Vụ kiện đòi bức tranh vua Càn Long vẽ

 Chu Vân, 66 tuổi, là một nông dân ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Nhà ông Chu có một bức tranh cổ tên Tung Dương hán bách đồ do tổ tiên truyền lại. Đây là tác phẩm do chính vua Càn Long ngự bút, vẽ cây bách khổng lồ trên núi Tung Sơn, dùng giấy vẽ thời nhà Tống, dài 58 cm, rộng 29 cm.

Tuy nhiên, ông Chu không rõ bức tranh là thật hay giả, đến tay gia đình ông bằng cách nào. Bức tranh thường ngày được cất trong hộp để trên nóc tủ, không ai động đến.

Bức tranh Tung Dương hán bách đồ do Càn Long vẽ năm 1750. Ảnh: 163

Bức tranh Tung Dương hán bách đồ do Càn Long vẽ năm 1750. Ảnh: 163

Năm 2009, khi Trung Quốc nở rộ các chương trình giám định cổ vật trên truyền hình, ông Chu mới nhớ đến bức tranh gia truyền, muốn đem đi giám định để bán lấy tiền.

Tháng 9/2009, ông Chu mang tranh tới đăng ký tham gia Hoa dự chi môn - chương trình giám định bảo vật của Đài truyền hình tỉnh Hà Nam. Tại hội trường, ông gặp chuyên gia giám định Lưu Nham do chương trình mời đến làm khách.

Chu Vân kể, khi Lưu Nham thấy bức họa, ông ta nhìn chăm chú, sau đó hẹn buổi tối tới khách sạn để nghiên cứu kỹ hơn. Tối đó, ông Chu được Lưu Nham cho hay bức tranh gia truyền của nhà ông đúng là đồ cổ, nhưng không phải bút tích thật của Càn Long, chỉ đáng giá 30.000 NDT. Lưu Nham còn cho ông Chu xem ảnh một bức tranh khác do Càn Long vẽ, được in trong sách đấu giá, nói rằng bức này có kích thước lớn hơn cũng chỉ có giá 50.000 đến 80.000 NDT. Lưu Nham hứa hẹn giúp ông Chu tìm người mua bức họa với giá cao hơn gấp đôi.

Sáng 21/10/2009, Lưu Nham đưa một doanh nhân từ Bắc Kinh đến nhà ông Chu, thương lượng mua bức tranh với giá 170.000 NDT. Khoản tiền được ông Chu dùng để trả nợ và mua đồ đạc cho gia đình.

Nhưng Chu Vân không ngờ rằng, bức Tung Dương hán bách đồ tưởng là hàng giả này lại được đem ra bán đấu giá vào tháng 12/2010, giá chốt là 78 triệu NDT, cộng thêm chi phí là 87,38 triệu NDT.

Đến tháng 6/2011, ông Chu mới nghe được tin tức. Giá cả cách biệt hơn 500 lần khiến ông Chu nghi ngờ bị chuyên gia giám định lừa gạt. Ông đệ đơn kiện Lưu Nham và người mua lên tòa, yêu cầu hủy bỏ giao dịch trước đây, trả lại bức tranh.

Ra tòa năm 2012, Lưu Nham kiên quyết không thừa nhận lừa đảo. Ông ta nói chỉ là người giới thiệu, không tham gia toàn bộ quá trình, bao gồm khâu chốt giá cả và ký hợp đồng mua bán. Chu Vân lại khẳng định Lưu Nham chủ động giúp ông thương lượng giá cả, hợp tác với người mua lừa gạt ông.

Sau khi xem xét, tòa nhận định đây là vụ án hình sự, nhưng không đủ chứng cứ, giao lại cho công an địa phương điều tra.

Tuy nhiên, sau khi nhận được phán quyết của tòa, công an cho rằng đây không phải là vụ án kinh tế nên không lập hồ sơ điều tra.

Vụ việc thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông, dấy lên vấn đề chuyên gia lừa đảo, gây ra sự khủng hoảng niềm tin của nhiều nhà sưu tập tư nhân vào giới chuyên môn.

Lưu Nham, sinh năm 1957, từng xuất hiện trên nhiều chương trình về giám định thư họa cổ. Ảnh: CCTV2

Lưu Nham, sinh năm 1957, từng xuất hiện trên nhiều chương trình về giám định thư họa cổ. Ảnh: CCTV2

Trong khoảng thời gian kiện tụng, Chu Vân tìm kiếm tư liệu về Lưu Nham. Điều bất ngờ là ông tìm được hai chuyên gia giám định cùng họ tên trên mạng, một ở Bắc Kinh còn một ở Đông Hoản (Quảng Đông), có ngoại hình khác nhau nhưng lý lịch giống nhau. Chu Vân hoài nghi gặp phải chuyên gia rởm.

Nhưng theo điều tra từ Legal Evening News, chuyên gia Lưu Nham mà Chu Vân gặp từ đầu đích thực là người từng được mời làm cố vấn cho nhiều chương trình giám định cổ vật uy tín, có hơn 30 năm chuyên môn.

Vương Lập Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Giám định Văn vật Trung Quốc, cho biết sự chênh lệch lớn về giá cả trong các giao dịch nghệ thuật, đặc biệt là trong các giao dịch đồ cổ, không hề hiếm gặp và rất khó để nói ai đúng ai sai. Trong trường hợp của Chu Vân, thư họa của Càn Long rất phức tạp, tác phẩm không có xuất xứ và ghi chép thì giá trị sẽ không cao lắm, nhưng một khi xác minh được xuất xứ thì giá trị có thể lên gấp nhiều lần. Giá cả khi đấu giá không nhất định đại diện cho giá trị của tác phẩm và thường có các chiêu trò thổi phồng thương mại trong đó.

Theo Vương Lập Quân, có rất nhiều chuyên gia giả trong bộ phận giám định đồ cổ hiện nay, gây nên sự hỗn loạn trong thị trường sưu tầm. Theo ông, nếu muốn giám định một món đồ, chủ sở hữu cần giám định nhiều lần, bằng nhiều phương pháp khác nhau để nâng cao tính chuẩn xác.

Tuệ Anh (Theo Chinanews)

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
32876
Số người truy cập:
8549663