Trường học TP HCM xoay xở tổ chức bán trú

 Từ 14/2, gần một triệu trẻ mầm non, tiểu học và khối 6 TP HCM sẽ đến trường sau một kỳ học trực tuyến. Nhiều trường dự kiến mở bán trú, dạy hai buổi một ngày và tổ chức một số hoạt động ngoại khoá.

Đảm bảo giãn cách, an toàn khi tổ chức bán trú là vấn đề được các trường mầm non, tiểu học chú trọng nhất bởi học sinh còn nhỏ, ý thức bảo vệ bản thân chưa cao.

Ở Tiểu học Tre Việt (quận 12), 165 trẻ ở 8 lớp học hai buổi và bán trú từ tuần đầu tiên. Hiệu trưởng Trần Từ Duy cho biết, khó khăn lớn nhất của trường là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong giờ học, giờ ăn, nghỉ trưa. Dù có thể đáp ứng tiêu chí giãn cách do sĩ số trung bình mỗi lớp thấp, trường lo ngại "học sinh còn nhỏ, ý thức tuân thủ 5K chưa cao".

Từ đầu tuần, trường đã phối hợp với phụ huynh phổ biến cho học sinh các kỹ năng phòng dịch. Trẻ được hướng dẫn đi, đứng cách nhau một mét, không tụ tập đông. Quy trình xử lý nếu có F0 trong trường cũng được phổ biến để tránh tâm lý hoang mang nếu sự cố xảy ra.

Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp lắp dải phân luồng học sinh từ cổng chính. Ảnh: Mạnh Tùng

Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp lắp dải phân luồng học sinh từ cổng chính. Ảnh: Mạnh Tùng

Thầy Duy cho biết, tùy theo khối lớp, nhà trường đưa ra phương án bán trú khác nhau. Học sinh lớp 1, 2 sẽ ăn tại phòng riêng, sau đó ngủ trưa tại phòng học. Học sinh lớp 3, 4, 5 ăn tại phòng học. Giáo viên, nhân viên tạp vụ sau đó sẽ dọn dẹp sạch phòng để các em ngủ trưa.

"Việc học, ăn, ngủ tại phòng sẽ đảm bảo chặt chẽ nguyên tắc 5K. Trong hoạt động bán trú, học sinh được rèn luyện các kỹ năng như cùng thầy cô lau bàn ghế, quét dọn lớp học, dọn dẹp khay cơm", thầy Duy cho biết.

Tại Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp), với hơn 1.000 học sinh bán trú, trường phải bố trí học sinh ăn trưa ở hành lang trước lớp. Hiệu phó Ngô Thị Thuý Lan cho biết, do học sinh hiếu động, việc đảm bảo khoảng cách tối thiểu một mét trong giờ ăn là rất khó. Trường sẽ siết chặt hoạt động bán trú bằng cách phân luồng lối ra, vào từ cổng trường đến bàn ăn. Sau mỗi bữa ăn, sàn nhà, mặt bàn, ghế được khử khuẩn. Với nơi ngủ trưa, các trường sắp xếp để học sinh không dùng chung gối, chăn, chiếu, vệ sinh định kỳ đồ dùng.

Sáng 11/2, nhân viên bảo mẫu trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp lau chùi bếp ăn, chuẩn bị cho hoạt động bán trú từ tuần sau. Ảnh: Mạnh Tùng

Sáng 11/2, nhân viên bảo mẫu trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp lau chùi bếp ăn, chuẩn bị cho hoạt động bán trú từ tuần sau. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo khảo sát của Sở Giáo dục - Đào tạo, trên 80% phụ huynh cấp 1 đồng ý cho con học trực tiếp. Tỷ lệ này ở cấp mầm non dao động 60-80% tùy nơi. Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, hiện hệ thống trường công lập đủ nhân sự để chăm sóc cho 100% trẻ đến trường. Các trường tư thục có tình trạng thiếu giáo viên, bảo mẫu cục bộ, nhưng trước mắt vẫn có thể đáp ứng được cho số trẻ theo đăng ký trên.

Ngoài mầm non và tiểu học, đợt trở lại trường này còn có thêm khối 6. Khi đón thêm học sinh lớp 6, trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) có hơn 2.000 học sinh với khoảng 1.100 em đăng ký bán trú. Từ tuần thứ hai, trường dạy hai buổi mỗi ngày cho bốn khối. Khi đó, tất cả học sinh sẽ có mặt ở trường cả ngày. Đông học sinh nhưng cơ sở khá hẹp, khó đảm bảo giãn cách.

Hiệu trưởng Hứa Thị Diễm Trâm cho biết, để khắc phục hạn chế này, trường đưa ra những yêu cầu cụ thể với phụ huynh, học sinh. Phụ huynh theo dõi sát sao sức khoẻ của con, báo với nhà trường kịp thời khi có dấu hiệu bất thường, đề phòng dịch bệnh từ gốc.

"Với học sinh, trường yêu cầu tự giác giãn cách trong điều kiện có thể. Mỗi em đi học phải mang nhiều khẩu trang để thay đổi, không di chuyển trong giờ ăn hay quá trình lên phòng ngủ trưa", cô Trâm nói.

Một số trường thận trọng, chưa tổ chức bán trú khi chưa đủ khả năng đáp ứng các điều kiện phòng dịch. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở nội thành với hơn 1.200 học sinh cho biết, nhà trường dự kiến đầu tháng 3 mới mở bán trú bởi chưa chuẩn bị kịp phương án tổ chức. "Nhu cầu bán trú của phụ huynh gần 50%, trong khi nhà ăn của trường nhỏ, bảo mẫu đang thiếu. Nếu tổ chức bán trú ngay, chúng tôi không đảm bảo được khoảng cách an toàn bởi học sinh đông quá", hiệu trưởng này chia sẻ.

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cũng chưa tổ chức bán trú dù hơn 700 phụ huynh đề nghị. "Chúng tôi muốn chuẩn bị kỹ, có bàn bạc và được sự đồng thuận của phụ huynh mới tổ chức bán trú và dạy học hai buổi", Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo cho biết.

Tuần này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM kiểm tra điều kiện mở cửa trường học, tổ chức bán trú ở nhiều địa phương. Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở, các trường không nên trì hoãn tổ chức bán trú, canteen, học hai buổi một ngày nếu phụ huynh có nhu cầu. Nhà trường cần sắp xếp để học sinh học trực tiếp nhiều nhất có thể, đặc biệt ở địa bàn vùng xanh.

"Các trường tự đối chiếu điều kiện của đơn vị mình với bộ tiêu chí an toàn trong trường học, nếu đạt thì tổ chức bán trú, nội trú", lãnh đạo Sở cho biết.

Ngày 9/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các trường học tổ chức đồng bộ hoạt động khi trẻ học trở lại. Theo ông Sơn, học sinh đến trường một buổi hay cả ngày không khác nhau nhiều về phòng dịch nên cần tổ chức bán trú ở những nơi có điều kiện.

Mạnh Tùng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16999
Số người truy cập:
9015184