Vào đại học từ lời trăng trối của cha

Nhà tôi có 7 người gồm bà nội, bố mẹ và 4 chị em chúng tôi nhưng thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán. Kinh tế khó khăn là vậy nhưng bố mẹ luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho chúng tôi, nhất là trong chuyện học hành.

Không phụ lòng bố mẹ, chị em tôi đều chăm chỉ học tập. Riêng tôi, ngay từ hồi cấp I đã có tiếng khắp vùng, nhất là sau khi tôi đạt giải Nhất hai môn Văn và Toán cấp tỉnh hồi lớp 5.

Với hai giải Nhất ấy, tôi được vào cả lớp chuyên Văn và chuyên Toán ở trường điểm của huyện. Bố mẹ tôi là nông dân, không hiểu biết nhiều để định hướng chọn lớp cho tôi. Hơn nữa, hồi đó, tôi cũng chưa thấy ham thích hay đam mê môn học nào hơn nên rất ngẫu nhiên, tôi đăng ký vào lớp chuyên Văn.

Với sự chăm chỉ, siêng năng và nền tảng vốn có, ngay từ đầu, tôi đã để lại ấn tượng tốt với cô giáo dạy Văn. Tôi nhớ mãi lời phê của cô trong bài kiểm tra đầu tiên: "Văn phong trong sáng, ý nhị. Có năng khiếu môn Văn". Lời khen của cô làm tôi sướng rơn lên. Mấy chữ "Có năng khiếu môn Văn" lúc nào cũng hiển hiện trước mắt tôi. Dù ở lớp hay về nhà, hễ khi nào có thời gian là tôi lại mang bài kiểm tra đó ra ngắm nghía... Từ đó, càng ngày tôi càng miệt mài chăm chỉ hơn, nhất là môn Văn.

Suốt 4 năm cấp II, tôi luôn đứng đầu lớp về môn Văn. Không chỉ thế, năm nào tôi cũng giật giải cao nhất của các kỳ thi học sinh giỏi Văn các cấp. Tôi còn tập tành làm thơ, viết báo và được đăng tải khá nhiều trên các báo dành cho tuổi mới lớn và sóng phát thanh của đài tỉnh.

Không bao lâu sau, tôi còn được kết nạp vào một bút nhóm viết báo khá nổi tiếng ở xứ Nghệ cũng như cả nước lúc bấy giờ. Là một học sinh nông thôn, tôi đã trở thành niềm tự hào của lớp, của trường, được các bạn bè thành phố nhìn với con mắt ngưỡng mộ. Cũng từ hồi đó, tôi đã mơ ước sau này sẽ trở thành một nhà báo.

Tốt nghiệp THCS, tôi dễ dàng thi đỗ vào vào lớp chuyên Văn của trường chuyên cấp tỉnh. Lớp chỉ có 30 bạn, toàn những học sinh xuất sắc ở các huyện về nên tôi không còn giữ được vị trí đứng đầu lớp như hồi trước nữa. Tuy vậy, tôi luôn là một trong những học sinh có thành tích học tập nổi trội của lớp, của trường. Ba năm THPT, tôi liên tục là học sinh giỏi tỉnh môn chuyên. Năm lớp 12, tôi được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi Quốc gia. Tôi lao vào ôn luyện với một quyết tâm cao... Nhưng, kỳ thi năm đó tôi đã thất bại.

Vốn đã quen với cảm giác luôn là người chiến thắng nên khỏi phải nói tôi đã buồn như thế nào trước kết quả này. Cũng từ kết quả đó, tôi còn linh cảm được một kết quả khác của tôi trong kỳ thi đại học sắp tới. Bởi kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia được tổ chức vào giữa tháng 3... Và thời gian trước đó, hầu như tôi chỉ chú tâm vào môn văn. Ở trường tôi, hầu như học sinh nào đi thi Quốc gia cũng đều hơn một lần được nghe các thầy cô "cảnh cáo": "Được ăn cả, ngã về không".

Tuy vậy, với quyết tâm "lội ngược dòng nước", sau khi thi xong tốt nghiệp, tôi lao vào học ôn quên ngày, quên đêm. Là niềm tự hào của gia đình, của cả họ, là học sinh trường chuyên... bao nhiêu suy nghĩ ấy cứ xoay vần trong đầu tôi.

Kỳ thi năm đó, tôi làm bài khá tốt với kết quả 23 điểm. Nhưng khoa Báo chí - ĐH KHXH & NV Hà Nội lấy điểm chuẩn 23,5. Nửa điểm đã đánh bật tôi... Không những thế, tôi còn không có cơ hội với nguyện vọng 2, 3 do tôi đăng ký các nguyện vọng sau đều có điểm chuẩn cao bằng hoặc cao hơn nguyện vọng 1...

Thời gian đó, tôi thực sự rơi vào hoảng loạn. Một cảm giác tội lỗi luôn thường trực trong tôi, nhất là với bố mẹ... Nhà làm nông, bà đã già yếu, các em còn nhỏ nhưng suốt 1 năm ở nhà ôn luyện, tôi luôn được bố mẹ tạo điều kiện toàn thời gian cho việc học.

Năm thứ hai, tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ. Nhưng sự thật thật khó tin. Dù làm bài khá tốt nhưng tôi chỉ được 3,5 điểm môn Địa lý. Xem kết quả mà đến mấy ngày sau tôi vẫn không tin được. Còn nhớ, hồi đó, mỗi ngày tôi đạp xe tới 3, 4 lần đến quán Internet cách nhà chừng 7-8 cây số với hy vọng phát hiện ra một sự nhầm lẫn nào đó. Nhưng...

Giữa lúc đó, gia đình tôi xảy ra một chuyện đau buồn. Bố tôi bị phát hiện bệnh ung thư dạ dày. Nỗi buồn đau bao trùm lấy căn nhà tôi. Riêng tôi, nỗi buồn như nhân lên gấp bội. Chưa bao giờ, tôi lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế. Và ý định gửi đơn phúc khảo dường như không còn nằm trong bộ nhớ của tôi. Thậm chí tôi còn không muốn đoái hoài đến các nguyện vọng bổ sung nữa...

Còn nước, còn tát. Để có tiền chạy thầy, chạy thuốc cho bố, mẹ tôi đã bán tài sản lớn nhất, chính là mảnh đất mà gia đình tôi dự định sẽ bán để nuôi tôi học đại học. Nhưng mọi sự cố gắng của mẹ con, bà cháu tôi cũng không thể giữ được bố chỉ sau 5 tháng phát bệnh. Lời cuối cùng bố trăng trối lại chính là những lời dành cho tôi với ước mong tôi sẽ vào được giảng đường đại học...

Mang trong tim hình ảnh cùng những ước mong cháy bỏng của bố, một lần nữa, tôi lại lao vào ôn luyện mà với tôi, đây thực sự là một cuộc chiến đấu. Nhà nghèo, đất đã bán, lại còn 3 đứa em trai đang tuổi ăn tuổi học, mẹ thì yếu... tôi đành gạt đi ước mơ trở thành nhà báo, thi vào ngành văn trường đại học sư phạm gần nhà để vừa không phải đi học xa vừa được miễn giảm học phí.

Năm 2004, sau 3 năm đeo đuổi hai chữ "Đại học", tôi đã đạt kết quả mỹ mãn. Theo học với một ngành học không phải là ao ước bấy lâu, có đôi lúc tôi cũng cảm thấy buồn chán. Nhưng mỗi lần nghĩ về bố, về mẹ, bà... tôi lại được tiếp thêm nguồn động lực lớn lao.

Suốt 4 năm đại học, tôi không những không phải xin tiền gia đình mà còn giúp cho các em tôi mua sách vở, quần áo từ tiền học bổng và tiền đi dạy thêm. Với thành tích xuất sắc trong học tập lẫn công tác đoàn đội , tôi đã tốt nghiệp thủ khoa và được kết nạp Đảng.

Giờ đây, tôi đã trở thành một cô giáo ở trường THPT gần nhà. Ngoài giảng dạy, thỉnh thoảng tôi còn tham gia viết bài cộng tác với các báo. Gia đình yêu dấu, những ngôi trường giàu thành tích học tập, những người thầy tận tâm và cả lời khen "Có năng khiếu môn Văn" ngày xưa... đều là động lực to lớn giúp tôi có được như ngày hôm nay.

Tuy không theo đuổi được tận cùng ước mơ nhưng tôi hoàn toàn mãn nguyện với hiện tại. Bởi, tôi luôn nghĩ không phải ước mơ cháy bỏng thuở nào của tôi đã mất đi mà chính là nó đã chuyển hoá sang một dạng khác. Uớc mơ không bao giờ là vô nghĩa khi ta luôn cố gắng và nỗ lực không ngừng...

Tú Phan (Nghệ An)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
62752
Số người truy cập:
8684233