Một dự thảo viện phí vừa được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến. Để người bệnh đỡ “sốc”, Bộ Y tế trấn an rằng việc điều chỉnh lần này cũng chỉ thu một phần chứ chưa thu đúng, thu đủ và chỉ có 350/3.000 dịch vụ mà các bệnh viện (BV) đang thực hiện được điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Hợp thức hóa việc “xé rào”
Trong dự thảo nêu trên, giá 220 dịch vụ y tế (gần 70%) dự kiến điều chỉnh tăng tối đa lên 2,5 lần, 60 dịch vụ tăng 2,5-5 lần và 70 dịch vụ còn lại tăng tối đa 7-10 lần so với hiện nay. Ngay khi bảng dịch vụ này được công bố, không ít người trong ngành cho biết mức điều chỉnh tăng cao nhất rơi vào nhóm mà người bệnh phải sử dụng nhiều nhất.
Tại hội thảo về tài chính y tế diễn ra đầu tháng 12-2010 ở Hà Nội, nhiều BV tiếp tục than lỗ bởi chính sách viện phí hiện nay. GS-TS Phạm Mạnh Hùng, chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, nhận xét mức thu một số dịch vụ kỹ thuật tính từ năm 1995 đã không còn phù hợp với sự trượt giá và tăng giá theo thời gian.
Người bệnh làm thủ tục đóng một phần viện phí trước khi khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội
Với lý do khó khăn trong hạch toán và bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), nhiều BV không hào hứng với những dịch vụ mà giá quy định thấp so với giá thành, thậm chí một số BV đã “xé rào” điều chỉnh viện phí.
Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh viện phí là cần thiết. “15 năm mà giá không đổi thì đúng là cần đổi thật, dù từ vài năm trước, các BV đã tăng rồi” - ông Nguyễn Văn Ninh, có người nhà đang điều trị ung thư tại BV Bạch Mai - Hà Nội, chia sẻ.
Nặng gánh người nghèo
Bộ Y tế khẳng định người nghèo không phải lo vấn đề tăng viện phí vì hiện người nghèo, người cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, người có công, người già... đều đã có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT. Thực tế không hẳn vậy. Đơn cử những người chạy thận nhân tạo.
Với quy định của BHYT hiện nay, họ phải trả 5%-20% phí điều trị, một con số không nhỏ đối với người ở BV nhiều hơn ở nhà. Điều chỉnh viện phí, gánh nặng chi trả của họ sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn Hoàng, đang điều trị ung thư tại BV K - Hà Nội, lo lắng: “Tôi có thẻ BHYT, chỉ phải đóng 20% nhưng mỗi đợt điều trị hóa chất cũng hết 5-6 triệu đồng, chưa kể tiền sinh hoạt hằng ngày. Nếu viện phí tăng, chắc chắn khoản cùng chi trả của tôi cũng sẽ tăng”.
Theo TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế VN, thẻ BHYT góp phần làm giảm chi phí y tế cho người dân nhưng người nghèo vẫn phải trả thêm một khoản chi phí đáng kể cho các loại thuốc không được BHYT thanh toán và các chi phí gián tiếp khác.
Vì vậy, khoản tiền người dân chi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã trở thành gánh nặng trong chi tiêu của họ, nhất là người nghèo. “Để người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng viện phí, nên bỏ quy định cùng chi trả 5%-20% viện phí cho đối tượng này, đồng thời hỗ trợ họ một phần chi phí đi lại, sinh hoạt”- ông Kính đề nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết với người có BHYT đến khám bệnh đúng tuyến, BV vẫn thu phí theo quy định là 3.000 đồng/lần nhưng theo tính toán của BV, chi phí cho một lần khám bệnh tối thiểu 50.000 đồng và giá tiền giường là 100.000 đồng/người/ngày điều trị.
Chưa nên tăng đồng loạt
GS-viện sĩ Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho rằng trong số 70 gói dịch vụ y tế sẽ tăng 7-10 lần, nếu được thông qua chỉ nên làm thí điểm vài gói, không nên một lúc tăng cả. Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia y tế cho biết kể cả với chính sách thu một phần viện phí cũ, đã có không ít người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất chỉ sau một cơn bạo bệnh.
“Tôi đã từng chứng kiến nhiều người bệnh phải bán nhà cửa, đất đai, ruộng vườn trả viện phí. Không ít người chồng đã bỏ rơi vợ con đang điều trị tại BV. Nước ta có gần 40% dân số vẫn còn nằm ngoài BHYT, họ sẽ đối phó thế nào khi cơn bệnh ập đến với giá viện phí tăng cao ngất ngưởng nếu dự thảo này được thông qua? Với khả năng kinh tế của người dân hiện nay, chưa nên tăng đồng loạt viện phí”- một bác sĩ băn khoăn.
|
Hiện nay, viện phí thấp là bởi có sự hỗ trợ của Nhà nước, người giàu và người nghèo đều được hưởng chung. Điều này là không công bằng đối với người nghèo. Trong khi đó, nếu thu đúng đối tượng cần thu, ngân sách Nhà nước sẽ có nguồn đầu tư để nâng cao chất lượng KCB và giảm tải ở tuyến trên.
Phí bảo hiểm cũng tăng
Theo một thống kê năm 2007, 34,5% người bệnh nội trú thu nhập trung bình không có BHYT phải vay nợ để trả chi phí cho điều trị. Một khảo sát khác trong năm 2010 về chi phí điều trị đối với người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Khoa Chống đau BV K cho thấy chi phí cho BHYT chi trả chỉ chiếm 35%, còn lại là thuốc tự mua (13%), viện phí phải đóng góp (6,5%) và các chi phí ăn ở, sinh hoạt... chiếm tới 45%. Mức chi phí cao nhất mà một người bệnh ung thư phải chi trả trong một tháng điều trị là gần 60 triệu đồng và mức trung bình khoảng 17 triệu đồng.
GS-TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng các chi phí cho chăm sóc sức khỏe chịu sức ép mang tính “bắt buộc” cao hơn so với các dịch vụ khác. Quyết định loại việc cần chi không do người bệnh đưa ra mà do thầy thuốc nên người bệnh luôn ở thế bị động.
“Sau khi chi trả viện phí, người nghèo thường nghèo hơn và người thuộc tầng lớp trung lưu nhiều khả năng rơi xuống tầng lớp nghèo. Đó là lý do vì sao người ta coi chi trả trong chăm sóc sức khỏe là nguyên nhân thường dẫn đến đói nghèo và viện phí được coi như “bẫy nghèo đói” đối với nhiều gia đình” - GS Hùng nhận xét.
Theo tính toán của các cơ quan quản lý, nhiều khả năng giá viện phí mới sẽ được thực hiện trong năm 2011. Cùng với việc tăng viện phí thì tăng mức thu BHYT cũng đang được cơ quan bảo hiểm tính đến.
Theo lý giải của cơ quan bảo hiểm, nếu mức thanh toán viện phí tăng lên mà phí mua BHYT không tăng thì quỹ bảo hiểm sẽ bị “vỡ”. Như vậy, viện phí tăng không chỉ là gánh nặng của người nghèo mà nhiều người bệnh khác có hay không có thẻ BHYT cũng thực sự lo ngại khi hàng trăm giá dịch vụ y tế cùng tăng một lúc.