Làng Thiếu niên Thủ Đức rộng hơn 2 ha, nằm ở lưng chừng một triền đồi đầy ắp mảng xanh. Lối vào nơi các bé ở sạch bong, nằm giữa hai hàng cây, những bồn hoa và thảm cỏ mượt mà. Nơi đó, những bảo mẫu, y - bác sĩ, cán bộ, nhân viên chúng tôi gặp đều thường trực nụ cười nhân hậu trên môi.
Tình thương được bù đắp
Sau một đêm ngủ trong vòng tay và lời ru của những bảo mẫu ở Làng Thiếu niên Thủ Đức, hầu hết các bé được đưa từ “chùa” Tiên Phước 2 về đều đã tươi tắn hẳn lên. Các em như đã “lột xác” hoàn toàn, không còn vẻ buồn bã của những ngày ở “địa ngục” của bà Nguyễn Thị Vân.
Giờ đây, bé nào cũng đã được cắt tóc gọn gàng, tắm gội sạch sẽ và tươm tất, thơm tho trong những bộ quần áo mới. Nguyễn Thanh An (Nghé) là bé nhỏ tuổi nhất và cũng là thành viên duy nhất gia nhập ngôi nhà của những trẻ sơ sinh.
Bé Tiến (Đào Quốc Khánh, giữa) và các bạn mới tại Làng Thiếu niên Thủ Đức
Trong những chiếc giường inox lót nệm trắng sạch tinh tươm đặt từng dãy trong căn phòng sáng sủa, các bé được các bảo mẫu nâng niu, chăm sóc ân cần, dịu dàng.
Trên tay bảo mẫu Phan Thị Thu Nga, bé Nghé như cảm nhận được lòng yêu thương thực sự kể từ ngày bị bỏ rơi khi mới chào đời. Nghé cười thật tươi, hai bàn tay nhỏ xíu vỗ vỗ liên hồi trên vai “người mẹ” mới. Xung quanh Nghé có rất nhiều bạn cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ, suốt ngày bi bô và nắc nẻ tiếng cười.
Tại ngôi nhà màu trắng cách chỗ Nghé ở một khoảng sân vườn là nơi cư trú của 11 bé lớn hơn. Những Hoa Sen, Hoa Huệ, Thanh Phương, Thanh Quý, Thanh Sang... đều có thế giới riêng của mình.
Khi chúng tôi đến, có bé đang ngủ say, có bé đang đứng nhún nhảy, cười hồn nhiên; một vài em mải mê đùa nghịch đồ chơi... Bảo mẫu Vũ Thị Bích Liễu cho biết: “Mới chuyển về từ chiều hôm trước (19-1) nhưng các bé tỏ ra rất thích các cô ở đây bởi trước giờ tụi nhỏ quá thiếu thốn tình thương của người lớn”.
Chắp cánh tuổi thơ
Kể từ khi thoát khỏi ngôi chùa giả Tiên Phước 2, bé Tiến (13 tuổi, tên thật là Đào Quốc Khánh) vui mừng thật sự, suốt ngày được tíu tít bên cha. Em không còn phải thức khuya dậy sớm để làm “vú em” cho hơn 10 trẻ nhỏ và làm ôsin để bà Vân sai khiến nữa.
Qua một ngày ở Làng Thiếu niên Thủ Đức, Tiến đã thân với 2 cậu bạn như đã quen biết trước từ bao giờ. Nguyễn Phát Tài (10 tuổi) và Bùi Thanh Bằng (8 tuổi) dắt Tiến đi ngắm cảnh trong “ngôi làng” xinh đẹp, nơi hai em đã sống nhiều năm qua. Đến giờ ăn, các bạn cũng dẫn Tiến đến phòng ăn để ngồi cùng bàn với nhau.
Tại phòng khách Làng Thiếu niên Thủ Đức, anh Đào Quốc Việt, ba của Tiến, cho biết anh đang gấp rút làm thủ tục theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để đón em về đoàn tụ sau 8 năm xa cách.
Về nhà, Tiến sẽ ở với mẹ kế và 2 em cùng cha khác mẹ. Rồi em sẽ sớm được học hành, vui chơi như bao bạn bè khác. Khoe bộ đồng phục mới với tôi, Tiến cười hiền, nói: “Con thích về nhà lắm. Ba nói ngoài giờ học ở trường, ba sẽ chở con đi học võ vào buổi tối nữa”.
Nét đăm chiêu thoáng qua gương mặt cậu bé khi chúng tôi hỏi về quãng thời gian “ở đợ” đã qua. Tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi tự phát của bà Nguyễn Thị Vân, tuổi thơ hồn nhiên của Tiến bị tước đoạt, em phải quần quật với hàng núi công việc mà một người đã trưởng thành cũng khó bề kham nổi.
Tiến cho biết hằng đêm em phải thức dậy ít nhất 2 lần, lúc 0 giờ và 4 giờ để cho các em nhỏ ăn, bú, thay tã, làm vệ sinh... Hễ có bé nào khóc, nhất là những bé bị ốm, Tiến cứ phải thức dậy liên tục để dỗ dành.
Nhiều nhà hảo tâm đến làm từ thiện tại Tiên Phước 2, thấy Tiến quá vất vả và hiền lành cũng hay cho tiền nhưng em đều phải nộp lại toàn bộ cho bà Vân; nếu giấu tiền, bị bà phát hiện thì Tiến sẽ no đòn.
Một vài lần do quá mệt mỏi, Tiến ngủ quên và bị bà Vân đánh bầm dập. “Thầy (cách gọi bà Vân của Tiến) đánh bằng cây hoặc dùng tay và chân. Mỗi lần thầy đánh, con không dám khóc mà chỉ quỳ xin thôi, khóc là thầy đánh tiếp” - Tiến kể. Em ước mơ lớn lên sẽ học làm bác sĩ nhi khoa.
Chung sức vì trẻ bất hạnh
Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, cho biết ngay khi tiếp nhận 13 trẻ từ Tiên Phước 2, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, theo dõi sức khỏe, bệnh trạng của từng bé.
Những tấm lòng sẻ chia
Kể từ khi khởi đăng loạt bài “Hốt bạc trên đầu trẻ mồ côi” (từ ngày 10 đến 19-1), Báo NLĐ đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi và thông tin quý báu từ độc giả trên mọi miền đất nước. Tiếng nói của bạn đọc đã góp phần vào việc giải cứu thành công các bé mồ côi tội nghiệp khỏi “chùa” Tiên Phước 2.
Và cũng rất đáng cảm kích khi một bạn đọc Báo NLĐ ở quận Bình Thạnh - TPHCM bày tỏ ý định đỡ đầu cho bé Tiến (Đào Quốc Khánh), giúp em ăn học thành người.
|
“Sau khi cắt tóc và tắm gội, chúng tôi đã cân đo để lập biểu đồ tăng trưởng cho các bé. Điều chúng tôi lo lắng nhất là hầu hết các bé đều chậm nói so với tuổi và có biểu hiện tinh thần, tình cảm không được bình thường lắm. May là hầu hết các bé còn nhỏ tuổi nên việc giáo dục sẽ mau chóng có tác dụng, sớm giúp các bé lấy lại nét hồn nhiên tuổi thơ” - ông Tuyến nói.
Làng Thiếu niên Thủ Đức có bề dày hơn 35 năm hoạt động. Hiện nơi này đang nuôi 170 em, từ sơ sinh cho đến hơn 18 tuổi, có cả học sinh các trường nghề và sinh viên CĐ, ĐH.
“Làng” có 15 căn nhà đạt chuẩn làm nơi ở cho trẻ mồ côi, 7 y - bác sĩ; riêng khu trẻ sơ sinh được bố trí 24 bảo mẫu (mỗi cô chăm sóc 2 bé).
Khi đến tuổi đi học, tất cả các thành viên ở đây đều được đến trường, được lo ăn học cho đến khi kiếm được việc làm và hoàn toàn có khả năng tự lập.
Ông Đinh Hữu Tuyến tâm sự: “Là một cơ sở bảo trợ xã hội công lập, chúng tôi luôn phấn đấu hết sức để làm tốt trách nhiệm của mình trước những mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, đơn vị không tránh khỏi những khó khăn, chật vật vì chế độ của Nhà nước có hạn. Chúng tôi mong xã hội sẽ chung sức cùng chăm lo cho trẻ mồ côi có một tương lai tốt đẹp hơn”.