Song, các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này chưa thật sự quan tâm đầu tư đúng mức để trùng tu bảo vệ.
Những ngôi đình cùng cảnh ngộ
Đó là đình làng Xuân Hòa, trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hương Long, TP Huế). Ngôi đình cổ với kiến trúc ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương.
Nhưng hiện nay, hơn nửa diện tích của đình dùng làm Trường Tiểu học Hương Long được mấy chục năm nay. Nguồn tin riêng của PV báo PL&XH cho biết, đình làng này đã có quyết định là di tích lịch sử nhưng địa phương chưa tổ chức lễ đón nhận.
Tương tự, đình làng Thế Lại Thượng được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999 nằm trên đường Bạch Đằng (phường Phú Hiệp). Ngôi đình rất nổi tiếng với kiến trúc ba gian hai chái, mái ngói âm dương với hoa văn họa tiết rất độc đáo còn lại ở Huế.
Đình làng Dương Phẩm đổ nát...
Tuy nhiên, đã từ lâu trong khuôn viên ngôi đình trở thành Trường tiểu học Phú Hiệp với hai dãy phòng học rất khang trang, và hiện nay mái ngói âm dương nhiều chỗ mục nát trước điện chính, được thay bằng mái tôn cũ kỹ.
Ông Nguyễn Đôn Bính, trưởng làng Thế Lại Thượng cho hay, việc xây dựng trường học trong khuôn viên đình làng là không thể chấp nhận được nhưng trường học đã có từ bao đời nay, “chính tôi cũng học ở ngôi trường này”.
Ông Bính cho biết thêm, chúng tôi nhiều lần kiến nghị xin chuyển trường học ra khỏi khuôn viên của di tích để trả lại vẻ đẹp kiến trúc cổ cho ngôi đình trên 400 năm tuổi, nhưng nghe đâu đã có quyết định cuối năm nay trường chuyển ra khỏi đình.
Các ngôi đình bị xâm chiếm và đổ nát
Đình làng Dương Phẩm trên đường Phan Đình Phùng (phường Phú Nhuận) có tuổi thọ trên 300 năm. Đã từ lâu ngôi đình không được trùng tu, trở thành bãi “chiến trường” đổ nát, còn trước mặt bình phong người dân chiếm dụng làm bãi cát sạn và nơi đổ xe.
Cụ Hồ Hoàn Kiếm (84 tuổi) cho biết, đình làng Dương Phẩm này gồm có 3 họ: Hồ, Ngô và Nguyễn nhưng họ Hồ là chính của ngôi đình.
Trước đây chúng tôi thường xuyên tổ chức cúng đình một năm hai lần nhưng không được trùng tu kịp thời ngôi đình bị sụp đổ do bão cách đây mấy chục năm, kể từ đó cho đến nay ngôi đình không có chỗ để lưu giữ và thờ cúng mà biến thành nơi bỏ hoang và tàn phế - cụ Kiếm nói trong buồn bã…
... Và bãi đỗ xe ô tô
Cũng theo bà con ở đây, đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục và trùng tu ngôi đình nhưng đâu vẫn hoàn đấy?
Còn ở đình làng Phú Xuân, trên đường Thái Phiên (phường Tây Lộc)- di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nay bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm, trước cổng đình là nơi buôn bán của một vài hộ dân ở xung quanh đình.
Tuy đã có nhiều bản cấm tụ tập buôn bán trước cổng đình nhưng các hộ dân vẫn nghênh ngang buôn bán làm mất mỹ quan vẻ đẹp của một ngôi đình lịch sử văn hoá.
Để “cứu” các ngôi đình làng cổ có hàng trăm năm tuổi này, người dân và con cháu của làng trông chờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngành văn hóa...