Theo TTXVN, sáng 29/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xem xét, giải quyết tố cáo, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 4.447 trường hợp (trong đó có 90 đảng viên diện trung ương quản lý).
Cùng thời gian này, cơ quan tố tụng đã khởi tố 100 vụ án với 184 bị can về các tội danh tham nhũng (tăng 5% số vụ và 3% về số bị can so với cùng kỳ). Cơ quan tòa án đã xét xử sơ thẩm 97 vụ với 258 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
Về vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Tập đoàn Vinashin, Thiếu tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, sau 10 tháng điều tra, đã khởi tố 10 bị can, trong đó, bắt tạm giam 8 bị can, ra lệnh truy nã quốc tế 2 bị can. Trong vụ án này cơ quan điều tra đã triệu tập, làm việc với hàng chục cá nhân có liên quan khác.
Từ kết quả điều tra, trưng cầu giám định liên ngành, Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trên trong 4 nhóm vụ việc: Vụ mua tàu Hoa Sen của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, gây thiệt hại khoảng 470 tỷ đồng của Nhà nước; vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tại Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, làm thiệt hại 28 tỷ đồng; Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng của Công ty nhiệt điện Hoàng Anh gây thiệt hại 313 tỷ đồng và Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezen Cái Lân, gây thiệt hại 64 tỷ đồng của Nhà nước.
Thiếu tướng Tư cho biết, quá trình điều tra, các bị can đều thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an đang khẩn trương phối hợp với các quốc gia có liên quan để truy bắt những người liên quan trong vụ án đồng thời sẽ khởi tố bổ sung một số bị can trong vụ án này vì các hành vi tham nhũng khi thu thập đủ chứng cứ.
Quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ngãi phối hợp điều tra, làm rõ và có biện pháp xử lý đối với những hành vi sai phạm của các cá nhân có liên quan. Ngoài ra, Bộ cũng đã tiếp nhận 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Tập đoàn Vinashin do Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ để tổ chức điều tra, làm rõ...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 6 tháng qua, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát huy hiệu quả, trong đó việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng tăng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước trong quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Theo Chinhphu.vn, tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác này, một số vụ án tham nhũng còn chậm xử lý, để kéo dài…Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm những vụ án tham nhũng còn tồn đọng kéo dài, nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Thủ tướng khẳng định, vụ Vinashin đã được làm với tinh thần kiên quyết, thận trọng, đúng người, đúng pháp luật. Chính phủ cũng đã tổ chức thanh tra toàn diện Tập đoàn này, chỉ rõ những sơ hở, bất cập về cơ chế chủ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước để có biện pháp khắc phục.
Thủ tướng cũng cho biết, song song với quá trình cơ quan Công an điều tra, làm rõ vụ việc, Ủy ban Kiểm tra TƯ cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các Ban cán sự đảng, các thành viên Chính phủ có liên quan. Nếu phát hiện các hành vi sai phạm sẽ kiên quyết kiểm điểm xử lý tùy theo mức độ.
Thủ tướng cũng đề nghị cần làm tốt công tác thông tin cho nhân dân biết, hiểu đúng về vụ việc, không để dư luận hiểu lầm là “đầu voi, đuôi chuột”.
Trước đó, đầu tháng 6, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng ý với kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tập đoàn Vinashin. Theo kết luận thanh tra, Vinashin mắc hàng loạt sai phạm trong việc xây dựng thể chế hoạt động, huy động - quản lý và sử dụng vốn… đưa doanh nghiệp tới cận kề bờ vực phá sản.
Cũng theo kết luận thanh tra, để dẫn tới tính trạng trên, có trách nhiệm của rất nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị… trong đó, nổi lên là những sai phạm, buông lỏng quản lý của lãnh đạo Vinashin. Cơ quan Thanh tra đã chỉ ra 16 cá nhân trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc của Tập đoàn giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó, sai phạm nặng nhất thuộc về nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị - Tổng giám đốc điều hành Phạm Thanh Bình.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, để xảy ra sai phạm tại Vinashin, không thể không nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… do thiếu kiên quyết và chậm đưa ra các giải pháp hiệu quả để xử lý những tồn tại của Tập đoàn.
Xuân Hoa