Truy trách nhiệm cây xăng dỏm và DN

Có sự tiếp tay của cây xăng

Từ loạt bài Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm đã đặt ra hàng loạt câu hỏi cho cơ quan chức năng về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường xăng dầu... Đài truyền hình VN tổ chức chương trình đối thoại mang chủ đề “Làm sao để quản lý chất lượng xăng dầu?”, được truyền hình trực tiếp trên VTV9, lúc 9 giờ ngày 14-1. Đây là cơ hội để khán giả và bạn đọc đối thoại, chất vấn trực tiếp cơ quan quản lý xung quanh các vấn đề này.

Ông Trần Văn Xiêm, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCLSPHH) miền Nam (thuộc Cục QLCLSPHH), cho biết tình trạng “rút ruột” và pha xăng đã được chi cục nhận thấy và cảnh báo cho các tổng công ty đầu mối xăng dầu từ trước.

Cụ thể, năm 2010, kết quả kiểm tra cho thấy có mẫu xăng trên thị trường TP.HCM không đạt chất lượng, trong đó có mẫu của cây xăng thuộc các tổng công ty đầu mối.

Các địa phương càng xa thì cơ hội gian lận xăng dầu càng lớn, tỷ lệ mẫu xăng không đạt chất lượng càng cao.

Theo nhận định của ông Xiêm, có khả năng một số cây xăng “bắt tay” với người vận chuyển để “ăn” xăng, móc túi người tiêu dùng.

Để “rút ruột” thường xuyên và quy mô thì không thể một mình tài xế làm được, mà phải có sự phối hợp, cấu kết, thông đồng với nhau giữa các khâu trong quy trình tiêu thụ xăng dầu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô VN, cũng khẳng định không thể chỉ quy trách nhiệm cho tài xế và doanh nghiệp (DN) vận tải như cách các tổng công ty đầu mối xăng dầu - nhất là Petrolimex - vừa làm.

“Không thể nói rằng “xăng dầu ra khỏi kho là chúng tôi không còn chịu trách nhiệm”, mà Petrolimex phải theo dõi, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng xăng dầu cho đến khi đến người tiêu dùng.

Nhất là khi các công đoạn đều do các đơn vị trực thuộc Petrolimex thực hiện, từ xe vận chuyển đến cây xăng đều nằm trong hệ thống phân phối của Petrolimex thì với tư cách tổng quản lý, Petrolimex không thể nói mình không biết được. Tương tự, các cây xăng cũng không vô can.

Một biểu hiện dễ thấy là tại sao các niêm chì, niêm nhựa đã bị tài xế cắt ra và quấn lại tạm bợ mà nhân viên kiểm hàng của cây xăng vẫn không nhận ra, hay họ cố tình không nhận ra? Có sự “bắt tay” nào hay không? Đó là điều mà các cơ quan chức năng cần làm rõ”, ông Hùng nói.

Truy trách nhiệm cây xăng dỏm và DN, Tin tức trong ngày, xang dom, xang pha, xe bon cho xang, xang dau, chay no, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Nhân viên Petrolimex rút ruột và pha xăng - Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn

“Quả bom lửa” di động

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhận xét hoạt động vận chuyển xăng dầu bằng xe bồn thời gian qua đã bị buông lỏng. Các xe này vốn là nguồn nguy hiểm cao độ, chưa kể còn chuyên chở mặt hàng xăng dầu có nguy cơ cháy nổ cao. Xe chở xăng dầu, vì thế, không khác nào một “quả bom lửa” di động.

Tuy nhiên, trong khi các loại xe vận tải khác như xe khách, xe tải, container, thậm chí taxi đều phải lắp hộp đen (GPS) để giám sát hành trình, thì hoạt động xe bồn lại chủ yếu phó thác cho tài xế. Tài xế chạy đường nào, ghé vào đâu, phóng nhanh vượt ẩu kiểu gì, đơn vị quản lý cũng không hề hay biết(?!). Nếu lắp hộp đen kiểm soát, sẽ không có chuyện các tài xế xe bồn ngang nhiên tạt vào các “điểm pha chế” như vừa qua.

Truy trách nhiệm cây xăng dỏm và DN, Tin tức trong ngày, xang dom, xang pha, xe bon cho xang, xang dau, chay no, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Nhân viên cây xăng kiểm tra qua loa khi nhận hàng - Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng cần phải siết chặt quy trình kiểm soát an toàn chất lượng xăng dầu, nhất là công đoạn chuyên chở. Thay vì chỉ kiểm tra số lượng, cơ quan quản lý và các đại lý bán lẻ cần kiểm tra chặt chẽ về chất lượng xăng dầu. Không chỉ kiểm tra chất lượng khi xuất kho, mà đến khi giao hàng cũng phải kiểm tra lại, bởi không ai có thể chắc chắn là không có sự tác động nào vào xăng dầu trong suốt quá trình vận chuyển dọc đường.

Dùng xảo thuật để đánh lừa cơ quan chức năng?

Chiều qua 12.1, ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn -đo lường - chất lượng khu vực 3 (trung tâm 3), cho hay đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng lấy từ cây xăng mà Báo Thanh Niên đăng tải trong bài viết Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm do Chi cục Quản lý hàng hóa miền Nam gửi. Kết quả, mẫu xăng đạt yêu cầu, không có dấu hiệu bất thường.

Theo một chuyên gia của trung tâm, kết quả trên khiến những người trực tiếp xử lý mẫu đều bất ngờ. Chuyên gia này nghi ngờ khả năng cây xăng đã dùng "xảo thuật" để đánh lừa cơ quan chức năng. Bởi tại các cây xăng, bồn chứa thường được thiết kế có nhiều vách ngăn khác nhau dùng để chứa xăng dỏm và xăng xịn. Thậm chí, ngay một cây xăng cũng có cột bơm xăng dỏm, cột bơm xăng xịn. Nhân viên các cây xăng thường rất cảnh giác với những người mua xăng bằng can, nhất là can chuyên dùng nên xăng sẽ được bơm từ ngăn có chứa xăng đạt chất lượng. Còn nếu bơm vào xe thì bơm xăng dỏm. Có thể trong trường hợp này, mẫu xăng lấy là mẫu xăng lấy từ ngăn chứa xăng xịn. Do nghi ngờ kết quả phân tích nên Trung tâm 3 tiếp tục gửi mẫu xăng này sang một đơn vị khác để kiểm tra. Chậm nhất ngày 14.1 sẽ có kết quả.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú: Lái xe pha xăng thì công an xử lý

“Nếu đầu mối sai phạm, tổ chức nhập một lô xăng về pha bán cho đại lý, thì tùy mức độ pháp luật xử lý. Nếu lái xe xăng tự pha thì công an xử lý”.

Ông Võ Văn Quyền, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương: Bảo anh đầu mối vô can là không đúng

Về nguyên tắc, doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi xảy ra vụ việc này. Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, Nghị định 84 cũng quy định trách nhiệm thương nhân đầu mối với hàng hóa, trong đó có chất lượng trong hệ thống của mình. Bảo anh đầu mối vô can trước vụ việc là không đúng, trách nhiệm đến đâu tùy thuộc vào vụ việc và chứng cứ của vụ việc.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ: Petrolimex phải chịu trách nhiệm

Với những hành vi “ăn cắp” xăng, pha chế xăng trắng trợn như Thanh Niên nêu, trách nhiệm chính thuộc về DN quản lý đầu mối, cụ thể các DN nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là Petrolimex. Về nguyên tắc, các DN khi pha chế phụ gia phải đăng ký với Bộ KH-CN. Tuy nhiên, trừ xăng E5 ra, từ trước đến nay chưa có DN nào đăng ký.

Ông Nguyễn Anh Đức - Viện phó Viện Dầu khí: Những chất pha vào xăng khiến ăn mòn động cơ và dễ gây cháy nổ

Có nhiều chất có thể pha vào xăng như methanol, ethanol, acetone, methyl acetate, ethyl acetate, condensat, naphtha, ete dầu hỏa... Trong đó, rẻ nhất là methanol, trong suốt nên khi pha vào màu của xăng chỉ nhạt đi, rất khó phát hiện. Trong vụ việc rút ruột và pha trộn xăng được phản ánh, tài xế đã pha 2 chất, một chất số lượng ít và một chất số lượng nhiều.

Chất pha số lượng ít có thể là chất chống tách lớp (chất đơn giản nhất có thể sử dụng là MTPE - giá không đắt) nhằm giúp xăng và methanol hòa vào nhau, tránh tách lớp. Nguy hiểm ở chỗ chất chống tách lớp về lâu dài sẽ gây ăn mòn động cơ xe máy, ô tô.

Do methanol dễ bay hơi hơn xăng, nên hàm lượng methanol trong không khí cao, chỉ cần có nguồn nhiệt sẽ gây cháy. Thêm nữa, chỉ số octan của methanol rất cao, nên khi pha vào xăng khó phát hiện.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6694
Số người truy cập:
9229386