Trước hết, nếu tưởng người thường bị stress gặm nhắm là đối tượng mệt nhoài đến độ nuốt cơm không vô thì lầm. Trái lại là khác, 80% người phải đồng hành cùng stress tuy không vui gì, tuy có thể khó ngủ nhưng lại ăn rất ngon miệng. Họ thậm chí ăn nhiều, ăn nhiều lần trong ngày nhưng lại ăn quá nhanh và nhất là khoái khẩu với món ngọt.
Lý do rất dễ hiểu là trước, trong và sau trận giao tranh với stress, nạn nhân rất cần năng lượng cho cơ thể nên đằng nào cũng dễ thiếu hụt đủ thứ, từ năng lượng đến chất đạm hay khoáng tố vi lượng. Nạn nhân của stress vì thế có khuynh hướng “hảo ngọt” vì đường vừa là chất cung cấp năng lượng nhanh nhất vừa có tác dụng trấn an thần kinh vốn nhạy cảm dưới kích ứng của stress. Kẹt một nỗi là thói quen ăn ngọt cũng từa tựa như ghiền cà phê, thuốc lá, nghĩa là sớm muộn cũng phải tăng “đô”. Nếu với người khác, thiếu chút đường không đến độ trầm trọng thì với nạn nhân của stress lại là chuyện chẳng khác nào thiếu... thuốc! Cũng vì quen với lượng đường cao trong máu nên nạn nhân rất dễ đói bụng và thậm chí “xấu nết” nếu không kịp ăn.
Chính vì thế mà chuyên gia về bệnh do stress đã khuyên đối tượng thuộc nhóm “hảo ngọt” này ráng tập vài chuyện không quá khó. Cụ thể:
- Đừng ăn ngọt khi căng thẳng thần kinh. Thay vào đó nên là trái táo, đậu phộng để đường huyết đừng thăng thiên. Kẹt lắm là trái cây khô vì tuy ngọt nhưng vẫn chưa bằng đường cát, bột ngọt.
- Tránh món vừa hưng phấn vừa tăng đường huyết như cà phê đá ngọt hơn chè.
- Tập thiền thay vì chọn hình thức giải trí ăn thua đủ, vì bao nhiêu stress của công việc đã quá đủ để sinh bệnh. Thêm chi cho khổ.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TPHCM)