Viễn cảnh thế giới thừa hàng tỷ liều vaccine Covid-19

 Như vậy, thế giới đối mặt với nguy cơ dư thừa vaccine Covid-19, sau thời gian chạy đua phát triển sản xuất. Airfinity dự báo xu hướng này khiến doanh số bán hàng của các hãng dược lớn như Pfizer, AstraZeneca trở nên ảm đạm hậu Covid-19. Nó cũng tạo ra nhiều vấn đề đối với các cường quốc sản xuất vaccine như Ấn Độ, Indonesia. Các nước sẽ phải vật lộn với tình trạng thừa nguồn cung.

Dù nhiều quốc gia cần tiêm liều vaccine thứ 4, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng từ năm ngoái đã giảm dần. Hiện tượng thừa vaccine, đặc biệt tại các nước đang phát triển có xu hướng xảy ra nhiều hơn.

Các nước đã tiêm tổng cộng 11 tỷ liều vaccine. Nước thu nhập thấp tiếp cận ngày càng nhiều vaccine để chạy đua tiêm chủng. Sau thời gian đầu vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung tầm trọng vào năm ngoái, các nhà lãnh đạo sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 1 cho biết nguồn dự trữ đang vượt quá nhu cầu. Thách thức giờ đây chỉ còn là khả năng phân phối, tiếp nhận và tình trạng do dự tiêm chủng tại những nơi như châu Phi.

Scott Rosenstein, cố vấn chăm sóc sức khỏe của Tập đoàn Eurasia, nói: "Cung đang vượt quá cầu ở hầu hết các nơi trên thế giới, ngay cả khi nhiều nước đang tiêm tăng cường. Tình trạng này vẫn sẽ tiếp diễn trừ khi có một biến chủng thực sự nguy hiểm xuất hiện".

Nhu cầu vaccine giảm do người dân nhận thức được Omicron không gây triệu chứng nặng, tỷ lệ nhập viện thấp. Vaccine vẫn hiệu quả ngăn ngừa tử vong. Số liều tiêm cần thiết trong những năm tới dự kiến giảm so với những ngày đầu của đại dịch. Trong khi đó, ngày càng nhiều nhà sản xuất tham gia vào thị trường.

"Một trong những câu hỏi lớn thời gian tới là chúng ta phải làm gì với năng lực sản xuất vaccine lớn đến vậy, trong khi nhu cầu giảm dần", tiến sĩ Rosenstein nói.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Lyon, Pháp tháng trước. Ảnh: AFP

Theo Airfinity, doanh số bán vaccine AstraZeneca sẽ giảm trong năm 2022, sau khi đạt 4 tỷ USD vào năm ngoái. Doanh thu từ vaccine của Pfizer trong năm 2021 là 36,8 tỷ USD, trong năm 2022 dự kiến là 32 tỷ USD.

Vấn đề nguồn cung có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại các nước có ngành công nghiệp vaccine phát triển như Ấn Độ. Nước này đang chật vật vì dư cung trong nước và toàn cầu. Một số chuyên gia đặt câu hỏi về tính cần thiết của liều vaccine thứ 4, cho rằng hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của chúng sẽ giảm nhanh sau vài tuần.

Biological E, nhà sản xuất lớn có trụ sở tại thành phố Hyderabad, đã đầu tư khoảng 15 tỷ rupee (195 triệu USD) để tăng gấp đôi công suất vaccine trong thời kỳ đại dịch lên khoảng 4 triệu liều mỗi ngày. Vaccine của hãng là Corbevax được cấp phép hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, khi hầu hết người trưởng thành ở Ấn Độ đã được tiêm chủng hai liều tiêu chuẩn, chính phủ không mặn mà mở rộng chương trình tiêm nhắc lại. Hiện giới chức chỉ mua 300 triệu liều Corbevax, chưa có ý định mua thêm.

Biological E không phải là nhà sản xuất duy nhất đối mặt với tình trạng này. Vaccine của hãng dược Zydus Lifesciences cũng được phê duyệt vào năm ngoái. Giám đốc điều hành Sharvil Patel cho biết chính phủ mới đặt hàng 10 triệu liều.

Thục Linh (Theo Time of India)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14381
Số người truy cập:
9011195