Trẻ mầm non, tiểu học TP HCM đến trường

 Sáng 14/2, Hoàng Kim Quân, học sinh lớp một, trường Tiểu học Lương Thế Vinh, TP Thủ Đức dậy sớm, giục mẹ đưa đi học. Đến trường, Quân chào mẹ, bước vào lối đi đã được phân cách, đo thân nhiệt rồi lên lớp.

Chị Hoa, mẹ Quân kể, sau hai hôm đến trường làm quen trong tuần trước, cậu bé háo hức đi học. Quân say sưa kể với mẹ về những người bạn mới gặp, cô giáo, phòng học.

"Dường như cảm giác bức bối trong nhà suốt học kỳ qua của con được giải toả. Bé không còn phải ngồi trước màn hình nữa mà được lên lớp nghe cô dạy trực tiếp. Ngày đi học thực sự như ngày vui", chị Hoa chia sẻ.

Người mẹ 34 tuổi xác định có thể xảy ra tình huống F0 trong trường bất cứ lúc nào. Quan sát gần hai tháng học trực tiếp của khối 7-12, chị Hoa yên tâm bởi việc xử lý sự cố ở các trường được thực hiện nhanh, gọn, không gây hoang mang.

"Trong bất cứ tình huống nào, phụ huynh cần bình tĩnh, phối hợp với trường xử lý, không làm ảnh hưởng đến tâm lý con mình và các bé khác", chị Hoa nói.

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, sáng 14/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, sáng 14/2. Ảnh: Mạnh Tùng

TP HCM sáng nay trời quang, nắng. Khoảng 600.000 trẻ tiểu học tại 510 trường được đến lớp. Trước đó, hầu hết học sinh lớp một đã tới trường để được xếp chỗ ngồi, hướng dẫn cách phòng dịch, tham quan khuôn viên.

Từ 6h30, phụ huynh Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh tập trung đông trước cổng trường đưa con đi học. Hơn 1.000 học sinh khối 1, 2 đến trường sáng nay. Phụ huynh được phép đưa con vào bên trong. Hai lối đi bố trí cách nhau 3 m, mỗi nơi có giáo viên hướng dẫn đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.

Hiệu trưởng Đặng Duy Phước cho biết, trường sẽ tổ chức bán trú ngay trong những tuần đầu, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.

Học sinh Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đến trường sáng nay. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đến trường sáng 14/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, 3.710 học sinh của 78 lớp cùng đến trường, học hai buổi mỗi ngày ngay từ tuần đầu. Không chỉ dạy trực tiếp, trường còn tổ chức bán trú cho hơn 1.300 học sinh đăng ký. Trường An Hội đảm bảo an toàn bằng cách cách phân luồng lối ra vào, sắp xếp chỗ ăn bán trú giãn cách.

Hiệu phó Ngô Thị Thuý Lan cho biết, trong tuần đầu, học sinh sẽ được ôn tập, củng cố kiến thức đã học trực tuyến. Khoảng cuối tháng 2, nhà trường sẽ kiểm tra trực tiếp với lớp một và hai.

"Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đến trường chưa đạt tuyệt đối, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để sau vài tuần, phụ huynh sẽ yên tâm hơn và cho tất cả các em đi học", cô Lan cho biết.

Đón năm khối lớp đồng loạt học trực tiếp, hầu hết trường đều lên phương án cho từng cấp độ dịch ở địa phương. Trong tuần đầu, nhiều trường chia ca đón học sinh, có trường chưa tổ chức bán trú.

Tại quận 1, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng ôn tập, củng cố kiến thức và hướng dẫn nội quy phòng, chống dịch cho học sinh khối một và năm trong sáng nay. Các khối còn lại đến trường sáng 15/2. Trong tuần này, trường tiếp tục bố trí các khối xen kẽ.

Từ ngày 21/2, tất cả học sinh đến trường hàng ngày, được tham gia bán trú. Ngoài môn học chính khoá, trường còn dạy tiếng Anh tăng cường và tự chọn, tin học, kỹ năng sống, tổ chức các câu lạc bộ.

Tại Tiểu học Trần Hưng Đạo, hơn 1.700 học sinh tất cả khối lớp đến trường học trực tiếp. Trường chưa tổ chức bán trú đại trà, xếp so le ngày học giữa các khối.

Ngoài cấp tiểu học, khoảng 200.000 trẻ mầm non trên ba tuổi đến cũng đến trường sáng nay. Đây là hoạt động học tập đầu tiên của bậc này kể từ đầu năm học 2021-2022.

Nguyễn Thục Đoan, năm tuổi, lớp Lá 6 trường Mầm non Sóc Nâu, quận Gò Vấp mong ngày đến trường suốt một tuần qua. Mẹ bé - chị Quyên - kể, từ tối hôm trước con gái đã tự xếp đồ vào cặp, chọn bộ áo dài để diện trong ngày đầu tiên đến lớp.

Trước khi được bố chở đến trường, Đoan thơm em gái một tháng tuổi rồi dặn: "Chị Hai đi học rồi, em ở nhà với mẹ phải ngoan nhé".

Người mẹ 32 tuổi ủng hộ mở cửa trường mầm non của TP HCM bởi trẻ đã ở nhà quá lâu, không được học tập, trau dồi kỹ năng. Giống như nhiều phụ huynh khác, chị Quyên xác định việc F0 xuất hiện trong trường là điều không tránh khỏi.

"Cho trẻ đi học an toàn hơn, bởi ở trường việc phòng chống dịch quy củ, chặt chẽ. Ở nhà, trẻ cũng loanh quanh khu phố, nguy cơ dịch bệnh còn cao hơn", chị Quyên nói.

Cô giáo trường Mầm non 19/5 Thành phố, Quận 1, dỗ dành một em bé chưa quen với việc đi học lại sau nhiều tháng được ở nhà. Ảnh: Khang Thái

Cô giáo trường Mầm non 19/5 Thành phố, Quận 1, dỗ dành một em bé chưa quen với việc đi học lại sau nhiều tháng được ở nhà. Ảnh: Khang Thái

Trước đó, các trường mầm non đã họp với phụ huynh, phổ biến phương án phòng, chống dịch. Kế hoạch học tập, vui chơi, sinh hoạt, bán trú của trẻ cũng được bàn bạc kỹ lưỡng. Tỷ lệ cho con đi học ở nhiều trường mầm non là 80-90%.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, trẻ sẽ được bán trú nhưng không ăn sáng tại trường trong tuần đầu tiên. Tùy điều kiện thực tế, trường sẽ phân luồng, tổ chức đón, trả trẻ tại cổng hoặc khu vực phù hợp. Nhà trường được khuyến khích sử dụng tối đa diện tích phòng học để bố trí các hoạt động phù hợp, tránh tập trung đông trẻ vào một chỗ.

Tuần này, giáo viên chủ yếu hướng dẫn giúp trẻ làm quen lớp học, bạn bè, hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn, đeo khẩu trang, vệ sinh đúng cách.

Ở bậc trung học, các trường THCS đón thêm khối 6. Do có kinh nghiệm tổ chức dạy học trực tuyến các khối 7 trở lên, nhiều lãnh đạo trường tự tin đón thêm học sinh khối này.

Tại THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè, một phần ba trong số hơn 1.500 học sinh được tham gia bán trú. Nhà trường tổ chức đầy đủ hoạt động canteen, dạy hai buổi một ngày.

Hiệu trưởng Dương Công Lý cho biết, để phòng dịch hiệu quả khi số lượng học sinh tăng lên, nhà trường áp dụng mô hình "đôi bạn cùng học". Học sinh mỗi lớp được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm lại chia từng đôi, cùng hỗ trợ nhau học tập và đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.

"Nhờ cách làm này, suốt thời gian khối 7, 8, 9 học trực tiếp, nhà trường chưa phát hiện F0 trong trường. Tỷ lệ học sinh ba khối này đến trường đạt 100%", thầy Lý cho biết.

Từ giữa tháng 12 năm ngoái, hơn 600.000 học sinh khối 7-12 lần lượt đến trường học trực tiếp. Đến nay, phần lớn trong số 1,7 triệu học sinh từ mầm non đến THPT tại TP HCM đã đến trường. Nhóm còn lại của TP HCM - trẻ mầm non dưới 3 tuổi - sẽ được đi học khi thành phố sơ kết hiệu quả việc mở cửa trường học.

Mạnh Tùng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
17827
Số người truy cập:
9016465