Hơn 25 năm trước, chị D.T.K.H là hoa khôi của một vùng, được nhiều chàng trai để ý, yêu thương. Trong số các vệ tinh vây quanh, chị đã chọn T.B.T (SN 1965) - người thanh niên cùng tuổi, khỏe mạnh, chí thú làm ăn với nghề nuôi trồng thủy sản. Tình yêu của họ chỉ còn đợi ngày gia đình công nhận. Nhưng...
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Tình em duyên anh
Năm 1986, cha mẹ hai bên tổ chức đám cưới cho chị H. với anh T.T.C- anh của chính T. Phận làm con không dám cãi lời cha mẹ, cả hai gạt nước mắt chia tay. Chị H. trở thành chị dâu của T. Sống chung dưới một mái nhà, hai kẻ yêu nhau phải giấu tình yêu vào trong, cố gắng làm tròn vai trò, trách nhiệm của chị dâu, em chồng. Không chịu đựng nỗi cảnh éo le ấy, đã có lúc T. kiếm cớ đi làm ăn xa, vài ba hôm mới về qua nhà.
Rồi anh C. nhập ngũ sau vài tháng cưới vợ. Chị H. vẫn ở lại nhà chồng. Lửa gần rơm lại trong cảnh “tự do”, hai kẻ yêu nhau đã không thể dằn lòng, phản bội chồng và anh trai, lén lút quan hệ trong hổ thẹn và tội lỗi.
Ngày xuất ngũ trở về, nghe bà con láng giềng nói bóng gió mối quan hệ của vợ và em trai, anh C. rất đau đớn, thất vọng nhưng không muốn làm lớn chuyện, anh nói chuyện với vợ và em trai, yêu cầu họ chấm dứt mối quan hệ bất chính ấy. Cả hai tỏ vẻ hối hận. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, họ lại lén lút cùng nhau. Chán nản, căm giận nhưng không muốn cha mẹ hai bên khó xử và nhất là hai con vẫn còn nhỏ, anh C. bỏ mặc. Năm 1998, cha mẹ vợ anh C. gả em gái chị H. cho T. Tình yêu của người vợ trẻ vẫn không đủ sức buộc chồng quay về nẻo chính. Hễ đi đâu, làm gì, chị H. cũng gọi nhờ T. và T. chưa bao giờ từ chối việc gì mỗi khi chị H. lên tiếng. Ngoài anh C., thêm một người nữa đau khổ bởi tình yêu không phân biệt phải trái của H. và T.
Năm 2003, chị H. chủ động chia tay T. Sự thật đó khiến T. không sao chấp nhận được. T. lẳng lặng tìm hiểu, phát hiện anh V.V.M thường lui tới nhà chị H. Dù chưa có bằng chứng gì nhưng T. vẫn nghi ngờ, ghen tuông, thường giấu chìa khóa xe và dép mỗi khi anh M. đến.
Tội ác và sự trả giá nghiệt ngã
Ngày 9-5-2010, sau khi uống rượu tại tiệc cưới, trên đường về ngang nhà vợ chồng anh trai, thấy cửa nhà sau mở, T. đi thẳng vào buồng chị H. Phát hiện chiếc điện thoại di động để trên đầu nằm và chị H. đang ngủ, T. bước đến cầm điện thoại định kiểm tra tin nhắn và cuộc gọi nhưng chị H. tỉnh giấc bước đến lớn tiếng hỏi T. muốn gì. Bỏ chiếc điện thoại vào túi quần, T. xô mạnh khiến chị H. ngã va đầu vào tường. Bao nhiêu ghen tuông, thất vọng kìm nén bấy lâu bùng lên khiến T. như con thú dữ, đấm đánh chị H. cho đến khi nạn nhân không còn cử động.
Tại phiên tòa sơ thẩm, dù luật sư bào chữa tranh luận nhiều về tội danh cướp tài sản và cố gắng đưa ra những tình tiết giảm nhẹ để xin khoan hồng cho bị cáo về tội giết người; dù cuối cùng cha mẹ của người bị hại tha thứ, xin giảm nhẹ hình phạt, T. vẫn giữ im lặng, không tranh luận sau lời đề nghị tử hình của đại diện VKSND tỉnh Trà Vinh. Như thể mức án ấy là lẽ tất nhiên. Và quả thật, T. không tránh khỏi án tử hình cho 2 tội giết người, cướp tài sản. Nhưng như lời chị của T. kể, dường như những ngày biệt giam, đối diện với bốn bức tường lạnh lẽo, chứng kiến cảnh lấy đêm làm ngày của những người đồng cảnh đã khiến T. thay đổi.
Mỗi ngày, T. như cảm nhận rõ hơn sự hoang mang, sợ hãi khi nghĩ đến cảnh ra pháp trường trả giá cho tội ác của mình; nỗi đớn đau, tủi hổ của đấng sinh thành; nỗi bất hạnh của người vợ chưa một lần được hưởng tình yêu của chồng và nhất là sự mất mát không gì bù đắp được của hai đứa con vẫn còn quá nhỏ đã phải mồ côi cha. Những suy nghĩ đầy hối hận, ăn năn ấy đã khiến khát khao được sống, được làm chút gì đó chuộc lỗi với vợ con, cha mẹ, anh trai và các cháu trỗi dậy mãnh liệt trong T. Anh ta kháng cáo xin được khoan hồng.
Phiên tòa phúc thẩm, hầu như tất cả anh chị của T. đều đến, trong đó có người anh thứ tư đồng thời là chồng của nạn nhân. Người đàn ông có nước da sạm đen, gương mặt khắc khổ, ngồi ở hàng ghế trên cùng. Nghe em trai tha thiết xin cơ hội được làm lại cuộc đời, ông đã lặng người, rơi nước mắt rồi khó nhọc nói từng lời khi được HĐXX hỏi về lý do kháng cáo. “Gia đình tôi vừa mất đi một người, cha mẹ già yếu đã chịu nhiều xấu hổ, đau khổ chắc không thể chịu đựng hơn nếu phải mất thêm người thân nữa. Về phần bị cáo, hai con còn quá nhỏ dại... Xin HĐXX mở lượng khoan hồng...” - ông nghẹn ngào.
Nói thế nào, trong vụ án này, ông là người bị tổn thương, mất mát nhiều nhất bởi tình yêu ích kỷ và sự phản bội của hai người thân yêu, ruột thịt. Vết thương lòng quá sâu, đến bây giờ vẫn chưa lành khiến ông lặng lẽ đến u uẩn, không buồn trò chuyện với ai, một mình ra đứng bên cửa sổ, mặc các anh chị em tranh thủ giờ nghị án hỏi thăm T. hay âm thầm cầu mong một điều kỳ diệu.
Tòa tuyên y án tử hình. T. bàng hoàng tra tay vào còng rồi nhìn nhanh về phía người anh trai đang đứng bất động. Ánh mắt T. như cầu xin được thứ tha, trong tuyệt vọng. Nhưng sự ăn năn, hối hận ấy dường như cũng đã muộn mất rồi.
Bị cáo phạm 2 tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng
Luật sư bào chữa cho rằng bị cáo không phạm tội cướp tài sản mà là trộm cắp tài sản, thể hiện bị cáo lén lút lấy chiếc điện thoại nhằm kiểm tra cuộc gọi trong lúc người bị hại đang ngủ. Hành vi dùng vũ lực được thực hiện sau khi bị cáo lấy điện thoại. Do vậy, không có căn cứ để áp dụng điểm e, khoản 1, điều 93 BLHS.
HĐXX nhận định bị cáo đang chiếm lấy chiếc điện thoại di động thì bị phát hiện, ngay tức khắc bị cáo đã dùng vũ lực đối với người bị hại cho đến chết. Do vậy, bị cáo phạm 2 tội giết người và cướp tài sản theo điểm e (giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng), điểm q (vì động cơ đê hèn) khoản 1, điều 93 BLHS.
|