Sau đó ứng dụng hiện ra hai lựa chọn là đăng ký mức 1 (trực tuyến) và mức 2 (thực hiện trực tiếp tại công an phường). Duy chọn mức 1.
Tuy nhiên khi quét mã QR Code từ Căn cước công dân gắn chip, hệ thống liên tục báo lỗi. Anh đành tự nhập các thông tin cá nhân trên căn cước vào ứng dụng. Cuối cùng khi đến phần quét khuôn mặt, hệ thống cảnh báo "không nhắm mắt, đeo kính hoặc khẩu trang, không chụp quá mờ hoặc loá sáng".
Chiều 23/10, Duy làm đúng theo hướng dẫn và "đưa mặt gần, xa, lên, xuống" trước camera nhưng hệ thống liên tục báo "không thể nhận diện khuôn mặt". Gọi lên tổng đài phản ánh và nhờ hướng dẫn thêm nhưng không thấy phản hồi, Duy đành bỏ cuộc.
Giống như Duy, chị Hằng cũng đăng ký tài khoản định danh mức một nhưng gặp lỗi ở phần quét QR Code ở căn cước công dân và quét khuôn mặt. Sau chừng 5 lần quét khuôn mặt, hệ thống báo đã xử lý thành công. Tuy nhiên, Hằng chờ hơn một ngày, từ sáng 22/10, nhưng khi đăng nhập app vẫn báo "đang kiểm tra hồ sơ trước khi xử lý".
Nhiều người dân khác cũng phản ánh gặp lỗi khi đăng ký, đăng nhập VNeID như không khôi phục lại được mật khẩu, sai thông tin hoặc đăng nhập trên điện thoại mới phải có mã QR Code từ thiết bị cũ. "Hơn nữa, để cài được ứng dụng, điện thoại thông minh phải từ iOS từ 13.0 trở lên nên tôi thấy rất bất tiện, không phù hợp với số đông", một người nói.
Ngoài những trường hợp gặp lỗi, nhiều người đã đăng nhập để dùng được ứng dụng. Đại diện C06 Bộ Công an cho biết cả nước đã phê duyệt cấp hơn 11 triệu tài khoản định danh điện tử, trong đó có hơn 150.000 đăng ký mức 1. Nhà quản lý cũng duyệt tích hợp hơn 1 triệu thông tin bảo hiểm y tế, hơn 200.000 giấy phép lái xe.
Đầu tháng 4, khi làm Căn cước công dân gắn chip, một công dân ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đăng ký xác thực tài khoản định danh điện tử mức 2 và đã được phê duyệt. Bởi thế, khi tải ứng dụng VNeID, anh chỉ cần đăng nhập bằng mã số Căn cước công dân và số điện thoại là thành công. Truy cập ứng dụng, anh thấy hiện luôn Căn cước công dân gắn chíp và các giấy tờ đã tích hợp trên app.
Ngày 23/10, đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06 Bộ Công an), cho biết mỗi ngày, trung tâm phải xử lý hàng nghìn hồ sơ, phê duyệt tích hợp. Bởi thế việc thu nhận thông tin, duyệt hồ sơ đăng ký định danh điện tử của người dân cần phải có quy trình, đảm bảo tính bảo mật.
Khi người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử phải cung cấp hình ảnh, sinh trắc học (ảnh thẻ, vân tay), sau đó trung tâm sẽ đối chiếu với thông tin trên hệ thống, trùng khớp sẽ được duyệt ngay. "Có người dữ liệu chưa chính xác hoặc chụp ảnh xác thực không đúng cách dẫn đến hệ thống không thể duyệt hồ sơ. Có trường hợp, cán bộ không thể duyệt thủ công mà phải nhìn bằng mắt để đánh giá xem chính xác không", người đại diện nói.
Với mức độ 2, không phải công dân cung cấp giấy tờ cho công an khu vực là được tích hợp ngay. Khi nhận thông tin, trung tâm phải gọi đến các cơ quan chủ quản như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, Bộ Giao thông vận tải... để đối chiếu.
Theo đại diện trung tâm, tài khoản định danh điện tử không giống như những tài khoản mạng xã hội thông thường khác để có thể đăng ký dễ dàng. Trung tâm luôn phải làm từng bước để đảm bảo tính chính xác, độ bảo mật cao, tránh tình trạng đăng ký hộ hoặc giả mạo. Bởi vậy, trung tâm khuyến cáo người dân không nên nóng vội, mà hãy bình tĩnh xử lý từng bước một.
Trung tâm cũng nhận được các phản ánh về lỗi thường gặp nhưng cho rằng "chỉ chiếm % rất nhỏ" so với các trường hợp đăng ký thành công. Việc quét QR Code gặp lỗi có thể do camera điện thoại mờ, không tương thích hoặc người dân quét không đúng cách. Lỗi về đặt lại mật khẩu đã được khắc phục nhưng khi người dân lấy lại mật khẩu, trung tâm lại phải đối sánh với cơ sở dữ liệu để tránh giả mạo.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ có phiên bản VNeID mới hơn, bổ sung phục vụ người dùng, khắc phục các lỗi thường gặp. Trong đó sẽ bổ sung phương thức công dân ra trực tiếp công an khu vực để reset thiết bị khi đổi máy điện thoại hoặc sử dụng thiết bị có tính năng reset tài khoản.
Định danh điện tử là gì?
Định danh điện tử là một tài khoản được tạo lập và xác thực trên hệ thống VNeID của Bộ Công an. Người dân sẽ dùng mã số định danh cá nhân (chính là mã số trên Căn cước công dân gắn chíp) và số điện thoại hoặc email để đăng ký. Người chưa có Căn cước công dân sẽ đăng ký tài khoản định danh điện tử khi làm căn cước mới.
Tài khoản này chỉ cấp cho những người có nhu cầu đăng ký. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh Việt Nam hoặc tổ chức hoạt động tại Việt Nam sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử. Trường hợp chưa đủ 14 tuổi sẽ được đăng ký theo tài khoản định danh của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Khi đăng ký và được nhà quản lý xác thực thành công, công dân truy cập ứng dụng VNeID sẽ hiện ra các thông tin như thẻ Căn cước công dân và các loại giấy tờ tuỳ thân đã được đồng bộ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Có tài khoản này, khi làm các thủ tục hành chính cần xuất trình giấy tờ, công dân chỉ cần mở ứng dụng và trình các giấy tờ đã tích hợp trong ứng dụng cho đơn vị yêu cầu.
Theo Nghị định 59 quy định về định danh và xác thực điện tử, từ 20/10 người dân có thể dùng thông tin định danh điện tử để chứng minh nhân thân, thay cho thẻ căn cước công dân gắn chip bản cứng.
Phạm Dự