Trước sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ của kênh mua sắm hiện đại và sức ép doanh số bán buôn ngày càng giảm, tiểu thương các chợ truyền thống - tiên phong là các chợ loại 1 - đã chủ động thay đổi để… vươn lên. Mô hình này cần nhân rộng để góp phần vực dậy kinh tế chợ.
Tiểu thương tự cứu
Giữa lúc nhiều quầy sạp khác buôn bán ế ẩm, có ngày không bán được món hàng nào, sạp nón Phúc Hương ở chợ Bến Thành vẫn đông khách. Chị Hương, chủ sạp, kể đã gắn bó với chợ Bến Thành hơn 30 năm. “Khách đi chợ, đặc biệt là khách du lịch phương Tây, trả giá rất dữ, mình niêm yết giá nhưng cũng phải giảm chút ít cho khách vui. Nhiều khách coi hàng, trả giá xong bỏ đi sạp khác hoặc dọ giá tại những cửa hàng nón bên ngoài, thấy hàng của mình chất lượng, giá “được” nhất nên quay lại mua và giới thiệu người thân, bạn bè đến mua. Dần dà thêm nhiều khách quen, khách mối” - chị Hương chia sẻ.
Với thế mạnh là bán hàng độc, lạ, chị Huệ - chủ sạp Huệ - quan niệm bán hàng giá vừa phải để bán số nhiều và giữ khách lâu dài. Thời còn buôn bán sung túc, mỗi tháng vài lần chị đi Mỹ, Thái Lan, Hồng Kông gom quần áo về bán, giờ chợ bán chậm nên vài tháng mới đi một chuyến. Quần áo được chọn lựa kỹ nên ít đụng hàng, giá “mềm” hơn so với sản phẩm cùng thương hiệu bán tại các trung tâm thương mại, khách mua quen biết hàng, biết giá nên cứ ghé sạp hoặc gọi điện hỏi thăm hàng mới về để mua.
Theo chị Huệ, ban đầu khách chưa quen với việc sạp chợ bán hàng không nói thách nhưng mua vài lần khách tự kiểm chứng chất lượng, giá cả thì rất hài lòng. Cũng nổi tiếng bán hàng không nói thách, sạp đồ lót Hồng Hoa mặc dù ở góc khuất nhưng rất đông khách hàng. Chủ sạp dựng bảng “Bán hàng đúng giá” ngay trên tủ trưng bày và cam kết niêm yết sao bán vậy, bảo đảm bán hàng tốt, chất lượng; khách kỳ kèo trả giá mấy cũng không bớt.
Chợ “nhà giàu” An Đông (quận 5) cũng chịu chung số phận ảm đạm. Không chọn giải pháp treo bảng sale off, bán hàng thanh lý như chợ Phạm Văn Hai, Tân Định, chợ An Đông tập trung một mùa “sale off” duy nhất trước Tết. Theo đó, hàng loạt sạp hàng (đặc biệt là quần áo, giày dép) đổ đống hàng tồn, hàng lỗi mốt, bán đại hạ giá.
Ngày thường, tiểu thương chủ yếu sống nhờ vào những mối mua sỉ và các sạp hàng ở An Đông Plaza bên cạnh. Bà Nguyễn Thị Nhà, chủ sạp quần áo Hùng Nhàn, cho biết khách mua sỉ chỉ có giảm chứ không tăng, khách lẻ cũng không đi chợ nhiều. “Không có giải pháp gì kích cầu, tụi tôi chỉ còn cách bán hàng đúng giá. Đôi khi khách mua lẻ trả giá “sát ván”, đành cho đi luôn vì bán không có lời mà xé lẻ cây hàng” - bà Nhàn nói.
Đưa hàng lên mạng, phủ sóng WiFi
Là một trong những hoạt động của UBND quận 1 nhằm nâng chất chợ truyền thống, đầu tháng 6, chợ Bến Thành đã triển khai tập huấn cho tiểu thương về kinh doanh trực tuyến trên website chung của chợ. Dự kiến, đến giữa tháng 7, website thương mại điện tử của chợ Bến Thành sẽ chính thức đi vào hoạt động với 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.
Tiểu thương sẽ được cấp tài khoản gian hàng trên trang web chung của chợ, chịu trách nhiệm về hàng hóa, giá cả của quầy sạp mình. Qua trang web, khách hàng có thể tìm hiểu trước hoặc liên lạc với tiểu thương trước khi trực tiếp đến xem hàng, giao dịch. Ngoài ra, toàn chợ sẽ được phủ sóng WiFi, tại 4 cửa chính của chợ có 4 màn hình lớn để khách truy cập thông tin từ website chợ và bản đồ chỉ dẫn đến các quầy sạp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kinh doanh trực tuyến thông qua các website thương mại điện tử và trang mạng xã hội như Facebook đang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả tốt. Nhiều tiểu thương tự mày mò, lập website riêng hoặc thông qua Facebook để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. www.carianhhai.com là một ví dụ. Mặc dù thông tin trên trang web còn sơ sài nhưng qua đó, khách hàng biết đến cà ri Anh Hai nhiều hơn.
Ông Lý Đại Lâm, quản lý sạp cà ri Anh Hai ở chợ Bến Thành (sở hữu website carianhhai), cho biết từ khi có website, chủ yếu khách vào website xem thông tin sản phẩm, giới thiệu về cơ sở và tìm số điện thoại, địa chỉ sạp chợ rồi trực tiếp đến nơi mua hàng để được hướng dẫn cách sử dụng gia vị cho món ăn thơm ngon nhất. Hay các tiểu thương bán quần áo, giày dép thông qua Facebook cập nhật mẫu sản phẩm mới, chào hàng, báo giá và “tám” chuyện với khách khá hiệu quả.
Trước thực trạng chung của chợ truyền thống, chủ trương của TP HCM là không phát triển thêm chợ truyền thống mà tập trung nâng chất, làm mới mô hình kinh doanh chợ. Bên cạnh các hoạt động như kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, tập huấn cho tiểu thương nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ bán hàng, Sở Công Thương TP HCM cũng đang thực hiện đề án xây dựng thương hiệu cho chợ và cho từng tiểu thương, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tiêu thụ ở chợ. Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức các khóa đào tạo về kinh doanh trực tuyến cho những tiểu thương có nhu cầu lập website thương mại điện tử.
Vi phạm về giá, đóng cửa 5 ngày
Ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành, cho biết ngoài việc áp dụng niêm yết giá và yêu cầu tiểu thương bán đúng giá niêm yết, ban quản lý chợ vừa thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng để nhận phản ánh của khách hàng. Số điện thoại này được treo công khai tại các cửa vào chợ để khách dễ thấy. “Nếu chủ quầy sạp nào bị khách hàng phản ánh sẽ bị xử lý theo nội quy chợ: thấp nhất là đóng cửa kinh doanh 5 ngày, cao nhất là đề nghị rút giấy phép kinh doanh”.
Cũng theo ông Thiện, chợ đang từng bước thay đổi để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới. Mặc dù vậy, nói thách - trả giá vốn là nét đặc trưng ở chợ, là cách để người bán - người mua giao tiếp, trao đổi thông tin nên hiện tại chưa thể buộc tiểu thương tuân thủ 100% việc bán hàng theo giá niêm yết như trong siêu thị. Mức giảm giá 10% - 15% so với giá niêm yết tạm thời chấp nhận được.