Chiều 27-12, anh Trần Đình Khánh (SN 1979), thủy thủ sống sót trong vụ chìm tàu In Sung 1 ở Nam Cực làm 22 người chết và mất tích (trong đó có 4 người VN) đã trở về nhà tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Anh Khánh (ngoài cùng bên phải) cùng anh Nguyễn Mậu Hiền
và một thuyền viên Indonesia chới với giữa biển Nam Cực (ảnh do anh Khánh cung cấp)
Thoát chết hy hữu
Trong ngôi nhà nhỏ vừa mới xây, tiếng nói cười, lời chúc mừng xen lẫn nước mắt của người thân và bạn bè. Anh Khánh kể ngày 3-12, tàu In Sung 1 rời cảng tại New Zealand, đánh bắt 10 ngày được 15 tấn cá thì gặp nạn.
Lúc 6 giờ ngày 13 -12, bếp trưởng gọi tất cả các thuyền viên thức dậy để làm việc, khoảng 30 phút sau tàu bị chìm. Trên tàu, có 42 người nhưng chỉ 20 người được cứu sống. Trong số 11 thuyền viên người VN trên tàu có 1 người chết, 3 người mất tích.
“Khi tàu chìm, tôi cũng mặc áo phao nhưng vì buộc không chặt nên bị tuột, tôi đã ôm lấy một khúc gỗ. Lúc này, có 2 người nữa là anh Nguyễn Mậu Hiền (ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) và một thuyền viên người Indonesia cũng ôm lấy mỗi người một khúc gỗ. Sau đó, ba chúng tôi bơi lại gần nhau và kết thành bè để bám vào”- anh Khánh nhớ lại, trên khuôn mặt vẫn còn đọng lại nỗi kinh hoàng.
Anh Khánh cho biết lúc đó anh xác định là mình sẽ chết vì trên người không còn áo phao, nước biển lạnh từ - 8 đến - 90C.
Sau khoảng 40 phút, trong lúc tuyệt vọng thì một tàu cá khác là Hong Jin 707 chạy đến. Nhưng tàu này không tiếp cận được với anh nên phải bắn phao cứu sinh đến. Lúc đó, tay anh đã lạnh cóng, không cử động được, anh nhanh trí dùng răng cắn lấy dây phao để họ kéo lên tàu mới thoát chết.
Khi được hỏi về 4 nạn nhân chết và mất tích, vẻ mặt anh Khánh đượm buồn. Anh cho biết: Anh Nguyễn Văn Tương và Nguyễn Văn Thành tuy có phao nhưng đã chết vì lạnh.
Trả giá đắt vì sơ suất
Ngày 23-12, tàu Hong Jin 707 đã đưa anh Khánh và các thuyền viên được cứu sống cùng thi thể các nạn nhân về cảng Pluff thuộc đảo Nam của New Zealand. Sau đó, các anh được đưa về TP New Zealand, được bố trí chỗ ăn ở và đến ngày 25-12, các anh lên máy bay đến Hàn Quốc, sau đó về VN.
Theo anh Khánh, tàu In Sung 1 là tàu đánh cá mè ru (cá tuyết) của Hàn Quốc. Đây là tàu lớn nhất trong số tàu đánh bắt ở vùng biển này. Trên tàu chở đến 800 tấn dầu, nếu đánh bắt đầy thuyền thì tàu chứa khoảng 300 tấn cá.
Tàu gặp nạn lúc đã thả câu, với hàng trăm cục chì, mỗi cục nặng từ 50-70 kg để dìm lưỡi câu xuống đáy biển; ngoài ra, loại nặng 5-6 kg có hơn ngàn cục.
Anh Khánh cho biết thêm thường từ 5-7 ngày thì khoang tàu mở để kéo lưỡi câu ở mạn tàu được đóng lại, nhưng không hiểu sao đã quá 7 ngày mà khoang này vẫn không được đóng. Khi gặp sóng to, nước biển tràn vào tàu theo khoang mở ấy, làm tàu nghiêng và bị chìm.
Không thấy công ty đại diện
Anh Khanh cho biết anh và một số thủy thủ được Công ty LOD ở Haâ Nöåi àûa sang Hàn Quốc làm thuyền viên. Công việc rất vất vả, làm việc theo ca 12 giờ mỗi ca và được ngủ 6 giờ. Lương của anh là 220 USD/tháng, sau khi trừ các khoản, coân laåi 190 USD. Anh Khánh cho biết lúc 0 giờ ngày 26-12, nhóm của anh về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), chờ khoảng 30 phút nhưng không thấy đại diện của Công ty LOD ra đón. S
áng hôm sau, anh tìm đến Công ty LOD ở 99 Lê Duẩn nhưng công ty đã chuyển về quận Cầu Giấy. Các anh đã đi tìm ba lần nhưng không thấy nên sáng 27-12, anh về quê. Trong số 4 người quê ở Haâ Tĩnh được cứu sống thì anh Khánh và anh Lê Quang Rực đã về quê; còn anh Nguyễn Mậu Hiền và anh Nguyễn Văn Nam vẫn đang ở Hà Nội để tìm Công ty LOD.
|