1. Cơn mưa bất chợt đầu giờ chiều không làm vơi bớt không khí ngột ngạt, oi nồng của tiết trời giữa hạ Tây Bắc. Tôi ngồi đối diện với Vừ A Tủa trong căn phòng lấy cung của Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên. Tủa trông vẫn khỏe mạnh, chỉ có nước da trắng xanh, hơi nhợt nhạt của người phải ở trong trại giam lâu ngày.
Theo lời kể của Thượng tá Nguyễn Văn Nhuệ, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên, sau phiên tòa phúc thẩm, Vừ A Tủa có biểu hiện hoảng loạn và bất cần đời. Con người ta dù có dũng khí đến đâu cũng khó giữ được tâm trạng bình thường khi thực sự đối mặt và chờ đợi cái chết. Cán bộ quản giáo phải gặp gỡ, nói chuyện, đả thông tư tưởng cho Tủa. Trại tạm giam tạo điều kiện để hàng tháng vợ và 4 đứa con Tủa lại lặn lội tay xách nách mang, vượt mấy chục cây số từ Na Ư xuống thăm chồng. Những cuộc gặp gỡ dù ngắn ngủi nhưng cũng làm anh ta vơi bớt những suy nghĩ tiêu cực, hành động dại dột, dù mỗi lần vợ chồng con cái gặp là một lần đong đầy nước mắt trong nỗi đau khổ, xót xa, ân hận.
Buổi chiều hôm nay, Vừ A Tủa cởi mở hơn khi nói chuyện với tôi về cuộc đời của mình. Dù đọc rất kỹ hồ sơ của anh ta và tham dự phiên tòa sơ thẩm xét xử Vừ A Tủa, nhưng thú thực cho đến tận bây giờ, tôi vẫn ám ảnh và tự hỏi tại sao một thanh niên được học hành, từng có chí hướng như Tủa lại sớm sa ngã khi tuổi đời còn rất trẻ.
2. Quê Vừ A Tủa ở bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên. Na Ư bắt đầu nổi danh từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước khi được mệnh danh là "thung lũng chết" hay "Sicin của Tây Bắc". Vùng đất này vỏn vẹn có 4.000 dân nhưng tính sơ sơ cũng có đến 18 người bị kết án tử hình, 54 người bị kết án tù chung thân, hơn 70 đối tượng đang bị truy nã đặc biệt về tội danh liên quan đến ma túy. Tính theo lịch ta, Vừ A Tủa năm nay 34 tuổi. Ở Na Ư, thế hệ 7X cỡ tuổi như anh ta vắng bóng hẳn vì có đến vài chục người bị kết án tử hình hoặc dính vào vòng lao lý. Bố Tủa là ông Vừ Phá Đi, nhà nghèo, đông con nhưng ông vẫn cố gắng nuôi cho Tủa học hết trung học cơ sở và đó là mức học vấn không có nhiều ở Na Ư. Tủa nhanh nhẹn, hoạt bát, nói năng gẫy gọn nên nghỉ học ở nhà được mấy tháng, anh ta đã được "chọn mặt gửi vàng", cơ cấu tham gia hoạt động công tác đoàn ở địa phương.
Tủa vay vốn ngân hàng chính sách, mượn thêm anh em họ hàng để đầu tư phát triển trang trại, trồng rừng và chăn nuôi bò. Hồi đó, anh ta có sáng kiến tham mưu cho UBND xã tổ chức cho đoàn viên cốt cán xuống Điện Biên tham quan mô hình kinh tế trang trại, dự định của Tủa không chỉ trồng rừng mà còn tập trung nuôi ba ba, chăn nuôi nhím, làm giàu một cách chính đáng.
3. Tương lai sáng sủa trước mắt Tủa chợt vụt tắt. Khi vạt rừng trên đỉnh Con Cang bắt đầu phủ một màu xanh mướt và đàn bò trong trang trại của Vừ A Tủa sinh lứa bê đầu tiên thì chính thời điểm đó, Tủa bị các đối tượng xấu rủ rê. Chúng cũng là người Mông, nhưng đến từ bên kia biên giới, chúng còn trẻ nhưng đã "có đai có số" trong các đường dây ma túy xuyên quốc gia... Tủa bị lóa mắt trước khối tài sản khổng lồ và cách đốt tiền của đám bạn xấu. Sau những chuyến vượt biên sang Lào, đến tận tỉnh Xây Nhạ Bu Ly giáp biên với Thái Lan để du hí, chơi bời cả tuần lễ, Tủa bắt đầu bỏ bê trang trại, xao nhãng luôn cả công tác chuyên môn ở trụ sở.
Đã có lúc Tủa cầm trong tay tiền tỉ, dửng dưng ném cả vài ngàn đô vào một bữa nhậu trong cái nhà hàng người Hoa ở U Đom Say, nhưng năm thì mười họa anh ta mới đưa được cho vợ vài triệu đồng đóng tiền ăn học cho 4 đứa con. Vợ Tủa là Lý Thị Say - người đàn bà quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời cũng chỉ biết tần tảo ngày 2 buổi lên nương nuôi 4 đứa con, 2 trai 2 gái, mà không biết chồng mình bỗng dưng trở thành một "ông trùm" cộm cán trong đường dây ma túy xuyên quốc gia từ bao giờ...
Người đưa anh ta "vào đời" và bắt đầu trượt sâu vào vòng xoáy tội lỗi là Giàng A Minh - một đối tượng người Mông, quốc tịch Lào. Có lẽ "bản lĩnh" ông trùm đã làm Minh không khó để nhận ra và "đọc vị" con người của Vừ A Tủa để sau đó đưa con mồi sập bẫy. Sau này chính Minh còn giới thiệu và đứng ra bảo lãnh Tủa với các đối tượng trong đường dây ma túy ở Mường Mày, Phong Sa Lỳ (Lào); bày cho Tủa làm thế nào để lấy niềm tin cho các chủ hàng khi tham gia vào "chợ" (ma túy); giá cả, cách phân biệt chất lượng của từng loại ma túy; các "chiêu" có thể "qua mặt" lực lượng Biên phòng và Công an. Minh còn "hào phóng" cho Tủa mượn cả chục ngàn đô la để gom hàng, và không ai khác chính anh ta cũng "phím" cho Tủa những "địa chỉ đen" mua hàng ở bên kia biên giới với giá thấp nhất nhưng về Điện Biên, Tuần Giáo và Hà Nội lại bán được giá hời nhất.
- Bao người phải đi tù, bị tử hình vì ma túy mà anh không thấy sợ sao?
Vừ A Tủa cúi xuống vân vê tà áo tù, lí nhí trả lời câu hỏi của tôi:
- Biết cả cán bộ ạ, nhưng thấy tiền kiếm được ham quá.
Na Ư có hơn 16 cây số đường biên giới, có cả trăm đường tiểu ngạch, đường mòn chỉ cần bước quá chân là đã sang đến đất Lào nên Vừ A Tủa đi về như cơm bữa. Sau mỗi chuyến vượt biên, Tủa lại dắt vào bụng vài gam, lớn thì cả bánh hêrôin để mang về Điện Biên bán kiếm lời. Tủa kể, trong những lần gom hàng về Na Ư, anh ta cũng bị bộ đội biên phòng "vồ" trượt mấy lần. Có lần vừa đặt chân về đến đất Việt Nam ở khu vực Chua A Tăng, giữa đêm tối, anh ta phải liều mạng lao xuống vực sâu mấy chục mét, may mà bụi dây leo đã cứu mạng anh ta, nhưng 2 bánh hêrôin thì bị nước cuốn đi mất tăm.
"Đi đêm nhiều cũng có ngày gặp ma", Tủa thoát chết sau một vài lần lao xuống vực, nhưng buổi tối định mệnh ngày 18-4-2009, "thần may mắn" đã "nói không" với Vừ A Tủa. Trước đó, có một đối tượng bắn tin cần mua hêrôin, sau nhiều lần "thử thách", Tủa đã mang mẫu hàng cho anh ta xem và người khách này đồng ý mua với giá 8.000USD (khoảng 150 triệu đồng) một bánh. Tủa đã qua biên giới gom hàng, mang về Na Ư, giấu trong hang đá trên núi Búng Bửa. 21 giờ tối hôm đó, Vừ A Tủa bí mật lấy hàng, dắt theo con dao Mèo bén ngọt phòng thân rồi phi xe Win xuống núi. Tại km 15, quốc lộ 279 Điện Biên - Tây Trang, Tủa bất ngờ gặp phải tổ tuần tra của Đồn biên phòng Tây Trang. Anh ta rồ máy quay ngoắt 180 độ rồi ngoặt lên theo một con đường mòn xuống thẳng con sông Nậm Na để bỏ trốn. Nhưng bóc mẽ được các chiêu của Tủa, các mũi trinh sát của Đồn biên phòng Tây Trang đã đón lõng và chặn mọi ngả đường thoát thân của anh ta. Vừ A Tủa bị bắt quả tang cùng 6 bánh hêrôin, trọng lượng 2,1kg...
Là một người từng được học hành tử tế và tham gia công tác ở địa phương, Tủa tỉnh táo nhận ra một điều là phải khai báo thành khẩn để hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Tủa bảo rằng, từ ngày bị bắt, nhất là sau phiên tòa sơ thẩm bị kêu án tử hình, không đêm nào Tủa ngủ được. Không phải vì sợ thời khắc phải ra pháp trường mà anh ta thức để... ngẫm nghĩ sự đời!? Tủa nói rằng, chỉ khi phải trả giá người ta mới ngộ ra ác giả ác báo, nhân nào quả đấy. Tủa nhắn nhủ những bạn trẻ ở Na Ư đừng giống như anh ta dù thấy phía trước là vực thẳm nhưng vì tham lam, tối mắt vì đồng tiền mà vẫn bước.
Thời gian trong phòng biệt giam, Tủa đọc khá nhiều loại sách, báo của cán bộ quản giáo cho mượn. Đôi khi Tủa còn làm thơ, những câu thơ mộc mạc được chính anh âta đọc cho tôi nghe, đó là những lời ân hận, xót xa, khắc khoải trong nỗi thương vợ nhớ con... Nhờ trời 4 đứa con của anh ta lại ngoan và học giỏi, cậu lớn Vừ A Thu năm nay sẽ lên lớp 10, con gái út Vừ Thị Pa học lớp 3. Mỗi lần gặp vợ con, khát khao được sống như mãnh liệt hơn, nhưng Tủa biết, với hành vi rồ dại là vận chuyển, mua bán trái phép hơn 2kg hêrôin, cánh cửa cuộc đời Tủa dường như đã khép lại trong hy vọng mong manh...