Sau gần 1 giờ làm thủ tục, đúng 15 giờ 55 phút, các thuyền viên bước ra trong niềm vui sướng vỡ òa với người thân. Tất cả đều khỏe mạnh, tuy gầy và đen hơn nhiều sau gần 2 năm bị cướp biển giam giữ. Bà Nguyễn Thị Ngải, mẹ của thuyền viên Nguyễn Thanh Tú (26 tuổi, ở Nghệ An), cho biết trong suốt gần 2 năm Tú bị cướp biển bắt, gia đình luôn ngủ không yên. Đã có lúc tuyệt vọng, tưởng chừng mất con.
Giây phút đoàn tụ sau gần 2 năm của gia đình thuyền viên Hồ Xuân Hương (23 tuổi ở Nghệ An)
“Suốt gần 2 năm, cháu được gọi điện về 2 lần, mỗi lần 4 phút, mẹ con chỉ khóc nấc”, bà Ngải cho hay. Theo bà Ngải, mỗi lần Tú gọi về đều kể bị bọn cướp đánh, dọa giết vứt xác xuống biển. “Hôm 17.7, nghe tin con được bọn cướp thả, gia đình còn không dám tin. Mãi đến ngày 20.7, Tú gọi điện về cho biết đã được thả và đang trở về Việt Nam. Gia đình tôi vui mừng không kể xiết”, bà Ngải nói.
Ông Trần Trương, bố của thuyền viên Trần Minh Trí (20 tuổi, ở Nghệ An) cho biết, suốt thời gian các thuyền viên bị hải tặc giữ, phía chủ tàu vẫn trả lương cho các lao động bình thường với mức trung bình là 10 triệu đồng/quý.
Thuyền viên Nguyễn Thanh Tú và mẹ Nguyễn Thị Ngải hội ngộ sau gần 2 năm xa cách
Ông Trương cũng cho biết thêm, mỗi lao động đi xuất khẩu làm việc trên tàu FV Shiuh Fu No1 chi phí hết khoảng 18 triệu đồng. Số tiền này, phần lớn các gia đình đã trả nợ xong. “Dù thế nào, nay cháu đã thoát chết trở về, không có niềm vui nào lớn hơn nữa. Ngày mai, gia đình tôi sẽ mổ heo ăn mừng”, ông Trương xúc động cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mỗi thuyền viên sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng kinh phí về quê. Sau đó, công ty sẽ hẹn ngày đến thanh lý hợp đồng. Các thuyền viên sẽ được đảm bảo đầy đủ chế độ theo luật.
Cũng theo ông Tạo, lẽ ra 12 thuyền viên tàu FV Shiuh Fu No1 bị hải tặc Somalia bắt đã được về nước từ tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, do bọn cướp thay đổi người lo đối ngoại nên phải đàm phán lại. Do vậy, đến nay các thuyền viên mới được trở về.
Thuyền viên Bùi Văn Hóa (22 tuổi) ở Hà Tĩnh ôm chầm lấy mẹ òa khóc nức nở. Theo Hóa, trong suốt thời gian bị cướp biển giam cầm, việc bị đánh đập bỏ đói là thường tình. Thuyền viên Nguyễn Văn Hải (20 tuổi, ở Nghệ An) nhớ lại, hải tặc Somalia dùng tàu chở hàng loại lớn áp sát, khống chế đưa đi giam giữ tại một khu rừng. “Cứ vài ngày bọn cướp lại đưa đi giam giữ ở một nơi trong khu rừng. Sau thời gian đó, anh em bị bắt lao động, phục vụ bọn cướp. Mỗi ngày, hải tặc cho 26 người 4 kg gạo nên mỗi người chỉ được 2 bát cơm vào sáng và tối. Ngoài ra, anh em phải tự kiếm thêm rau và tự đan lưới, thi thoảng được xuống biển đánh cá ăn”, Hải cho biết.