lắm. Anh ta hỏi mua vườn bạch đàn của nhà bên cạnh, rồi tự tay đốn hạ từng cây mang về cất nhà. Không biết ai chỉ dạy mà anh ta có thể bào cây, đục lỗ..., rồi dựng thành căn nhà”. Trong căn nhà vẫn còn trống trước trống sau, ông Chau Nươl tâm sự: “Được vậy, tôi đã toại nguyện rồi. Từ lâu, tôi đã mơ ước có được một căn nhà đàng hoàng”.
“Bây giờ gia đình tôi đã không còn cảnh bữa đói bữa no như ngày trước nhưng chỉ tạm thoát được cảnh nghèo khó thôi chứ cũng chưa dư dả gì. Do vậy, tôi luôn dạy các con phải biết lo làm việc, siêng năng lao động mới có đủ cái ăn, rồi tất có ngày sẽ khấm khá ” – ông Chau Nươl bộc bạch.