Tòa Tối cao Liên bang giải thích rằng sự hiện diện của máy quay phim sẽ tác động tới cách cư xử, tâm lý của những người ở phiên xét xử. Ví dụ, nhân chứng sẽ căng thẳng hơn, bị đơn cố đóng kịch để lấy lòng thương cảm. Đặc biệt, các bên đương sự còn có thể biến tòa án thành nơi "biểu diễn" và sẽ đạt được mục địch nhờ vào hiệu quả của truyền thông.
Ngoài ra, việc ghi hình còn bị cho rằng có thể xâm phạm tới sự riêng tư của bị cáo, nạn nhân và nhân chứng. Điều này đặc biệt quan trọng trong những vụ án xâm hại tình dục hoặc liên quan tới trẻ em.
Tòa Tối cao cũng lo ngại xảy ra sai sót trong quá trình phát sóng hoặc có hành vi cố ý xuyên tạc diễn biến tại tòa, từ đó ảnh hưởng tới uy tín của hệ thống tư pháp.
Năm 1972, Hội đồng thẩm phán Mỹ ban bố lệnh cấm với hành vi “phát sóng, truyền hình, thu âm, hoặc chụp ảnh trong phòng xử án”. Điều này được chính thức ghi nhận trong Bộ quy tắc Ứng xử của Thẩm phán Mỹ và được áp dụng cho cả vụ án hình sự và vụ việc dân sự.
Ký họa cảnh luật sư hỏi nhân chứng. Ảnh: BBC |
Dù bị cấm ở tòa Tối cao, song trong những năm 1990, Hội đồng thẩm phán đã thí điểm ghi hình phiên tòa ở các tòa án Liên bang cấp quận (trên cấp quận là tòa phúc thẩm Liên bang, cao nhất là tòa Tối cao Liên bang).
Sau kết quả thí điểm khá thành công và cũng sau nhiều lần đệ trình, năm 2009, một đạo luật đã được thông qua trao cho thẩm phán tòa phúc thẩm hoặc tòa cấp quận quyền cho phép chụp ảnh, thu âm kĩ thuật số hoặc phát sóng diễn biến phiên xét xử trước công chúng trong những vụ việc thuộc thẩm quyền của thẩm phán đó.
Dù vậy, cánh cửa của tòa Tối cao Liên bang vẫn đóng kín với việc chụp ảnh và quay phim. Những năm gần đây, một số thành viên của Nghị viện và cả giới truyền thông đã đề xuất tòa cho phép phát sóng diễn biến phiên xét xử song đều bị từ chối.
Làm sao để biết được những gì diễn ra trong phiên xét xử?
Hàng trăm năm nay, những bức ký họa bằng bút chì hoặc sáp màu đã hé mở cho báo chí và công chúng một khung cửa sổ dẫn tới căn phòng của công lý. Trong giai đoạn đầu đưa tin về diễn biến ở tòa án, nhu cầu đó được thỏa mãn với sự xuất hiện của những họa sĩ ký họa tại tòa.
Công việc của họ là nắm bắt được những khoảnh khắc then chốt trong phiên tòa, bao gồm biểu cảm, cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể của nhân vật. Các họa sĩ phải làm việc trong môi trường trang nghiêm của tòa án, chỉ cần sơ sảy gây mất trật tự trong phòng xử án có thể bị đuổi ra ngoài, thậm chí bị kết tội “khinh miệt tòa án”. Đôi khi nhân chứng chỉ xuất hiện trước tòa trong năm phút ngắn ngủi và người họa sĩ sẽ phải ghi nhớ chi tiết khuôn mặt để vẽ lại sau khi phiên tòa kết thúc.
Tùy vào từng vụ việc, họa sĩ phải cho ra 3-6 bức ký họa trong mỗi phiên xét xử. Với những vụ việc thu hút nhiều người tham dự, nếu tới muộn, họa sĩ có thể còn phải đứng ở cuối phòng để vẽ dù góc quan sát bị hạn chế.
Trước kia, công việc này là một nguồn thu nhập khá cho người họa sĩ ký họa tài năng vì những bức vẽ của họ là mối nối duy nhất giữa phiên tòa và công chúng. Nhiều đài truyền hình phải liên hệ với họ để mua bản quyền và để được đăng ảnh trên báo chí, thậm chí cả luật sư và thẩm phán cũng mua tranh của chính mình trên phiên tòa để giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng giờ đây, khi công nghệ dần bước chân vào phòng xử án, nhu cầu với họa sĩ ký họa cũng giảm dần.