Tưởng nhạt mà ngon

Trà đá tuy không nằm trong thực đơn nước uống nhưng rất quen thuộc với tất cả mọi người. Đối với người Việt, trà đá là món nước uống dễ chịu, không cầu kỳ, rất mộc mạc nhưng lại có cuộc hành trình đáng nể từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vô Nam..
     Đôi khi chỉ là một thói quen
     Không ai nhớ rõ trà đá có tự bao giờ. Chỉ biết rằng đối với người miền Nam trước đây, trong bữa cơm gia đình không thể thiếu một ca nước đá. Ca nước đó có thể đựng đá cục hay đá được đập nhuyễn, mục đích làm cho đá mau tan, cho nước nhanh chóng lạnh để người đang ăn có thể đưa cơm dễ dàng hoặc làm tiêu cái nghẹn vướng nơi cổ họng trong lúc tiết trời oi ả. Bữa cơm với cá kho mặn vừa xong, người ta chỉ đưa tay ra cầm ca nước đá, uống một hơi tưởng gần nghẹt thở rồi khà một tiếng, thế là no căng bụng.
     Thời kinh tế mở cửa, hàng quán mọc lên như nấm sau mưa, thói quen uống nước trong bữa ăn được mang ra phố. Để có thể trở thành món bán được, người ta nghĩ ra cách pha nước trà vào nước trắng, bỏ thêm cục đá nhỏ, vậy là được mệnh giá 500 đồng. Thời giá thay đổi, giá bán món nước đơn giản này cũng tăng theo thời cuộc, có nơi dùng nó làm quà khuyến mãi, tặng thêm để lôi kéo thực khách tới quán mình. Còn trong các quán giải khát từ vỉa hè cho đến cà phê sang trọng thì trà đá không vắng bóng bao giờ. Đặc biệt trong những ngày hè nóng bức, chỉ cần cầm ly trà đầy ních đá đập thật nhuyễn người ta đã cảm thấy cái khát vơi đi một nửa. Cái thú nhai nước đá của người Việt bao giờ cũng làm người ngoại quốc ê răng. Dù biết đó là một thói quen không tốt thế mà không ai có thể bỏ được việc vừa uống vừa ngậm đá trong miệng rồi nhai rào rạo.
      Người ta có thể uống trà đá ở khắp mọi nơi và đựng trà đá trong nhiều phương tiện. Ở các bến bãi, trà đá đựng trong bọc nilon bán nhanh cho khách lữ hành. Ở quán ăn, trà đá được chứa trong bình lớn để mọi người dùng chung hoặc nơi quán nước thì đựng trong ly khi khách ngồi chờ. Hình như người xứ mình có thói quen uống trà đá quanh năm chứ không đơn thuần làm thức giải nhiệt ngày nắng nóng. Có khác chăng là mùa nóng thì trà đá được tiêu thụ nhiều hơn món nước khác, mùa mưa tuy có ít hơn nhưng vẫn là lựa chọn đầu tiên bên cạnh nồi lẩu nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Cái lạnh của đá làm tê tê đầu lưỡi, làm hàm dưới lạnh ngắt khi sờ vào.
    
     Pha trà cũng lắm công phu
     Nói là bình dân đấy nhưng cũng có lắm kiểu chế biến để có ly trà đá hấp dẫn ngon lành. Có nơi người ta pha trà thật đậm đặc, gọi là nước trà cốt rồi cất đi. Khi có yêu cầu thì đập đá vào ly, đổ nước trắng vào gần đầy rồi rót một tí nước trà cốt lên trên. Nước trà nhanh chóng hòa lẫn với nước trắng, cuối cùng có một ly trà đá vàng khè. Ly trà này sẽ có vị hơi chát (có người cho là vị đắng) nếu người rót hơi nặng tay, thế nhưng mục đích chính làm giải khát vẫn không thay đổi. Uống hết nước trà, người ta có thể cho thêm nước trắng mà không tính thêm tiền, do đó khách muốn uống bao nhiêu tùy thích miễn sao đừng xin thêm đá!
     Cũng có nơi nấu nước chè xanh làm trà đá. Nói đến nước chè không ai phủ nhận công dụng thanh nhiệt của chúng. Trước đây người miền Bắc chỉ biết dùng nước chè nóng hoặc nguội sau bữa ăn hoặc lúc tiếp khách chuyện trò. Đối với người Bắc, nước chè không phải là món kinh doanh hoặc nếu có thì cũng được bán với giá rất bình dân, bạn có thể rót nước chè uống tùy thích sau khi đã dùng bữa. Nhưng ngày nay thói quen dùng trà với đá đã phổ biến ở miền Bắc cũng như thói quen nấu lá chè xanh làm nước giải khát dần lấn chiếm ở miền Nam, nhất là trong mùa hè nóng nực. Nếu trà đá miền Nam nhiều đá hơn trà thì miền Bắc ngược lại, nhiều trà hơn đá!
     Lại nói đến vị của trà. Muốn nước trà có màu xanh nhẹ nên nấu bằng lá chè xanh, lúc đó người ta vò nát lá chè rồi cho vào nồi hay ấm nước đã nấu sôi, nhiệt độ nóng khoảng từ 800C. Đợi chất trà ra hết thì rót vào bình chứa. Ly trà đá ngon mắt trước hết phải là ly hoặc cốc thủy tinh trong suốt. Đá đập càng mịn càng thấm nước trà nhanh. Sau đó rót nước chè xanh vào ly đá, không nên rót thật đầy mà chỉ cần ngập đá là được. Mục đích để khi uống vừa nước vừa đá nằm trọn trong miệng thực khách. Lúc đó trà đá có vị chát nhẹ nhưng ngòn ngọt, mùi thơm rất dễ chịu. Ly trà như thế rất phổ biến ở các quán cà phê, nơi trà đá được mời miễn phí, coi như là món nước khai vị mở đầu cho một món nước khác ngọt hơn hoặc chua hơn… Giản dị hơn là kiểu trà đá pha từ nước trà cốt, lúc ấy trà đá lại là món nước được tính tiền theo giá bình dân nhưng không vượt quá 2 nghìn đồng.
      Không có tên trong thực đơn nhưng trà đá lại vô cùng thân thuộc với thú ẩm thực. Ly trà đá không kén chọn người dùng nhưng có một số món ăn lại chọn trà đá làm thức uống chính thức. Ví dụ như khi ăn bún bò, lẩu Thái, cà ri cay… nói chung là thức ăn có nhiều ớt thì trà đá là lựa chọn hàng đầu bên cạnh những thức uống sang trọng khác, vì ngoài trà đá ra không có món nào làm tan cảm giác cay xé lưỡi nhanh hơn, giảm nhiệt nhanh hơn; và cũng thật lạ, chỉ có uống trà đá món ăn ấy mới thật sự còn mãi vị ngon nơi đầu lưỡi.

(Theo monngonvietnam)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11912
Số người truy cập:
9256372