Hiện trên cả nước có tới trên 100.000 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét. Hầu hết các địa phương không đủ khả năng tái định cư và di chuyển đến nơi an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sống tại khu vực miền núi trên cả nước phải thích ứng, hay nói đúng hơn là sống chung với nguy cơ lũ cuốn, lũ quét treo lơ lửng trên đầu. Vậy vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng đến đâu?
Người dân Sa Ná trắng tay sau lũ . |
Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Lê Minh Nhật chỉ ra rằng: Một nguyên tắc bất di bất dịch trong Luật Phòng chống Thiên tai là “thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ”. Thế nhưng, thực tế, qua theo dõi các trận lũ quét, sạt lở đất vừa qua cho thấy, chúng ta đã thất bại trong phương án 4 tại chỗ; từ việc mất thông tin liên lạc, đến lực lượng cứu hộ tiếp cận địa bàn chưa kịp thời, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ thô sơ và thiếu thốn... Đến nỗi, ở Thanh Hóa, trong trận lũ quét lịch sử vừa qua, một thanh niên mắc kẹt trên cành cây giữa dòng lũ hàng tiếng đồng hồ nhưng lực lượng cứu hộ không có phương án giải cứu, cuối cùng chàng thanh niên này phải cầm 2 chiếc can nhảy xuống dòng nước lũ thoát thân.
Ông Lê Minh Nhật cho rằng: "Hầu hết các địa phương chưa rà soát các khu dân cư đảm bảo an toàn lũ quét, sạt lở đất đặc biệt sông suối, dân cư ven sông, kế hoạch ứng phó thì chưa được triển khai đồng bộ và chuẩn bị cụ thể. 4 tại chỗ thì vật tư trang thiết bị còn hạn chế, 1 là áo phao 1 trong 2 thiết bị tối thiểu còn chưa đủ. Chúng tôi đề ra giải pháp sẵn sàng phương án sơ tán dân, tiếp cận tâm lũ, chuẩn bị phương tiện trang thiết bị như lương thực, đèn pin"...
Vận chuyển hàng cứu trợ vào Sa Ná.... |
Luật Phòng chống thiên tai đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó thiên tai, trách nhiệm được giao đến tận xã phường… thế nhưng việc giám sát và triển khai thực hiện chưa đảm bảo theo quy định.
Từ thực tế tình hình mưa lũ tại địa phương mình, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, để thực hiện được 4 tại chỗ, công tác cảnh báo, dự báo phải chính xác, kịp thời, thế nhưng, cũng chính ông thừa nhận: tại khu vực miền núi như Thanh Hóa, vấn đề này chưa làm được.
"Trong chỉ huy phòng chống bão lụt chúng ta rất thấm thía với cái chỉ huy tại chỗ, 4 tại chỗ. Trước hết muốn chỉ huy phải dự báo tốt, tôi cho rằng Thanh Hóa mới có hơn 90 điểm dự báo mưa thì trung ương và tỉnh cũng phải quan tâm. Nếu dựa báo mưa rộng hơn, nó phủ được ví dụ vùng Na Mèo dự báo tốt hơn thì công tác chỉ đạo tốt hơn, thậm chí xã cũng có thông tin và ứng phó tốt hơn, rồi vấn đề chỉ huy sơ tán dân, giúp đỡ nhân dân ứng phó thì tôi cho rằng với miền núi lực lượng tại chỗ phải là thôn bản chứ xã không xuống được", ông Xứng nói.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, đã có trên 60 dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất được thực hiện. Kết quả nghiên cứu từ nhiều đề tài đã góp phần tích cực vào công tác ứng phó. Tuy nhiên, thời gian cảnh báo trước lũ quét, sạt lở đất không dài, cũng chưa dự báo được chi tiết thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện. Việc dự báo nhìn chung mới chỉ dừng ở mức độ “cảnh báo nguy cơ”.
Một nguyên tắc nữa được Luật phòng chống thiên tai quy định là công tác cảnh báo, di dời dân sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi có thiên tai, các bộ, ngành, địa phương cũng chưa làm được.
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, theo quy định, Bộ Tài Nguyên Môi trường chịu trách nhiệm công tác cảnh báo, dự báo; còn việc sơ tán dân là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
"Luật phòng chống thiên tai quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cấp, địa phương trong phòng chống thiên tai. Sẽ có trách nhiệm và đưa ra cách thực thi để giảm thiệt hại do thiên tai. Nhưng câu chuyện nghiên cứu liên quan đến thiên tai cực đoan, như lũ ống, lũ quét là trách nhiệm lớn của cơ quan khoa học trung ương, phải đưa ra được giải pháp và xây dựng được nhưng nghiên cứu đó vào thực tiễn, phủ khắp được các vùng có nguy cơ về thiên tai", TS Tứ cho biết.
Thực tế cho thấy, công tác dự báo, cảnh báo chưa được thực hiện đầy đủ, chính xác; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ thiếu thốn; các cấp chính quyền và ngành chức năng chưa sâu sát trong chỉ đạo điều hành trước tình hình mưa lũ; trong khi người dân thì chủ quan, nguyên tắc 4 tại chỗ chưa thực hiện được… dẫn đến thiệt hại do lũ quét, sạt lở sau mưa lũ gây ra là điều dễ hiểu.
Vậy giải pháp nào để đối phó với thực trạng "cứ mưa lũ , sạt lở đất lại xảy ra chết người" tại các bản làng miền núi? VOV sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Theo VOV.vn