Từ bỏ tất cả để theo đuổi ước mơ thành nhà bảo tồn

 

>Thi viết 'Tôi lập trình tương lai' trên VnExpress và iOne

Chị tôi vẫn thường bảo tôi ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân vì tôi đang theo đuổi một thứ đam mê không thể làm ra nhiều tiền bạc cho gia đình. Thứ đam mê có mục đích nghe rất cao cả và lạ lẫm với những người thành phố quanh năm suốt tháng chỉ biết đến kinh tế thị trường. Tôi muốn được kể cho mọi người khắp mọi nơi biết về một loại virus mang tên “human”, thứ virus có loại lành tính, có loại ác tính nhưng tăng nhanh số lượng một cách thần kỳ. Chúng đang tràn lan và gặm nhấm dần dần, từ từ màu xanh và vạn vật trên mặt đất này. Chúng đang làm cho Mẹ trái đất mang đầy thương tật và Người đang phải quằn quại vì đau đớn. 

Như một cô bé con nghèo khó với giấc mơ trở thành nàng công chúa, tôi có rất nhiều mơ ước lớn lao, mà lớn nhất là giấc mơ trở thành người chữa bệnh cho trái đất này. Cuốn sách “Saving the Earth as a Career” đã làm tôi rất thích thú khi ví von rằng: “Nhà bảo tồn được xem là vị bác sĩ của quả đất”. Thay vì khoác áo blouse trắng, tôi sẽ mặc áo sơ mi đóng thùng, đội nón, đi giày và dùng ống nhòm dõi theo những loài động vật hoang dã, mỉm cười hiền lành khi thấy chúng hạnh phúc. Thay vì dùng ống nghe, máy đo huyết áp, máy siêu âm để chẩn đoán bệnh, tôi sẽ lội suối, leo núi, vào rừng, dùng các thiết bị nghiên cứu, dùng bộ óc và kiến thức để chẩn đoán những vấn đề đang xảy ra cho khu vực ấy. 

Trong khi bác sĩ kê toa thuốc để chữa trị, thì tôi sẽ nghĩ ra phương án để người dân nghèo có việc làm, để rừng được bảo vệ, để động thực vật được an toàn, để màu xanh trở lại và phủ kín khắp mọi nơi. Thế đó, cô bé con ngày nào thường ngồi dán mắt vào màn hình tivi, háo hức với những chương trình khám phá thiên nhiên, thế giới động vật hoang dã nay đã trở thành một cô gái nghiên cứu về linh trưởng, về các loài khỉ, voọc, vượn và vẫn tiếp tục nuôi giấc mơ trở thành một nhà bảo tồn, một người bảo vệ các sinh vật đẹp đẽ của thiên nhiên Việt Nam.

Chông chênh lắm một giấc mơ. Nhớ những ngày đầu tiên của năm thứ 2 đại học, tôi cùng các bạn làm tình nguyện viên tại một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, được chăm sóc và tìm hiểu về các loài rùa, tê tê, vượn, kỳ đà, gấu. Nhờ công việc này mà tôi gặp được người thổi niềm tin cho giấc mơ ngày nào bay cao. Người ấy tên là Jane Goodall, một người bà hơn 70 tuổi với trên 50 năm cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp bảo vệ các loài linh trưởng và đã được nữ hoàng Anh phong tước “Hiệp sĩ môi trường”. 

Jane Goodall cũng là một phụ nữ, nhưng biết hy sinh rất nhiều ở bản thân, vượt qua biết bao nhiêu khó khăn vất vả để cống hiến cho sự nghiệp chung của loài người, thì tại sao tôi lại không làm được? Đâu ai biết, những lúc bước chân mỏi mệt muốn chùn lại thì hình ảnh người phụ nữ đáng kính ấy lại hiện ra tiếp thêm động lực cho tôi bước tiếp.

Trong hoạt động nghiên cứu của mình, tôi đã được đi khắp mọi nơi trên đất nước, từ lội bùn sùm sụp ở rừng ngập mặn Cà Mau, Sóc Trăng cho đến leo lên đỉnh của những ngọn núi đá vôi nhọn hoắt ở vùng Hòn Chông, Kiên Giang. Từ rong ruổi con thuyền ở vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp, đến những đêm nằm trong lều trại lạnh buốt ở những vùng núi cao, rừng sâu. 

Tôi đã đi dọc đường Trường Sơn, từ vùng rừng Kon Tum, đến Bạch Mã, Phong Nha, Cúc Phương, Ba Vì, rồi Ba Bể. Đi để chứng kiến cái cuộc sống khắc nghiệt của những người dân nghèo, chứng kiến những ngọn núi trơ trọi, khô khốc trong nắng gắt, chứng kiến sự phá hủy rừng núi một cách tàn bạo của con người đến đau lòng. Vừa thương rừng, thương những con vật, vừa thương cho những người nghèo khốn khó vì kế sinh nhai mà phải dựa vào rừng. Trong lòng tôi chất chồng không biết bao câu hỏi, biết phải làm sao đây, để thay đổi điều này?

Trở về trường đại học, tôi thấy các bậc anh chị đi trước đã phải loay hoay lắm, chật vật mãi với công việc nghiên cứu của mình, có rất nhiều người nắm mảnh bằng thạc sĩ trong tay mà có viết nổi một đề cương nghiên cứu bằng tiếng Anh đâu. Thất vọng! Tôi như đứa trẻ cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi một vùng đất ngột ngạt, nhàn nhạt và kém tiến bộ này. Tôi muốn đi học, không phải là học cao học trong nước để chỉ có mảnh bằng danh dự, tôi muốn học kiến thức từ các nước tiến bộ, muốn giỏi anh văn và chuyên môn để sớm quay về phục vụ nước nhà. 

Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ với những gì đã chứng kiến, tôi không thể hoài phí thời gian và tuổi trẻ cho những tháng năm cứ đằng đẵng trôi với thứ năng lực còn kém cỏi của mình. Thay vì chọn thi cao học ở trường đại học, tôi lại chọn một khóa học nâng cao chuyên môn ngắn ở nước ngoài. Tôi đánh đổi hai năm kiến thức tẻ nhạt ở trường để chọn một khóa học diễn ra đúng 15 ngày tại Singapore, chỉ vì cả hai diễn ra cùng thời điểm. Biết bao nhiêu người đã nói tôi khùng, nhưng tôi phải đi thôi, phải nhìn ra thế giới, phải mạnh dạn dấn thân để mở mang tầm mắt thay vì cứ lẩn quẩn trong vòng tròn an toàn của mình.

Trở về từ khóa học, tôi quyết định nghỉ cả hai công việc mà tôi đang có, hai công việc mà biết bao người đang mong muốn, vừa là trợ giảng bên trường đại học, vừa là nhân viên của một công ty du lịch sinh thái. Mọi thứ có phải quá tuyệt vời lắm không cho một tương lai ổn định, một cuộc sống không khốn khó? Nhưng còn giấc mơ làm nhà bảo tồn của tôi thì sao?

Ở cả hai công việc này, tôi được bảo bọc, được tự do và an toàn nhưng quỹ thời gian của tôi lại dành hầu hết cho những thứ chẳng liên quan mấy đến niềm đam mê đã song hành cùng tôi trước đó. Đã mất nửa năm để định hướng đúng được điều mình thực sự muốn là gì, đã mất nửa năm để tự vấn chính mình, mất đi động lực và tiêu hủy cả niềm tin về cái gọi là sứ mệnh phải làm, tôi phải phá bỏ sự an toàn đang có để tiếp tục bám đuổi giấc mơ thôi. Và thế là tôi ra đi.

Thương ba mẹ với những lo lắng cho đứa con gái đang bình yên, ổn định thì bỗng dưng thất nghiệp. Tôi đã có những ngày dài chới với, bất lực và giấu mình trong nước mắt trước khi một lần nữa tìm thấy con đường và tiếp tục bước. Tôi phải đi du học, phải chạm đến trời Tây, nơi mà mở ra con đường ánh sáng mới để tiếp cận được các kiến thức tiến bộ, nơi khoa học đã cực kỳ phát triển, nơi mà nhà bảo tồn được tôn vinh như một nghề nghiệp cao quý, nơi tôi có thể thu về những điều hay và thú vị, từ đó phát triển trí sáng tạo và những ý tưởng để áp dụng cho quê nhà. 

Tôi phải đi du học, để năng lực được lớn mạnh, để tiếng nói được coi trọng, khi trở về ắt hẳn sẽ làm được những điều tốt hơn cho đất nước. Tôi phải đi tới các phương trời, phải đặt chân đến những vùng đất mơ ước từng cuốn hút suốt tuổi thơ tôi, để một ngày tôi sẽ gặp được Jane Goodall, ôm chặt bà vào lòng và nói rằng “Con đã làm được”. Tôi đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Đức về bảo tồn động vật hoang dã và bắt đầu khóa học IELTS để bắt đầu hành trình tìm kiếm học bổng du học của mình. 

Tôi tổ chức những buổi thuyết trình và chiếu phim cho sinh viên các lớp để truyền niềm hứng khởi, yêu thích thiên nhiên cho các em. Tôi chiếu những đoạn phim hay trong bộ “BBC- Planet Earth”, “BBC-Life” và phim “Home- 2009” với mong muốn tìm được những em sinh viên có đam mê, yêu thích giống mình, từ đó hỗ trợ các em làm nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học.

Liệu giấc mơ trở thành nhà bảo tồn đó có quá khó và vượt tầm với của tôi hay không? Có quá nhiều người đã nản lòng và từ bỏ. Họ từ bỏ vì cho rằng điều đó là không thể với điều kiện Việt Nam hiện giờ, vì tình yêu họ dành cho thiên nhiên không đủ lớn để vượt qua những thách thức cuộc sống, để có thể hy sinh, họ từ bỏ bởi vì họ đơn độc. Còn tôi, bên tôi có quá nhiều người thầy giỏi và tuyệt vời, có những người anh chị và bạn bè tốt, họ luôn hỗ trợ, nâng đôi cánh ước mơ của tôi thêm mạnh mẽ. Tôi ngậm ngùi chấp nhận mình là đứa ích kỷ vì gia đình bây giờ đang còn quá khó khăn nhưng tôi biết, khi tôi thành công với ước mơ đó thì chị tôi sẽ mỉm cười, ba mẹ tôi sẽ tự hào và gia đình tôi sẽ an vui.

Việt Nam ơi! Nếu nghĩ rằng cứu lấy những cánh rừng, những loài động vật là không thể thì tương lai của thiên nhiên Việt Nam sẽ đi về đâu. Nếu việc tàn phá rừng, tận diệt các loài thú còn tiếp diễn thì một ngày nào đó Việt Nam sẽ theo bước Haiti để trở thành một quốc gia nghèo đói và không còn nữa nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà chúng ta đang tự hào. Tôi muốn biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể!

Thể lệ cuộc thi viết "Tôi lập trình tương lai"

- Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30.

- Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người.

- Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

- Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi.

- Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ.

- Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết.

- Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net và chương trình Cử nhân Top-up (ĐH FPT) phối hợp tổ chức.

- Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về:xahoi@vnexpress.net và nhipsong@ione.net.

Nguyễn Thị Tiên

 
    •   
    • Tổng số: 35 lượt
    •  
 

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19611
Số người truy cập:
7640107