Từ thân thuộc hóa hận thù

Khi tòa tuyên bố nghị án cũng là lúc người bị hại và gia đình ông dùng những lời lẽ khó nghe gây ầm ĩ trước sân tòa. Có lẽ biết phận mình, bị cáo N.C.T (SN 1964) ngồi lặng thinh trước vành móng ngựa, vợ của bị cáo cũng lủi thủi ra một góc đứng lặng lẽ.

Trước đó, phiên tòa diễn ra khá căng thẳng khi ông P.V.T - người bị hại và cũng là em rể của bị cáo - khăng khăng cho rằng bị cáo có ý thức giết người, cần phải xử mức án thật nghiêm khắc, đồng thời yêu cầu bị cáo bồi thường 190 triệu đồng chi phí điều trị và 500 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần. Còn bị cáo thì cho rằng chỉ chém để dằn mặt và đã đưa 190 triệu đồng cho vợ người bị hại.

Tức là chém

Do hoàn cảnh khó khăn, sau khi kết hôn, chị N.T.M được mẹ cho ở nhờ trên phần đất của gia đình. Thời gian sau này, bị cáo N.C.T phát hiện ông P.V.T (chồng chị M.) có những hành động bất minh nên nghi ngờ em rể muốn chiếm đất. Cũng từ đó giữa anh vợ và em rể phát sinh mâu thuẫn đến mức không thèm nhìn mặt nhau.

Một lần đi đám cưới về ngang qua nhà em gái, thấy ông P.V.T đang nằm ngủ trên võng ở trước nhà, bao nhiêu nỗi tức giận về người em rể ngang ngược bỗng trào dâng, ông N.C.T vào nhà lấy cây mác nhọn đem qua chém lên tay chân của ông P.V.T.

Ông N.C.T bị bắt. Thương con trai nghèo khó nay vướng vòng lao lý, mẹ ông bán một phần đất để lấy tiền bồi thường cho con rể (2 lần, tổng cộng 240 triệu đồng). Tuy nhiên, việc này cũng không giúp xoa dịu nỗi oán hận trong lòng con rể và gia đình sui gia. Sau khi tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt ông N.C.T 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích, ông P.V.T kháng cáo đòi thay đổi tội danh (giết người), tăng hình phạt và tiền bồi thường.

“Từ khi bị chém, tôi đi đứng khó khăn, làm ăn không được, không có tiền nuôi 2 con còn nhỏ. Bị cáo cố ý giết tôi, càng chém càng mạnh. Nhát đầu vào tay, nhát sau vào chân, tay. Nếu tôi không đưa tay đỡ thì vết chém sẽ vào vùng nguy hiểm, chắc đã chết rồi chứ còn đâu mà ra tòa như hôm nay. Về số tiền 190 triệu đồng mẹ vợ tôi đưa thì… vợ tôi là người nhận chứ không phải tôi. Tôi không chấp nhận chuyện vợ tôi nhận tiền thay tôi, yêu cầu bị cáo bồi thường tiếp 190 triệu đồng và 500 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần…” - người bị hại nói.

Ngược lại, ông N.C.T cho rằng: “Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái nhưng bị cáo không cố ý tước đoạt sinh mạng của người bị hại. Nếu cố ý, bị hại đang ngủ, chỉ cần bị cáo dùng mác nhọn đâm hoặc chém một nhát vào vùng trọng yếu là chết liền nhưng bị cáo đã không làm vậy. Anh em trong gia đình, vợ của người bị hại cũng là em ruột của bị cáo, con của người bị hại cũng là máu mủ ruột rà với bị cáo. Bị cáo xin lỗi vì đã hành động thiếu suy nghĩ. Chấp hành án tù xong, bị cáo sẽ về phụ giúp lo cho các cháu…”.

Lời xin lỗi này không được ông P.V.T và gia đình ông chấp nhận.

Khó xử

Trong phiên tòa phúc thẩm này, bà P.T.H - mẹ ruột của bị cáo và chị M. - em gái của bị cáo - đều vắng mặt. Dù thương con, thương anh, họ cũng cố nén lòng không đến tòa để không phải khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa hai nhà. Nhưng xem ra, những nỗ lực hàn gắn của họ không có kết quả. Mâu thuẫn vẫn ngày một sâu hơn khi một bên thiếu sự cảm thông. Chỉ khổ cho chị M. phải sống trong sự mắng nhiếc của gia đình mình khi có người chồng tham lam, không biết điều; sự chì chiết của gia đình chồng vì có người anh giết chồng của em gái.

HĐXX tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Ra về, gia đình ông P.V.T tiếp tục dùng những lời lẽ không hay để thóa mạ sui gia. Sóng gió vẫn nổi lên khi lòng tham có thừa mà sự bao dung lại hạn hẹp. Chỉ thương cho người phụ nữ bị kẹp giữa một bên chồng, bên anh không biết phải làm sao để giữ sự bình yên trong gia đình.

Bác kháng cáo của người bị hại

Do những vết chém của bị cáo không vào vùng trọng yếu của cơ thể, không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bị hại, vì vậy, theo HĐXX, tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo tội cố ý gây thương tích và tuyên phạt 4 năm tù là có căn cứ. Về số tiền 190 triệu đồng, chị M. nhận có sự chứng kiến của ông P.V.T và chị đã dùng số tiền này lo chi phí thuốc men cho ông, đóng tiền học cho con, mua sắm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình… Vì vậy, nếu ông P.V.T không đồng ý việc vợ nhận tiền thay thì có quyền yêu cầu chị M. giao lại hoặc kiện chị M. để đòi lại tiền. Căn cứ vào hóa đơn điều trị, thu nhập thực tế bị mất, cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo bồi thường 88 triệu đồng, gia đình bị cáo đã bồi thường 240 triệu đồng, không yêu cầu trả lại phần dư, HĐXX không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường tổn thất tinh thần 500 triệu đồng.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
64065
Số người truy cập:
7671699