Câu hỏi trên là một trong số các ý kiến được các luật sư nêu suốt 7 giờ tranh tụng trong ngày 22/11, buổi thứ hai xét xử 8 bị cáo trong vụ thất thoát 3,94 triệu USD ngân sách nhà nước xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược Cửu Long và Bộ Y tế từ năm 2006.
Cựu thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang vắng mặt do nhập viện, được VKS đề nghị 30-36 tháng tù treo do cao tuổi, sức khỏe kém, có nhiều thành tích trong công tác.
Cùng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 như ông Quang, 4 bị cáo là các cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế, bị VKS đề nghị 18 tháng tù treo đến 36 tháng tù giam. Trong đó nặng nhất là ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Quản lý Dược) với 30-36 tháng tù giam.
Ông Hùng bị cáo buộc với tư cách trưởng Đoàn kiểm tra liên Bộ Y tế - Tài chính, kiểm tra việc mua, sản xuất và việc thanh lý hợp đồng giữa Bộ Y tế và Dược Cửu Long song không chỉ đạo kiểm tra trực tiếp sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính và hạch toán số tiền 3,84 triệu USD; không tổng hợp lấy ý kiến liên ngành để làm rõ số tiền 3,84 triệu USD mà chỉ dựa vào báo cáo của Dược Cửu Long.
Bảo vệ ông Hùng, luật sư Vũ Tuấn Nghĩa cho rằng thân chủ là cán bộ ngành dược song ông Quang phân công làm Trưởng Đoàn kiểm tra các vấn đề tài chính là không đúng chuyên môn. Do đó, đương nhiên "không thể phát hiện sai phạm về tài chính của doanh nghiệp".
Nói "không có ý so sánh" hình phạt VKS đề nghị cho ông Quang và cho thân chủ, song luật sư cho rằng mức đề nghị này chưa thực sự hợp lý. Theo luật sư, ông Quang là cấp trên của ông Hùng nên trách nhiệm phải cao hơn. Nhưng ông Hùng lại bị cơ quan công tố đề nghị 30-36 tháng tù giam, tức nặng hơn.
Đối đáp, đại diện VKS phân tích, ông Hùng không tham gia Đoàn kiểm tra liên bộ với tư cách kiểm tra viên, mà là trưởng đoàn, tức có trách nhiệm quán xuyến, bao quát, nắm được nguyên tắc, quy trình và kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra "hoàn toàn không rà soát các hợp đồng, tuyệt nhiên không rà soát các điều khoản về giảm giá và do đó đã báo cáo sai".
Khi các thành viên của Đoàn kiểm tra, thuộc Bộ Tài chính, gửi văn văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra lại khoản 3,84 triệu USD Cửu Long được nợ. Ông Quang tiếp nhận văn bản này và giao trách nhiệm xử lý cho ông Hùng, song ông Hùng vẫn không thực hiện.
"Bị cáo đã đọc văn bản kiến nghị của Bộ Tài chính về 3,84 triệu USD đó chưa? Tại sao là cấp tham mưu lại không đề xuất cấp trên biện pháp xử lý? Nếu bị cáo đề xuất mà cấp trên nói không cần, thì đó mới gọi là tròn trách nhiệm", VKS phân tích và khẳng định, việc luật sư đề nghị rút quyết định truy tố với ông Hùng là không có căn cứ.
"Được giao kiểm tra mà thấy bản thân không đủ năng lực phải mạnh dạn từ chối, đó mới là có trách nhiệm. Đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành, không thì đứng sang một bên, để người đủ năng lực làm", công tố viên đối đáp.
Về vấn đề tại sao cựu thứ trưởng Quang được đề nghị mức án nhẹ hơn cấp dưới, Nguyễn Minh Hùng, công tố viên đánh giá tuy ông Quang ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra nhưng trách nhiệm chính là ông Hùng do "không làm tròn trách nhiệm nhưng về vẫn báo cáo đã hoàn thành".
"Bị cáo Hùng không làm tròn ở cả hai vai trò, trưởng Đoàn kiểm tra và thực hiện chỉ đạo của thứ trưởng Quang, vì thế phải chịu trách nhiệm cao hơn bị cáo Quang. Song mức độ sai phạm của hai người không chênh lệch nhiều, VKS đã đề nghị mức hình phạt không cách biệt quá lớn", công tố viên giải thích.
Cựu thứ trưởng Quang là một trong ba bị cáo được VKS đề nghị án treo trong phần luận tội trưa 22/11. Luật sư của ông tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn mức VKS đề nghị, 30-36 tháng tù treo, do thân chủ hiện sức khỏe yếu, đồng thời đề nghị tòa giải phong tỏa với các tài sản của vợ chồng ông Quang đang bị kê biên.
Công tố viên cho hay, nguyên tắc bồi thường là ai sai phạm dẫn đến thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả. Việc kê biên các tài sản để đảm bảo thi hành án là có căn cứ, VKS do đó đề nghị tiếp tục thực hiện, không chấp thuận đề nghị của vợ ông Quang.
Bào chữa cho 3 bị cáo còn lại, đều là cựu lãnh đạo Dược Cửu Long, các luật sư đồng ý với cáo trạng và tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ song đề nghị xem xét mức độ, bối cảnh xảy ra sai phạm, các yếu tố giảm nhẹ để "hạ hơn nữa hình phạt".
Công tố viên cho hay, các bị cáo bị truy tố với khung hình phạt 10-15 năm tù, song VKS đã cân nhắc đến tính nhân văn của pháp luật. Vì thế, VKS đề nghị mức án với cả ba bị cáo đều dưới khung.
Cụ thể, cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long Lương Văn Hóa bị đề nghị 9-10 năm tù. Hai cấp dưới của ông Hóa, Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng) và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc chi nhánh TP HCM) cùng 6-7 năm tù.
Theo VKS, vụ án này xảy ra rất lâu, tài liệu nhiều, số liệu lớn, việc các bị cáo quên là điều bình thường. Song lời khai nhận tội của những người này đều nhất quán, "không quanh co, không đổ lỗi, rất bản lĩnh".
Cáo trạng xác định, năm 2006, Bộ Y tế và Bộ Tài chính nhận chỉ đạo của Thủ tướng, ký hợp đồng sản xuất thuốc Tamiflu phòng chống cúm A (H5N1) với các doanh nghiệp, trong đó có Dược Cửu Long.
Trong quá trình đàm phán, Dược Cửu Long được phía cung cấp nguyên liệu giảm giá 3,84 triệu USD song không báo cáo lại Bộ Y tế mà tạo dựng các tài liệu giả, che giấu số tiền này đem dùng vào việc khác.
Tháng 10/2008, liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính lập Đoàn kiểm tra các vấn đề liên quan mua, bảo quản, dự trữ thuốc Tamiflu, song không làm hết trách nhiệm, bỏ lọt sai phạm này.
Ông Quang khi đó là Thứ trưởng Y tế, bị cáo buộc biết rõ Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,84 triệu USD nhưng không chỉ đạo kiểm tra.
Khi Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Y tế làm rõ bản chất số tiền trên, ông Quang không làm. Hành vi của cựu Thứ trưởng bị đánh giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 3,84 triệu USD.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp giữa luật sư và công tố viên.
Thanh Lam